Thời Sự - Chính trị   Đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:

Đoàn kết tôn giáo - dân tộc vì sự phát triển bền vững 

Cập nhật ngày: 17/02/2023 - 05:47

BTN - Không chỉ đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo mà còn nỗ lực vun đắp tình đoàn kết trong nội bộ các tôn giáo và đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho đại diện chức sắc, chức việc các tôn giáo và người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Xuân Quý Mão 2023

Tây Ninh là tỉnh có nhiều tôn giáo, dân tộc, vì vậy, vấn đề đoàn kết tôn giáo - dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân đoàn kết, chiến đấu, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người tiếp tục soi rọi để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện trên ba vấn đề lớn, đó là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nước và đoàn kết quốc tế. Trong đó, đoàn kết tôn giáo là một nội dung quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người rất chú trọng đoàn kết lương giáo, “phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hoà thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc”.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà gồm 6 vấn đề cấp bách, trong đó có vấn đề đoàn kết tôn giáo. Người nhấn mạnh: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”.

Người định hướng lấy lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi cơ bản của con người làm mẫu số chung trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc - tôn giáo. Bởi “nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”.

Cách mạng là công việc chung của dân chúng, chứ không phải của một hai người. Cách mạng là việc khó nhưng đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết thì làm được; do đó đoàn kết trong nước, đoàn kết dân tộc là nhân tố quyết định thành công của cách mạng.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo được thực hiện theo nguyên tắc: trân trọng các giá trị tốt đẹp trong các tôn giáo; chấp nhận sự khác biệt, phát huy những điểm tương đồng giữa các tôn giáo, giữa triết lý tôn giáo và lý tưởng Cộng sản; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đối xử bình đẳng với các tôn giáo.

Đồng thời, đấu tranh chống âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực phản động. Đặc biệt, tôn trọng các chức sắc tôn giáo và quan tâm đến giáo dân, hướng họ vào các hoạt động lợi ích chung của toàn dân tộc theo phương châm: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Tư tưởng của Người là nền tảng lý luận, định hướng cho Đảng trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo, đoàn kết tôn giáo - dân tộc hiện nay. Lấy tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi, ứng dụng trong thực tiễn lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ tỉnh hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lựa chọn chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên để Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững”.

Vun đắp sự đoàn kết, gắn bó giữa các tôn giáo - dân tộc

Tây Ninh là tỉnh đa dạng về dân tộc, tôn giáo. Toàn tỉnh có 21 dân tộc và 5 tổ chức tôn giáo lớn chiếm hơn 70% dân số của toàn tỉnh, điều đó cho thấy đồng bào dân tộc, tôn giáo có vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Trong lãnh đạo, Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ luôn chú trọng đến việc vận động, đoàn kết tôn giáo - dân tộc, thực hiện tốt chính sách tuyên truyền, vận động, tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng của đồng bào. Không chỉ đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo mà còn nỗ lực vun đắp tình đoàn kết trong nội bộ các tôn giáo và đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Để làm được điều này, cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh xây dựng, vun đắp mối quan hệ gắn kết, gần gũi với các tôn giáo, dân tộc.

Trong công tác tiếp xúc dân tộc, tôn giáo, Mặt trận các cấp đã chủ động, thường xuyên tiếp xúc với đồng bào dân tộc, tôn giáo- nhất là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo, già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tôn giáo, đời sống đồng bào dân tộc.

Từ đó, kịp thời báo cáo với cấp uỷ, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết thoả đáng. Trong năm 2022, đã tổ chức 19 hội nghị tiếp xúc dân tộc, tôn giáo theo định kỳ với trên 2.100 chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu tôn giáo, già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc, ghi nhận 40 ý kiến, kiến nghị đề xuất liên quan đến các hoạt động tôn giáo và đời sống đồng bào dân tộc, đã chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đạt 100%, tạo sự tin tưởng và đồng thuận trong đồng bào dân tộc, tôn giáo của tỉnh nhà.

Lãnh đạo Uỷ ban MTTQVN tỉnh cùng đại diện các tổ chức tôn giáo thăm động viên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang làm công tác dân vận.

Theo ông Nguyễn Văn Hợp- Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh diễn ra các sự kiện quan trọng của 3 tôn giáo đó là Đại hội đại biểu của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh, Đại hội nhiệm kỳ của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Đại hội Nhơn sanh cấp cơ sở, cấp toàn đạo và Đại hội Hội thánh của đạo Cao Đài đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội cổ truyền của đồng bào dân tộc được tổ chức trong không khí trang trọng, vui tươi, tạo ra sự phấn khởi cho toàn thể đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Mặt trận Tổ quốc với vai trò làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc, tôn giáo, trong năm qua đã thực hiện tốt vai trò dân chủ đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào dân tộc, tôn giáo; vận động, đoàn kết và phát huy vai trò các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, người uy tín dân tộc hướng dẫn đồng bào dân tộc, tôn giáo chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia các phong trào do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

Vào các dịp lễ trọng của các tôn giáo, dân tộc, Uỷ ban MTTQVN các cấp phối hợp các ngành chức năng tổ chức nhiều đoàn đi thăm, chúc mừng và trao tặng quà. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan, học tập tại các khu di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh với 787 lượt người tham gia, tạo sự phấn khởi, gắn bó giữa các chức sắc, chức việc tôn giáo và già làng, người uy tín các dân tộc.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng đã vận động các cơ sở tôn giáo thực hiện tốt công tác giúp khó trợ nghèo, góp phần cùng địa phương giảm nghèo và chăm lo cho các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nổi bật, các tôn giáo đã ủng hộ đóng góp xây tặng 13 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương trị giá 845 triệu đồng, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo 900 triệu đồng, sửa chữa, làm 9,7km đường giao thông nông thôn, trao tặng trên 38.000 phần quà trị giá trên 14 tỷ đồng cho người nghèo, người neo đơn, khó khăn. Tổng số tiền Mặt trận Tổ quốc các cấp vận động các tổ chức, cá nhân tôn giáo đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 là 85,2 tỷ đồng.

Tin tưởng về sự phát triển của tỉnh, Thượng toạ Thích Thiện Thức- Phó trưởng Ban, kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết: “Trong năm 2022, tỉnh Tây Ninh có sự phát triển vượt bậc, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt, vượt ở mức cao, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Song song với sự phát triển chung của tỉnh, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, tất cả các tôn giáo nói chung đều có sự khởi sắc, rất đáng mừng.

Riêng đối với Phật giáo, được Nhà nước quan tâm xây dựng các cơ sở thờ tự văn hoá, văn minh, trong đó một số cơ sở thờ tự của Phật giáo phát triển gắn với du lịch tâm linh. Với tiền đề năm 2022, tin tưởng năm 2023 tỉnh sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Chúng tôi rất tự hào là tu sĩ, là công dân Tây Ninh. Với sự gắn kết của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, chúng tôi mong tình cảm, sự đoàn kết này sẽ ngày càng khăng khít hơn nữa, trở thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh Tây Ninh”.

Phương Thuý


Liên kết hữu ích