BAOTAYNINH.VN trên Google News

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, người lao động gặp khó 

Cập nhật ngày: 04/12/2022 - 23:54

BTN - Doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN khiến NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi trong khi mỗi tháng vẫn bị doanh nghiệp khấu trừ khoản trích đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Theo quy định, người lao động và người sử dụng lao động có giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng hoặc không xác định thời hạn phải tham gia mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí, quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHTN, BHYT

Trong khi nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động, vẫn còn một số doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Điều này đã gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ).

Xâm phạm quyền lợi của người lao động

Anh V.M.N (37 tuổi, ngụ xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) làm việc tại Nhà máy Tanifood (Công ty cổ phần Lavifood), là một trong 157 lao động có tham gia BHXH tại công ty. Tháng 10.2022, anh N. không may bị tai nạn giao thông, cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh).

Theo chế độ, anh được hưởng BHYT, tuy nhiên, nhân viên bệnh viện thông báo thẻ BHYT của anh báo lỗi từ tháng 7.2022 do công ty nợ đóng BHXH, anh phải tự thanh toán tiền khám, chữa bệnh hơn 200 triệu đồng. Anh cho biết, sau khi trở lại làm việc (đầu tháng 11.2022), phía công ty có hẹn sẽ bù số tiền khám, chữa bệnh cho anh.

“Ngoài tôi ra, có nhiều công nhân khác cũng bị tình trạng tương tự, họ đều bị khoá thẻ BHYT từ tháng 7.2022 đến nay. Tôi đang mong chờ được nhận lại chi phí nằm viện, vì phía công ty có hứa sẽ trả lại chi phí BHYT cho tôi”- anh N. nói.

Anh M.H.M (31 tuổi) bày tỏ bức xúc khi phát hiện doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động trong thời gian dài. Anh M vào làm việc tại Công ty TNHH Kiều Công Thành (TX. Hoà Thành) với vị trí nhân viên xuất nhập khẩu, được tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ cùng một số quyền lợi khác theo hợp đồng thoả thuận. Cuối năm 2020, trong quá trình đi khám bệnh thì phát hiện thẻ BHYT của mình bị khoá, do doanh nghiệp chưa đóng BHXH, BHYT, anh M nhiều lần đề nghị với công ty nhưng vẫn không được giải quyết, bất bình, anh M. quyết định nghỉ việc từ tháng 2.2021.

Khoản 3 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung) quy định: “Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau: Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT; đồng thời, phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT”.

Anh M cho biết, cơ quan BHXH chỉ ghi nhận thời gian tham gia BHXH đến tháng 2.2019 và BHTN đến tháng 5.2020, vì vậy, anh không thể chốt sổ BHXH, không thể làm các thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc.

“Mỗi tháng, công ty đều trừ tiền BHXH vào lương của tôi, nhưng trên thực tế tôi chỉ đóng 1 năm 7 tháng. Tôi đã đến cơ quan BHXH để làm thủ tục hưởng BHTN, tuy nhiên, đơn vị này cho hay tôi không thể chốt sổ BHXH cũng như hưởng các chế độ khác vì công ty còn nợ BHXH.

Điều này đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động chúng tôi rất nhiều, ảnh hưởng đến quá trình đóng BHXH cũng như thời gian công tác. Tôi đề nghị cơ quan BHXH cũng như pháp luật cần mạnh tay đối với những doanh nghiệp trốn đóng BHXH để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vì khi doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động chính là người chịu thiệt thòi nhiều nhất”- anh M bức xúc.

Doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN khiến NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi trong khi mỗi tháng vẫn bị doanh nghiệp khấu trừ khoản trích đóng BHXH, BHYT, BHTN. Thống kê của BHXH Tây Ninh, tính tới ngày 31.10.2022, trên địa bàn có 217 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 3 tháng của 2.180 người lao động, với tổng số nợ 116.11 triệu đồng, tăng 0,4% so với tháng trước.

Cần có chế tài mạnh

Theo quy định, NLĐ và người sử dụng lao động có giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng hoặc không xác định thời hạn phải tham gia mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí, quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHTN, BHYT.

Đồng thời, thẻ BHYT có giá trị sử dụng tương ứng số tiền đóng BHYT. Nếu chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, thẻ BHYT hết giá trị sử dụng. Khi người lao động phát sinh chi phí khám, chữa bệnh trong thời hạn thẻ BHYT hết giá trị sử dụng, cơ quan BHXH sẽ thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh theo quy định sau khi đơn vị đã đóng đủ số tiền chậm đóng BHYT.

Ông Võ Quốc Vũ- Trưởng Phòng Thanh tra BHXH Tây Ninh cho biết việc các công ty, doanh nghiệp chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ. Cụ thể, NLĐ không được BHXH chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không nhận được trợ cấp thất nghiệp... Việc nợ đóng BHXH còn ảnh hưởng đến số tháng, số tiền hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ (như các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 68/2021, Nghị quyết 116/2021, Quyết định 08/2022).

“BHXH đã có nhiều chế tài, ngoài xử lý vi phạm hành chính, phối hợp xử lý hình sự, doanh nghiệp còn phải chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT người lao động đã chi trả trong thời gian thẻ BHYT bị khoá”- ông Vũ nhấn mạnh.

Đối với các doanh nghiệp cắt, giảm hợp đồng lao động nhưng chưa chốt sổ BHXH, ông Vũ cho biết thêm, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội kéo dài không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Căn cứ phương án cắt giảm của doanh nghiệp, BHXH sẽ hướng dẫn đơn vị tách đóng đủ BHX, BHYT, BHTN cho những lao động nghỉ việc để chốt sổ, đồng thời giải quyết chế độ BHTN kịp thời nhằm giảm khó khăn cho NLĐ khi mất việc làm.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 220.584 lao động hưởng các chế độ BHXH, BHTN, với tổng số tiền 2.217,7 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số người giải quyết hưởng BHXH, BHTN tăng 267,46% (15.217 lượt người năm 2021). BHXH tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra 206 đơn vị.

Trong đó, thanh tra chuyên ngành về đối tượng đóng do chưa đóng, thiếu thời gian quy định, đóng không đúng mức quy định 1.958 người, với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Thu hồi số tiền đơn vị chưa đóng, đóng không đúng quy định hơn 19 tỷ đồng.

Xử phạt vi phạm hành chính 2 đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, với tổng số tiền 130,4 triệu đồng. Riêng trong tháng 10.2022, cơ quan BHXH đã đôn đốc bằng văn bản đến 18 đơn vị sử dụng lao động có số tiền nợ trên 3 tháng, với tổng số tiền chậm đóng 6,7 tỷ đồng. Kết quả, có 12 đơn vị đã đóng 100% với tổng số tiền gần 4,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác thanh tra chuyên ngành hiện chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt đối với các đơn vị nợ đóng BHXH. Theo ông Võ Quốc Vũ, công tác phối hợp thực hiện quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và BHXH tỉnh cùng các cơ quan chức năng tại địa phương chưa chặt chẽ; nhiều đơn vị cố tình không thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra; đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; lao động nghỉ việc; một số đơn vị nợ chậm đóng trên 3 tháng đã giải thể hoặc chuyển đi nơi khác.

Theo BHXH Tây Ninh, hiện có 217 doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, trong đó có một số doanh nghiệp nợ từ tháng 4.2017 đến nay, như: Công ty TNHH SX DV TM XNK Thép Việt - Trung (TX. Trảng Bàng, nợ 126,9 triệu đồng); Công ty TNHH Kiều Công Thành (TX. Hoà Thành, nợ 286,8 triệu đồng); Công ty TNHH Sinh Thành (huyện Châu Thành, nợ 226 triệu đồng); Công ty TNHH Hương Bảo Trang (TP. Tây Ninh, nợ 257 triệu đồng); Chi nhánh Công ty cổ phần Lavifood- Nhà máy TaniFood (huyện Gò Dầu, nợ hơn 3,5 tỷ đồng); Công ty TNHH DVVT Sao Đỏ- chi nhánh Tây Ninh, hơn 1,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Cao su Thời Ích (KCN Trảng Bàng) hơn 4,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sorbitol Pháp-Việt (huyện Tân Châu) hơn 4,3 tỷ đồng... 

GIANG NGUYÊN ĐÔNG


Liên kết hữu ích