Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đọc “Câu chuyện văn hoá” để mở rộng tầm nhìn
Thứ hai: 18:02 ngày 22/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp theo những tác phẩm “Nghìn năm bia miệng”, “Sài Gòn – Gia Định ký ức lịch sử-văn hóa”, “Gia Định –Sài Gòn: hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội”, Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng vừa xuất bản tác phẩm mới nhất “Câu chuyện văn hóa” vào cuối quý I.2019.

Sách do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản theo khổ 16 x24cm với 359 trang, là một tuyển tập chọn lọc những bài viết của tác giả đã đăng trên các báo, tạp chí TP.HCM từ những năm 1980 đến nay. Đó là những câu chuyện nhẹ nhàng, hấp dẫn trong đời sống văn hóa, tâm linh và những vấn đề có liên quan đến lịch sử dân tộc, trong đó có những vấn đề hãy còn nóng bỏng tính thời sự.

Bìa sách

Qua 43 đề tài và câu chuyện ngắn gọn, súc tích, tác giả dẫn dắt người đọc vào một không gian rộng lớn, nhiều màu sắc, trong đó có những vấn đề tuy rất bình thường xung quanh cuộc sống bây giờ nhưng lại là những câu hỏi mà người đọc cần được trả lời.  

Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ngoài những khía cạnh văn hóa và ý nghĩa đạo đức còn là một dạng tín ngưỡng mà tác giả đã dày công nghiên cứu, sưu tầm trong thực tế trên đất Gia Định xưa và cả vùng Nam Bộ hiện nay. Vấn đề hôn lễ được tác giả tra cứu tường tận từ các thần thoại khai nguyên đến quá trình hình thành những tập tục khác nhau, qua đó nêu bật thái độ thượng tôn truyền thống của người Việt đối với hôn nhân và hôn lễ.

Các câu chuyện liên quan đến những biểu tượng của loài vật trong tâm thức văn hóa và văn hóa tâm linh; về cây nhang đến tục thắp hương…; rồi  những huyền thoại về rượu, về những vấn đề mà tác giả gọi là  “lệch chuẩn” do tác hại của rượu.

Đối với các vấn đề sinh hoạt lễ hội, tác giả đã đi sâu vào một số lễ hội trên đất miền Đông và ngay tại Tây Ninh. Bài “Rằm Trung thu đi lễ rước Cộ Bà” là một sưu khảo thật công phu về Hội Yến Diêu Trì cung vào dịp rằm Tháng Tám hằng năm của đạo Cao Đài, qua đó giới thiệu khá sinh động về thần tích Diêu Trì Kim Mẫu từ nhiều nguốn tư liệu quý. Ở bài viết “Tìm về nguồn cội của bổn hát chèo thuyền Bát Nhã”, tác giả đã nghiên cứu khái quát về tín lý, nội dung hình thức diễn xướng “Chèo thuyền Bát Nhã” trong đạo Cao Đài, qua đó tìm hiểu về cội nguồn lịch sử văn hóa của hình thức “hát đưa linh”.

Qua đến đất Thủ Dầu Một (Bình Dương), tác giả giới thiệu về Lễ vía Huyền Thiên thượng đế. Đây là tập tục thờ cúng một nhân vật huyền thoại gọi là Huyền Thiên thượng đế Chơn Vũ. Theo truyền thuyết là nhân vật từng giúp  An Dương Vương trừ yêu quái, xây thành Cổ Loa. Nhân vật này được nhà vua thờ tự ở một đền thờ phía Bắc thành Cổ Loa ( Đông Anh, Hà Nội), sau đó được đưa về Hoàng Thành Thăng Long.

Tác giả còn giới thiệu múa Hẩu trong lễ hội này. Và con Hẩu là loài vật như thế nào; múa Hẩu có ý nghĩa gì…

Bên cạnh những vấn đề vừa nêu, tác giả còn đề cập đến tính chất văn hóa cùa nhiều lĩnh vực khác như điệu hát ru của người Việt, về những khác biệt giữa Tết Việt đối với các nước khác, về nhà sư Huệ Lưu và “Sấm giảng người đời “, về hát Sắc Bùa chúc Tết, về Bài Chòi, về vùng Thất Sơn huyền bí…

Phan Kỷ Sửu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục