Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 27.5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Trung Kiên chủ trì buổi làm việc với đoàn nghiên cứu, khảo sát của Học viện Hành chính và Quản trị công. Cùng dự buổi làm việc có Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hiền và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

Đoàn nghiên cứu, khảo sát do GS.TS Nguyễn Quốc Sửu- Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công làm trưởng đoàn; bà Karen Louise Dalkie- Phó Giám đốc phát triển và quan hệ đối tác, Cơ quan hợp tác Giáo dục Canada, đại diện Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, lãnh đạo phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các chuyên gia quốc tế.
Trong chương trình làm việc tại tỉnh Tây Ninh, đoàn sẽ làm việc với UBND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, lãnh đạo chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, đại diện lãnh đạo nữ, khảo sát thực tế tại một địa phương. Qua đó nhằm xác định nhu cầu nâng cao năng lực của các địa phương trong bối cảnh đẩy mạnh tái cấu trúc và tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính thực hiện dự án “Quản trị địa phương bao trùm”.
Đây là dự án do Học viện Hành chính và Quản trị công thực hiện, được Chính phủ Canada tài trợ. Dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2025-2030, với mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị địa phương tại 6 tỉnh, thành phố của Việt Nam, bao gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế và các tỉnh Lạng Sơn, Đắk Lắk, Tây Ninh.
Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Quốc Sửu- Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công nêu mục đích, phương pháp làm việc của chương trình nghiên cứu, khảo sát của đoàn.
Các thành viên đoàn và các chuyên gia quốc gia đặt ra các câu hỏi cho lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh và các sở, ngành về định hướng của tỉnh trong bối cảnh thúc đẩy tái cấu trúc, tinh gọn tổ chức, bộ máy; những thách thức và sự chuẩn bị của địa phương để hướng tới xây dựng một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; mức độ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của tỉnh Tây Ninh…
Để làm rõ những nội dung đoàn đặt vấn đề, lãnh đạo Sở Nội vụ trình bày khái quát về bối cảnh và định hướng của tỉnh trong việc thúc đẩy tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy hành chính; những thách thức lớn hiện nay mà tỉnh đang đối mặt; cải cách hành chính hiện nay hướng tới xây dựng một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Lãnh đạo các sở Giáo dục và Đào tạo, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ tiếp tục trao đổi thảo luận làm rõ một số khó khăn, thách thức khi sáp nhập tỉnh và các giải pháp tháo gỡ khó khăn; các giải pháp nâng cao năng lực số cho người dân, hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng số dùng chung của bộ máy chính quyền mới và phục vụ cho người dân…
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Trung Kiên cảm ơn lãnh đạo Học viện Hành chính và Quản trị công, các chuyên gia đã đưa Tây Ninh là một trong 6 tỉnh vào dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Trung Kiên thông tin tới đoàn một số nét nổi bật về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tới đây, khi tỉnh Tây Ninh sáp nhập với tỉnh Long An sẽ có thêm những thế mạnh mới, hai tỉnh sẽ bổ trợ cho nhau về chiến lược phát triển của tỉnh Tây Ninh mới.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập tỉnh cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, như việc phải quản lý đường biên giới dài; phải tích hợp quy hoạch của hai tỉnh Tây Ninh và Long An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó xác định các trung tâm phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thương mại…
Bên cạnh đó, việc sáp nhập tỉnh Tây Ninh, Long An cũng sẽ có những thách thức chung giống như tất cả các địa phương được Trung ương xác định chủ trương hợp nhất địa giới hành chính cấp tỉnh, đó là về mặt thể chế; năng lực quản trị chính quyền địa phương; hạ tầng số, năng lực số, công nghệ thông tin; công tác bố trí, sắp xếp nhân sự; giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, giải quyết việc làm cho người dân... Thời gian đầu sau khi hợp nhất, khi không gian mở rộng, khối lượng công việc hành chính sẽ tăng mạnh; rất nhiều thẩm quyền cấp huyện hiện nay sẽ được đưa xuống cấp xã, do đó, cấp xã cần có thời gian để thích ứng với mô hình mới.
Để giải quyết những thách thức này, Đảng, Nhà nước, các địa phương đề ra các giải pháp, đó là khẩn trương hoàn thiện thể chế; bố trí nhân sự phù hợp các cấp chính quyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công, thực hiện chủ trương “bình dân học vụ số” cho người dân; đẩy mạnh các giải pháp tham vấn xã hội, giữ gìn văn hoá của các địa phương.
“Giải pháp rất nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Khi vận hành mô hình tổ chức chính quyền mới không có cách nào khác là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Trung Kiên đề nghị Cơ quan hợp tác Giáo dục Canada, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam quan tâm hỗ trợ tỉnh nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức đặc biệt là công chức lãnh đạo, quản lý, trước hết có thể ưu tiên cho đội ngũ cấp xã.
Tỉnh cũng mong muốn các chuyên gia và Học viện quan tâm hỗ trợ tỉnh được tham gia các đợt tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, các chương trình toạ đàm về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, lãnh đạo xã của tỉnh Tây Ninh khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại Canada hoặc tham gia các chương trình phù hợp do Học viện Hành chính và Quản trị công tổ chức.
Phương Thuý