Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất, chăm lo đời sống người lao động trong dịp tết
Thứ tư: 05:50 ngày 21/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để nắm bắt tình hình khó khăn, kịp thời có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 sắp tới, trong hai ngày 13 và 14.12, đoàn công tác của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh do ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội làm trưởng đoàn có chuyến khảo sát tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có buổi khảo sát tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Nhiều doanh nghiệp gặp khó

Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn đại diện Công ty TNHH KOVINA FASHION (gọi tắt là Công ty KOVINA) tại Khu công nghiệp (KCN) Trảng Bàng cho biết, Công ty KOVINA là doanh nghiệp FDI có 100% vốn từ Hàn Quốc, chuyên sản xuất gia công hàng may mặc xuất khẩu cho thị trường Mỹ, với hơn 385 lao động thường xuyên.

Tuy nhiên, do tình hình suy thoái kinh tế, nhu cầu của thị trường suy giảm, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp bị huỷ, không có hàng để sản xuất, nên lãnh đạo Công ty KOVINA đã cho 327 lao động nghỉ việc, đồng thời, chi trả các chế độ theo đúng quy định của pháp luật để người lao động ổn định cuộc sống, sớm tìm việc làm mới. Hiện công ty chỉ còn 28 lao động để trông giữ kho, bảo trì, văn phòng và một số công nhân may mẫu để chào hàng và tìm kiếm nguồn hàng để công ty sớm hoạt động trở lại.

Ông Phan Minh Thiện- đại diện Công ty TNHH Best South Việt Nam (KCN Thành Thành Công) cho biết, do số lượng đơn hàng giảm khoảng 50% nên công ty buộc phải cắt giảm 20% số công nhân, những người này được hỗ trợ một tháng lương và giải quyết các thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Đại diện Công ty TNHH Young IL VIỆT NAM (KCN Thành Thành Công) phản ánh, công ty gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hải quan theo Nghị định 08/2015/NĐ-CP do Cục Hải quan các tỉnh, thành hướng dẫn khai báo không đồng bộ.

Ông Tạ Quốc Dũng- Giám đốc Công ty cổ phần phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tây Ninh- đơn vị đầu tư và quản lý KCN Trảng Bàng cho biết, KCN Trảng Bàng có 79 doanh nghiệp với 21.000 lao động, sau dịch bệnh đến thời điểm này, đã có 10 doanh nghiệp xin đóng cửa với gần 4.000 lao động bị ảnh hưởng.

Trước tình hình này, ông đề nghị các sở, ban, ngành xem xét các chính sách thuế liên quan thuế nhập khẩu như thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân… để phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó khăn.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động đã kéo theo tình hình lạm phát kinh tế gia tăng, trong khi giá cả các loại vật tư đầu vào để sản xuất và chi phí logistics gia tăng, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường tại Mỹ và châu Âu tụt giảm khiến cho các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm.

Tính đến ngày 12.12, trên địa bàn tỉnh có 46 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, với tổng số lao động là 44.544 người. Trong đó, có 14 doanh nghiệp phải cắt, giảm lao động với tổng số 2.266 người (trong tỉnh 1.063 người, ngoài tỉnh 1.203 người). Các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ các thủ tục để hỗ trợ người lao động theo quy định, tuỳ theo điều kiện mỗi nơi, có đơn vị đã hỗ trợ chi “tháng lương 13” cho người lao động trước khi nghỉ việc để tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống và tìm việc mới.

Ngoài ra, có 32 doanh nghiệp (với 42.395 lao động) gặp khó khăn do giảm/thiếu đơn hàng để hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp này đang cố gắng dùng nhiều giải pháp như sản xuất chia ca, nghỉ luân phiên. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp áp dụng các hình thức: hỗ trợ tiền cho người lao động nghỉ chờ việc bằng với mức lương tối thiểu vùng của Nhà nước quy định, sắp xếp nghỉ phép hoặc cho ứng phép của năm 2023…

Theo đánh giá của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, tuy không mất việc làm nhưng đa số người lao động sẽ bị giảm thu nhập từ 20%-30% so với trước.

Ông Trần Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Cổng ty cổ phần đầu tư Sài Gòn VRG chi nhánh Tây Ninh (KCN Phước Đông) cho biết, tương tự như nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN Phước Đông đang gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong KCN vẫn duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động, nhất là việc duy trì các khoản phúc lợi, tiền lương, thưởng cho công nhân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới- đây là điều khác biệt của KCN Phước Đông so với các khu công nghiệp khác. Các doanh nghiệp cũng nỗ lực tự hỗ trợ nhau.

Ông Trần Mạnh Hùng đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương hỗ trợ KCN và các doanh nghiệp tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền để người lao động hiểu được tình hình chung, thông cảm với chủ doanh nghiệp, cắt giảm chi tiêu cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, tránh xung đột không đáng có.

 

Chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động

Tại buổi khảo sát, đa số các doanh nghiệp đều có chung phản ánh những khó khăn về tình trạng thiếu hụt đơn hàng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua, việc cắt giảm lao động là vấn đề rất khó khăn đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan liên quan: Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh xem xét các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như: gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản phí và lệ phí, lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn…

Ông Hồ Ngọc Vân- Phó Cục trưởng Cục Thuế Tây Ninh cho biết, theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, ngày 28.1.2022 của Chính phủ về một số chính sách miễn giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mức thuế giá trị gia tăng đã được giảm từ 10% xuống 8%; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất năm 2022; giảm mức thu phí, lệ phí.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phan Văn Bua cho biết, dịp tết năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động sẽ tổ chức phiên chợ tết ở 21 tỉnh, thành phố có đông công nhân- trong đó có Tây Ninh (diễn ra tại sân vận động Trảng Bàng, từ ngày 5 - 8.1.2023), Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tổ chức chương trình Tết sum vầy chăm lo cho công nhân mất việc làm, giãn việc.

Ông Võ Văn Dũng- Bí thư Thị uỷ thị xã Trảng Bàng khẳng định, địa phương luôn chung tay với các doanh nghiệp để chăm lo những công nhân, người lao động ở lại Trảng Bàng ăn tết vui vẻ, ấm cúng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp khi vừa vượt qua 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, lại tiếp tục gặp khó khăn trước lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; các thị trường xuất khẩu chủ lực tại các nước châu Âu và Mỹ bị đứt gãy, bị mất đơn hàng, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động.

Đây là điều không mong muốn- nhất là thời điểm sắp tết, ảnh hưởng đến tâm lý tình cảm của công nhân, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các doanh nghiệp cố gắng khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19 vừa qua, thực hiện tốt chính sách, chế độ về tiền lương cho công nhân theo quy định của pháp luật; có phương án giữ chân công nhân, tạo sự gắn bó với doanh nghiệp.

Đồng thời, ông Phạm Hùng Thái đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm và chăm lo đời sống cho người lao động trước, trong và sau tết.

Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phối hợp cơ quan có liên quan nắm bắt những khó khăn trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ đối với những lĩnh vực thuộc thẩm quyền và ghi nhận những vướng mắc để báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội để kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động bị ảnh hưởng, cắt giảm hợp đồng và thời gian lao động để kịp thời giúp đỡ, bảo đảm cuộc sống ổn định trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục