Cách thị trấn Phố Ràng 25km về phía Đông Bắc theo quốc lộ
279, xã Nghĩa Đô như một lòng chảo nằm giữa vùng rừng núi trập trùng, đó là
địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Tày từ bao đời nay. Trải qua sự thăng
trầm của lịch sử đất nước, người Tày vùng Nghĩa Đô đã tạo lập cuộc sống của
mình ở vùng đất này, cùng với đó là sự sáng tạo ra những giá trị văn hoá
tinh thần tạo nên một yếu tố phát triển bền vững. Một trong những yếu tố văn
hoá độc đáo của người Tày vùng Nghĩa Đô đó chính là tiếng nói.
Ông Ma Thanh Sợi - Nguyên chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, nghệ
nhân văn hoá dân gian, người đã có nhiều năm dày công sưu tầm và nghiên cứu
văn hoá dân gian Nghĩa Đô, cho biết để có được nét riêng trong tiếng nói thì
người dân Tày vùng Nghĩa Đô đã không ngừng dày công sáng tạo chữ viết và
tiếng nói trên cơ sở tiếng Tày bản thể.
Trong tiếng nói của dân tộc đều do phần từ vựng (từ ngữ), âm
vựng (ngữ âm) tạo thành. Dân tộc Tày sống rải rác ở các tỉnh miền núi phía
Bắc, tập trung đông nhất ở các tỉnh thuộc khu tự trị Việt Bắc trước đây.
Tiếng nói của người Tày về từ vựng hầu hết giống nhau, cũng có một số từ ngữ
khác nhau nhưng rất ít và thường ở khoảng cách địa lý khá xa (trên 100km trở
lên). Ví dụ, với các từ chỉ con số, ở vùng Đông Bắc gọi số 2 là nhì, các số
chỉ trăm, nghìn, vạn là pác, xiên, mứa. Tày Lào Cai gọi là thoong, rọi, pắn,
vạn. Tày Đông Bắc gọi là tộ, Tây Bắc gọi là thỉn. Từ tôi, tao, Lục Yên gọi
là nhổng, Tây Bắc gọi là câu, ngõ...
Còn ngữ âm (âm vựng) khi phát ra lại khác nhau. Sự khác nhau
ấy thể hiện khi lời phát ra khỏi miệng ở dạng nặng, nhẹ, trong đục, mềm mại
lả lướt hay cộc lốc, dứt khoát... Nó gắn liền với địa danh, nơi ở, có khi
chỉ cách nhau một quả núi, một eo đất, tiếng nói nghe đã khác nhau rồi. Từ
điểm khác nhau ấy, qua tiếp xúc người ta đã biết ngay người Tày ấy ở xã nào,
thậm chí ở một thôn, giữa bản này với bản kia nói nghe đã khác.
Ví dụ như ở bản Đáp và bản Lằng của thôn thượng xã Nghĩa Đô
đã có ba dạng nói khác nhau. Âm vựng của tiếng Tày Nghĩa Đô khi phát ra
thành tiếng, âm lượng trong, cứng, dứt khoát, rõ ràng. Người Tày bên Hà
Giang, ở các xã giáp Nghĩa Đô như Quang Bình, tiếng nói phát ra nặng nề, đục
cộc, thỉnh thoảng có tiếng đế phát ra sau câu nói nghe rất khó, có vẻ cực
nhọc, vất vả. Tiếng Tày từ Xuân Hoà (Bảo Yên) xuống vùng Lục Yên sang bên
hữu ngạn sông Hồng, khi nói giọng nhẹ nhàng, lả lướt, êm dịu, kéo dài tiếng
sau câu. Người Tày Nghĩa Đô nói nhại Tày nơi khác dễ dàng, sau vài lần tiếp
xúc là theo được ngay, ở vài tháng nói như Tày bản xứ. Còn người Tày nơi
khác đến Nghĩa Đô không nói được giọng Tày Nghĩa Đô. Có nhiều người cư trú ở
Nghĩa Đô đã thành ông, thành bà vẫn chưa nói theo nơi đây được, cố lắm mới
được một nửa, nửa kia vẫn nói lẫn sang âm quê gốc, mà thời gian sống nơi đây
đã chiếm tới 2/3 cuộc đời.
