BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh TN: Cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về quy trình, thủ tục đối với người tự ứng cử

Cập nhật ngày: 26/10/2010 - 11:32

Tại buổi thảo luận chiều ngày 25.10.2010, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp, các vị ĐBQH Tây Ninh nhận định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND khá toàn diện, bao quát nhiều vấn đề với mục đích bảo đảm sự đồng bộ, hợp lý của hệ thống chính trị; tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan Nhà nước ở các cấp; tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức; phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, cử tri cả nước.

ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu tại buổi thảo luận

Tuy nhiên các vị ĐBQH đề nghị xem xét lại về cơ cấu đại biểu. Ví dụ như đối với đại biểu tôn giáo không nhất thiết phải làm việc trong tổ chức tôn giáo, yêu cầu là người đó được các tín đồ tôn giáo tín nhiệm và giới thiệu ra ứng cử. Về người tự ứng cử đề nghị không gây sức ép đối với ứng cử viên, và đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về quy trình, thủ tục đối với người tự ứng cử để đảm bảo công khai và bình đẳng; bên cạnh đó cần mở rộng đối với người tự ứng cử, hoặc nên có quy định người tự ứng cử phải có được bao nhiêu chữ ký của cử tri hoặc tổ chức nơi người ứng cử có bao nhiêu thành viên giới thiệu... Về khoản 3 Điều 1 các đại biểu đề nghị nên thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương sớm hơn nữa (dự thảo quy định “Chậm nhất là 120 ngày trước ngày bầu cử…”) để đảm bảo thời gian cho Uỷ ban bầu cử ở địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc bầu cử, đồng thời đề nghị quy định thời gian để các ứng cử viên tiếp xúc cử tri ít nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử, không nên quy định chỉ có 5 ngày như hiện nay, để đảm bảo cho ứng cử viên có đủ thời gian vận động tranh cử, nhất là đối với các ứng cử viên Trung ương, đồng thời cử tri có đủ thời gian tìm hiểu thông tin về ứng cử viên. Đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ “số người trong danh sách ứng cử đại biểu nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị” cụ thể là bao nhiêu? Vì hiện nay thực tế diễn ra danh sách ứng cử vào khoảng 5 hoặc 6 đại biểu ở một đơn vị bầu cử, với số đại biểu được bầu là 3 đại biểu, thì kết quả đại biểu trúng cử thường đạt tỷ lệ thấp, hoặc nếu xảy ra trường hợp bất khả kháng, như khi người ứng cử bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị chết, hoặc vì lý do khác phải xoá tên trong danh sách ứng cử viên thì kết quả đại biểu trúng cử cũng bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý là đại biểu đề nghị cần phải có cơ chế giám sát và biện pháp chế tài đối với việc thực hiện hành vi bầu thay người khác và khi ban hành luật phải kèm theo văn bản hướng dẫn thực hiện có nội dung xác định các hành vi nghiêm cấm khi đi bầu cử, vì đây là một thực trạng “một người đi bầu bỏ nhiều phiếu” là rất phổ biến.

Đối với Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp, các vị đại biểu cho rằng việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết vì chính sách miễn, giảm thuế nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, xoá đói giảm nghèo, hạn chế tốc độ phân cấp giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn; góp phần bảo đảm bình đẳng trong việc điều tiết thu nhập, hạn chế đầu cơ đất nông nghiệp… Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc, quy định rõ hạn mức đất miễn thuế, đối tượng miễn thuế để tạo sự công bằng xã hội, tránh trường hợp người có nhiều đất trồng cao su đem lại thu nhập rất cao nhưng không phải nộp thuế. Đồng thời đại biểu đề nghị chỉ miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp, còn diện tích đất nông nghiệp ngoài hạn mức vẫn phải thu thuế. Các vị đại biểu đồng ý với thời hạn miễn, giảm là 10 năm nhằm tạo căn cứ pháp lý ổn định cho chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp trong nhiều năm tiếp theo, động viên nông dân yên tâm sản xuất…

THANH NHÀN

(Lược ghi)