Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đoàn kết, thống nhất, ASEAN giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực
Chủ nhật: 14:30 ngày 26/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Năm 2020 đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2020). Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã trả lời phỏng vấn của báo chí về quá trình 25 năm Việt Nam đồng hành, gắn bó với ASEAN và lợi ích quan trọng mà Cộng đồng mang lại cho Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: TTXVN/phát

Có thể nói, Việt Nam gia nhập ASEAN là một quyết định chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Vậy Thứ trưởng có thể đánh giá về quá trình 25 năm Việt Nam đồng hành, gắn bó với ASEAN?

Có thể nói là 25 năm qua đã chứng kiến sự thay đổi và chuyển biến hết sức mạnh mẽ của cả ASEAN và Việt Nam. ASEAN, từ một tổ chức được lập ra trong nghi kỵ, đối đầu ở khu vực, đã trở thành một tổ chức khu vực thành công năng động và sáng tạo với tiềm năng kinh tế đứng thứ 5 thế giới và thu hút được sự quan tâm và hợp tác của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, Việt Nam, từ một nước có nền kinh tế bao cấp và lạc hậu, đã trở thành một nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động và đang tích cực hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.

Từ những bước ban đầu còn chập chững, Việt Nam nay đã là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay cùng các nước thành viên ASEAN khác ứng phó với các thách thức đang nổi lên cũng như đóng góp xử lý những vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, phát triển, thịnh vượng của ASEAN; qua đó, góp phần thúc đẩy vị thế của ASEAN cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Nhìn lại 25 năm qua, Thứ trưởng có thể cho biết những lợi ích quan trọng mà Cộng đồng ASEAN mang lại cho Việt Nam?

Gia nhập ASEAN mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi ích quan trọng, có thể được khái quát trong 3 nội dung chính sau:

Thứ nhất, tham gia ASEAN giúp chúng ta có điều kiện để phát triển nhanh, vững chắc: có một môi trường hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển; mở rộng quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các đối tác lớn, quan trọng; mở rộng thị trường, thu hút thêm nhiều nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển đất nước; hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.

Thứ hai, góp phần nâng cao năng lực cho Việt Nam, theo đó để hội nhập với ASEAN và thế giới, Việt Nam tiến hành đổi mới, hoàn thiện thể chế theo hướng phù hợp hơn với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; Việt Nam đẩy mạnh nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành trong các hoạt động quốc tế và đa phương.

Thứ ba, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như giúp chúng ta tự tin tham gia vào các sân chơi quốc tế. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực không chỉ của ASEAN mà của cả cộng đồng quốc tế. Từ chỗ chỉ tham gia, nay chúng ta đã đủ vững vàng, tự tin tham gia hội nhập quốc tế, đóng góp thực chất vào các công việc chung của thế giới.

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật gì trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN?

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng cho ASEAN. Thứ nhất, là một nước tầm trung trong khu vực, với dân số đứng thứ 3, diện tích đứng thứ tư ở Đông Nam Á, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp cho tổ chức này lớn mạnh về tiềm lực, phạm vi cũng như vững mạnh về tổ chức, giúp ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, chấm dứt những nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Thứ hai, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có thể kể đến Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể kèm theo, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)…

Thứ ba, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc triển khai thực hiện các quyết định chung của ASEAN. Chúng ta tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị- an ninh, văn hóa- xã hội và kinh tế cũng như chủ trì tổ chức các sự kiện có liên quan theo nghĩa vụ thành viên. Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998); tiếp đó, đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, tạo tiền đề quan trọng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã đóng góp vào việc hình thành, củng cố, phát triển các thể chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt. Có thể kể đến quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, ngày 26/6/2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo Thứ trưởng, những nhân tố quan trọng trong sự phát triển và thành công của ASEAN là gì?

ASEAN là một cộng đồng đa dạng về dân tộc, văn hóa, trình độ phát triển, thể chế chính trị… Dù vậy, ASEAN vẫn được đánh giá là một tổ chức khu vực thành công. Theo tôi, thành công của ASEAN có thể bao gồm các yếu tố sau: “Phương cách ASEAN”: chính là dựa trên cơ sở đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng nhau; có các bước đi vững chắc, phù hợp với khả năng, đảm bảo sự bình đẳng cả về quyền lợi và trách nhiệm của các nước thành viên, đảm bảo tất cả các thành viên cảm thấy được tham vấn, thoải mái trong các quá trình ra quyết sách, không bỏ rơi bất kỳ ai.

Nhân tố thứ hai tạo nên thành công của ASEAN là yếu tố địa chiến lược và địa kinh tế. Nằm ở vị trí địa - chiến lược quan trọng, là trung tâm của khu vực rộng lớn kết nối hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ASEAN luôn có một vị thế quan trọng trong quan hệ quốc tế, gắn liền với lợi ích chiến lược của nhiều cường quốc trên thế giới. Với dân số hơn 650 triệu người, ASEAN là một thị trường tiềm năng với một nền kinh tế năng động và là điểm sáng kinh tế toàn cầu. Dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Nhân tố thứ ba là khát vọng, nỗ lực của ASEAN để xây dựng một khu vực trung lập, hòa bình, nơi những quốc gia với hệ thống chính trị, trình độ phát triển, văn hóa, tôn giáo… khác biệt vẫn có thể hợp tác, bảo đảm an ninh, ổn định và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Một nhân tố nữa không thể thiếu trong thành công của ASEAN là việc tạo dựng được các cơ chế, sân chơi ở khu vực thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực của các nước, nhất là các nước lớn, góp phần xây dựng và định hình cấu trúc khu vực. Ngày càng có nhiều đối tác bên ngoài mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hữu nghị ở Đông Nam Á (TAC).

Thứ trưởng có thể cho biết về định hướng phát triển của ASEAN đến năm 2025 và những năm tiếp theo? Vai trò và phương hướng tham gia ASEAN của Việt Nam trong thời gian tới?

Sau hơn 5 thập kỷ phát triển, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực thành công. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, ASEAN phải thành công trong xây dựng một Cộng đồng gắn kết, tự cường và vững mạnh.

Để làm được điều này, ASEAN cần tăng mức liên kết nội khối, tăng chất kết dính thông qua các mẫu số lợi ích chung, cải tiến, củng cố nền tảng hợp tác và khuôn khổ thể chế hiện tại. Làm sao ASEAN đem lại điều kiện thuận lợi để các nước phát triển hơn nữa, gắn bó hơn nữa, thích ứng kịp thời và nhanh chóng trước những biến chuyển của tình hình, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Điều này cũng chính là những gì mà Việt Nam mong muốn gửi gắm trong chủ đề và những ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Một điều không kém phần quan trọng là ASEAN cần củng cố và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực. Một ASEAN đoàn kết, thống nhất là nhân tố then chốt giúp Hiệp hội giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực, có quan hệ quan hệ cân bằng, cùng có lợi với các đối tác.

Định hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới rất phù hợp với chính sách của Việt Nam. ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Vừa tận hưởng những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng Cộng đồng. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn, sóng gió ngày càng lớn trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục