BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn Tham tán, Tuỳ viên thương mại thăm, làm việc tại Tây Ninh

Cập nhật ngày: 28/02/2012 - 03:06

(BTNO)- Sáng 28.2, Đoàn Tham tán, Tuỳ viên thương mại Việt Nam tại các nước Nga, Trung Quốc, Rumania, Hàn Quốc, Thái Lan, Nam Phi, Hồng Kông, Israel, Lào do ông Trần Bảo Giám - Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Tây Ninh.

Cùng tham dự buổi làm việc có Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh Đỗ Thanh Hoà, đại diện Hội Doanh nghiệp Tây Ninh, Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh và các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo với đoàn Tham tán, Tuỳ viên thương mại Việt Nam, đại diện SỞ Công thương Tây Ninh đã trình bày về đặc điểm vị trí địa lý và tiềm năng của Tây Ninh trong phát triển kinh tế vùng cùng hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Tây Ninh. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh đạt gần 1.200 triệu USD, so cùng kỳ tăng gần 31%, tăng gần 10% so kế hoạch năm. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là hạt điều nhân, cao su, tinh bột mì, sản phẩm cao su plastic thành phẩm, hàng dệt may, giày thể thao. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, các nước EU, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, Nam Phi, Rumani… Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Ông Trần Bảo Giám - Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào phát biểu tại buổi gặp gỡ với doanh nghiệp Tây Ninh

Trao đổi với các Tham tán và Tuỳ viên thương mại Việt Nam, ông Đoàn Tấn Lực – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Tây Ninh, Giám đốc Công ty cao su Liên Anh cho biết: Điều mà các doanh nghiệp hiện nay đang thiếu và đang rất cần là thông tin về thị trường. Doanh nghiệp ở Tây Ninh hầu hết có quy mô  nhỏ và vừa, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu rất khó khăn nếu không được sự hỗ trợ từ bộ, ngành chức năng, đặc biệt là việc hỗ trợ về thông tin thị trường và thông tin thương nhân từ phía các Tham tán thương mại. Hiện nay phần lớn doanh nghiệp phải tự tìm kiếm thông tin trên mạng…

Các Tham tán và Tuỳ viên thương mại Việt Nam cũng đã giới thiệu sơ lược về thị trường các nước với các doanh nghiệp Tây Ninh. Theo ông Nguyễn Việt Hải -  Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel, mặc dù Israel là một nước nhỏ với quy mô dân số 7,5 triệu người nhưng GDP cao gấp 10 lần Việt Nam. Đây là thị trường có tiềm năng rất lớn về hàng công nghệ cao, các thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất. Nhưng làm thế nào để hàng hoá Việt Nam có thể xuất khẩu vào thị trường này là vấn đề cần quan tâm.

Đối với thị trường Rumani, hàng nông sản, hàng tiêu dùng của Việt Nam đã có được chỗ đứng từ nhiều năm qua nhưng cũng có những khó khăn nhất định. Thống kê của Tổng cục Hải Quan cho biết, trong năm 2011 Việt Nam xuất khẩu đạt 110 triệu USD qua Rumani, chủ yếu là cà phê, cao su thiên nhiên, đồ gỗ dân dụng, hàng điện tử và một số hàng da giày. Ông Lê Ngọc Thi – Tham tán thương mại Việt Nam tại Rumani cho biết, trong thời gian tới Tham tán sẽ tăng cường đẩy mạnh sự phối hợp và mối quan hệ giữa doanh nghiệp Rumani và doanh nghiệp Tây Ninh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Tây Ninh có thể khảo sát thị trường, trao đổi kinh nghiệm nhằm mở ra những cơ hội mới ở thị trường này.

Đối với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang giữ được tốc độ 50%/năm. Năm 2011 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 11,1 tỷ đô la. Song tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa được 1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ nước này. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường Trung Quốc rất lớn. Hiện nay Việt Nam có 3 Thương vụ ở 3 tỉnh của Trung Quốc và đang chuẩn bị mở 5 văn phòng xúc tiến thương mại ở nước này. Các địa phương phía Tây Nam Trung Quốc sẽ là thị trường hấp dẫn của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, khi các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Mong muốn của Tham tán thương mại Bùi Huy Hoàng là sẽ tìm được đầu mối nhập khẩu lớn và có hợp đồng dài hạn cho doanh nghiệp Việt Nam ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân.

Ông Trần Bảo Giám - Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào cho rằng: Trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, việc tìm kiếm thị trường và xác định nguồn hàng quan trọng nhất là trao đổi thông tin giữa 2 đối tác. Tham tán thương mại các nước đã kiến nghị Bộ Công thương thành lập cơ chế trao đổi thông tin. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, thực tế thời gian qua cho thấy doanh nghiệp kêu “đói” thông tin nhưng lại không có địa chỉ cụ thể để Tham tán thương mại cung cấp nguồn thông tin cần thiết. Đôi lúc cũng có trường hợp thông tin gửi đi nhưng không có phản hồi. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xác minh thương nhân để tránh rủi ro cho chính mình khi xuất khẩu. Đến nay vẫn chưa có cơ chế nào để làm công tác này, trong khi đó ở nước ngoài vấn đề này được thực hiện rất rõ ràng minh bạch.

Tại buổi làm việc, các Tham tán và Tuỳ viên thương mại Việt Nam đều bày tỏ nỗ lực làm cầu nối cho các doanh nghiệp với doanh nghiệp các nước sở tại nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh.

Phương Nguyệt