BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh: Tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong kiểm toán

Cập nhật ngày: 19/11/2010 - 12:55

ĐB Nguyễn Thành Tâm góp ý Luật Kiểm toán.

Ngày 19.11 Quốc hội làm việc tại hội trường về dự án Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu Nguyễn Thành Tâm – Đoàn ĐBQH Tây Ninh phát biểu tán thành việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập, do ý nghĩa của hoạt động này đối với việc đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh chúng ta đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với các nhà đầu tư, thông tin kiểm toán là cơ sở quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư; đối với tổng thể nền kinh tế, thông tin kiểm toán giúp cho việc tổng hợp, đánh giá chính xác thực lực hoạt động của các doanh nghiệp, một bộ phận quan trọng của nền kinh tế để Nhà nước có quyết sách đúng; khắc phục tình trạng “lời giả, lỗ thật” hoặc “lời thật, lỗ giả” gây nhiễu loạn trên thị trường đầu tư và làm sai lệch chính sách điều hành vĩ mô.

Đề cập đến các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp kiểm toán, đại biểu Tâm cho rằng, để có được một báo cáo kiểm toán có chất lượng đòi hỏi ở trình độ, năng lực và đạo đức nghề nghiệp của cá nhân và doanh nghiệp thực hiện việc kiểm toán. Trong dự thảo luật đã có nhiều quy định đối với điều kiện về trình độ, năng lực của kiểm toán viên (KTV) và doanh nghiệp, nhưng theo đại biểu Tâm các quy định về đạo đức nghề nghiệp chưa được cụ thể và chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm cụ thể để đảm bảo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể tại điều 13 và 15 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của KTV và KTV hành nghề yêu cầu phải “có đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật”, nhưng chưa có quy định cụ thể ai sẽ là người có trách nhiệm xác nhận về tiêu chuẩn này, và nếu xác nhận không chính xác mà gây ra hậu quả thì có phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không? Đại biểu đề nghị cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này trong luật.

Trong dự thảo luật cũng đã có quy định xử lý vi phạm đối với cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập dưới hình thức: cảnh cáo, phạt tiền, rút phép hoạt động hoặc xử lý hình sự. Đại biểu Nguyễn Thành tâm đề nghị bổ sung thêm hình thức xử lý bồi thường thiệt hại về tài chính nếu báo cáo kiểm toán không chính xác (dù do vô tình hay cố ý) để nâng cao trách nhiệm của bên lập báo cáo kiểm toán. Thực tế thời gian qua trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế cũng như trong hoạt động doanh nghiệp nhà nước, đã có trường hợp doanh nghiệp được đang gặp khó khăn hoặc đứng bên bờ vực phá sản nhưng báo cáo kiểm toán vẫn “đẹp”, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. Những thiệt hại như vậy nếu chỉ phạt vi phạm hành chính thì mức bồi hoàn cho nhà đầu tư cũng như nền kinh tế là không đáng kể, hơn nữa việc tăng trách nhiệm bồi thường vật chất cũng cần tăng cường trong giao dịch kinh tế thay thế cho trách nhiệm hình sự (trừ hành vi cố tình lừa đảo). Ngoài ra, trong dự thảo luật cũng cần bổ sung trách nhiệm “thanh tra” của cơ quan quản lý Nhà nước để tạo điều kiện tốt hơn về pháp lý và thẩm quyền xử lý vi phạm cho cơ quan Nhà nước như Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định, tăng cường hoạt động hậu kiểm tránh buông lỏng quản lý, các doanh nghiệp kiểm toán sau khi được cấp phép xảy ra tình trạng không đủ điều kiện, năng lực hoạt động vẫn cung cấp dịch vụ gây hậu quả cho nhà đầu tư và xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm còn phát biểu về các vấn đề phân loại báo cáo kiểm toán, phạm vi của báo cáo kiểm toán tài chính và phạm vi cung cấp dịch vụ kiểm toán.Theo đại biểu, dự thảo luật chưa có sự phân loại thống nhất trên cùng một tiêu chí đối với các loại kiểm toán, dẫn đến việc khó hiểu và khó xác định trách nhiệm pháp lý trong việc lập báo cáo kiểm toán. Do vậy đại biểu Tâm đề nghị thống nhất lại tiêu chí phân loại là dựa vào mục đích và giá trị pháp lý của các báo cáo kiểm toán. Theo đó, trong luật cần xác định rõ các báo cáo kiểm toán nào là bắt buộc các đối tượng bị điều chỉnh phải thực hiện và phải công bố công khai kết quả và đến những đối tượng cụ thể nào; các báo cáo kiểm toán nào chỉ phục vụ cho việc điều hành nội bộ đối với bên được kiểm toán. Điều này liên quan đến trách nhiệm pháp lý của bên cung cấp dịch vụ kiểm toán đối với xã hội như phân tích ở trên chứ không chỉ đơn thuần là trách nhiệm hợp đồng với bên được kiểm toán…

Về quan điểm cho phép các doanh nghiệp kiểm toán được cung cấp dịch vụ ngoài dịch vụ kiểm toán (được quy định tại Điều 46). Đại biểu đồng ý với lý giải của tờ trình là cho phép để khai thác tốt nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đang còn thiếu ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo tính độc lập của hoạt động kiểm toán, đề nghị luật quy định chặt chẽ hơn theo hướng không cho phép kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán được đồng thời cung cấp các dịch vụ tư vấn và nghiệp vụ về tài chính, thuế, kế toán với cung cấp dịch vụ kiểm toán trong thời hạn ít nhất 3 năm, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong hoạt động kiểm toán…

QUANG NHÀN

(Lược ghi)