BAOTAYNINH.VN trên Google News

Doanh nghiệp góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Chung quanh nội dung “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”

Cập nhật ngày: 12/03/2013 - 05:29

(BTN) - Đối với giới doanh nhân và các doanh nghiệp Tây Ninh, một trong những nội dung rất đáng quan tâm trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Điều 54, quy định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu…”.

Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thái Bình- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cho biết: “Tuy dự thảo Hiến pháp lần này bỏ cụm từ “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, nhưng vẫn khẳng định kinh tế thị trường định hướng XHCN, thể hiện tính nhất quán đổi mới của Đảng về kinh tế, đồng thời nhấn mạnh quan điểm huy động sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế vào sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước”. Vì vậy, ông đồng tình với Điều 54 dự thảo vì nó phù hợp với cuộc sống và xu thế thời đại.

Ông Võ Tự Thiện- Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Tây Ninh

Tuy nhiên, theo ông Võ Tự Thiện- Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Tây Ninh đề nghị cần bổ sung cụm từ “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế” vào Điều 54 dự thảo, mà nội dung của nó đã được phản ánh ở Điều 19, Hiến pháp năm 1992. Cá nhân tôi cho rằng không nên bỏ cụm từ “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, vì nếu không có thành phần kinh tế Nhà nước thì sẽ không có định hướng XHCN. Vai trò của kinh tế Nhà nước không chỉ là làm ra lợi nhuận, mà còn có những hoạt động vì chính trị quốc gia, lợi ích đóng góp cho cộng đồng”, ông Thiện nói. Riêng ở Điều 57 dự thảo, ông Thiện nêu ý kiến, nếu đất đai thuộc quyền sử dụng của dân lâu đời thì Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất lâu dài, không ghi thời hạn sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì việc ghi thời hạn sử dụng đất có nhiều bất lợi cho người dân trong việc giao dịch để vay vốn, thế chấp… với ngân hàng.

Luật sư Nguyễn Thế Tân- Giám đốc Công ty Luật Đắc Tâm

Luật sư Nguyễn Thế Tân- Giám đốc Công ty Luật Đắc Tâm (Phường 1, Thị xã) nhận định: “Nên gộp Điều 15 và Điều 21 dự thảo thành một vì cùng đề cập đến quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội công nhận, tôn trọng và bảo vệ theo Hiến pháp và Pháp luật”. Riêng Khoản 1, Điều 34, cần thêm cụm từ “ngành nghề mà pháp luật không cấm”, bởi không thể nói đến tự do kinh doanh chung chung, có thể tạo kẽ hở cho việc kinh doanh bất hợp pháp”. Đối với việc bỏ nội dung “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, luật sư Tân đồng tình vì theo ông, quy định này đã làm cho tất cả các thành phần kinh tế cùng bình đẳng với nhau và cùng phát triển. Thực tế vừa qua, các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh tuy chưa được tạo điều kiện một cách đầy đủ nhưng vẫn phát huy tương đối tốt, đem lại thêm của cải cho xã hội, cho ngân sách Nhà nước. Luật sư Tân đề nghị giữ nguyên các Điều 53, 54, 55, 56 dự thảo vì nó có tính đột phá đổi mới nền kinh tế so với quy định của Hiến pháp hiện hành.

HUỲNH MINH ĐỨC