Nét độc đáo riêng của tiếng nói của người Tày Nghĩa Đô còn
được biểu hiện ở chỗ ngoài 24 chữ cái của tiếng Việt, còn có 4 âm tiết nữa,
khi phát ra hoàn toàn khác, không nằm trong ngữ Việt, đó là các từ đầu tiếng
gắn sát với chữ p, ph, b, m. Để thể hiện, đã có nhiều người từ năm 1950 đưa
chữ y dài kèm ngay sau chữ ấy, sau mới gắn các từ ghép thành tiếng định
hình. Cách viết là: py, phy, by, my, gần nhóm chữ cái p, ph, b, m của Tiếng
Việt. Ví dụ các từ pỵa (dao), pya (cá), phya (mắt), phýăc (rau), byóoc
(hoa)... Một số âm tiết ghép theo một số theo sau chữ â, e, i phải gắn chữ g
và chữ ư như âư, ing, eng (trong tiếng Việt không có), thí dụ: Pây dâư (đi
đâu), tụa đâư (ai đấy), anh ting, một đong (kiến đỏ), xu xeng (quai xanh).
Tất cả số lượng từ có các chữ ấy dùng khá nhiều trong giao tiếp, nhất là từ
ghép âư.
Trong 6 thanh (vần) của tiếng Việt, tiếng Tày Nghĩa Đô còn có
một thanh " lửng" giữa thanh bằng (0) và thanh sắc. Khi nói quá hơn thanh
bằng, lại chưa đến thanh sắc. Ở đây giải nghĩa ra rất khó hiểu, chỉ khi nói
ra có từ, âm có thanh ấy, người nghe mới thấy sự khác biệt của thanh lửng
này. Dấu chỉ thanh lửng ấy chưa có, chưa ai đặt dấu gì cho phù hợp, tạm đặt
ký hiệu dấu huyền, dấu sắc chắn ngang, lại đến dấu huyền nối liền vào, đó là
dấu gần giống với dấu ngã nhưng khác hẳn với ngã, khi đưa vào máy vi tính
còn có dấu xử lý cho thanh lửng này. Dùng dấu này, nó cũng đúng với từ, âm
này khi nói ra, vì nó lửng giữa thanh bằng và thanh sắc. Những từ dùng đến
thanh lửng này có khi chiếm tới hơn chục phần trăm lượng từ nói hàng ngày,
nhất là ở dạng dân ca, tục ngữ, hát yếu, hát then. Do vậy, những câu thơ Tày
trong quyển sưu tầm này thường xuyên có dấu như vậy, không phải tác giả sai
dấu.
Có một số âm lắc, khi nói ra khác với các phụ âm ghép sau của
tiếng Việt. Phụ âm này chỉ có tiếng Tày của vùng này mới có, Tày nơi khác
như tiếng Việt. Lượng từ dùng phụ âm này để chỉ tên người, hiện vật, sự
việc, địa danh... cũng chiếm tới 5% lượng từ dùng hàng ngày. Sau các phụ âm
ghép ấy có lẽ phải dùng đến chữ s để thể hiện. Cách phát âm gần như dấu
trong chữ a ở âm ău thay âm au, u, có các chữ n, m, t, p, c ghép sau cùng.
Thí dụ như: mãc đins (quả tốt), khưns nưa (lêu têu), môts đăm (kiến đen) và
nhiều âm từ khác. Khi đọc có các âm ghép đằng sau cùng chữ s đọc gọn, sắc
nét, dứt khoát. Chính một số chữ, âm vần, thanh lửng, phụ âm lắc như đã nêu
ở trên nên tiếng Tày Nghĩa Đô mới khác tiềng Tày các nơi. Khó có nơi nào nói
nhại tiếng Tày Nghĩa Đô được. Đặc biệt là thanh lửng ở các câu thơ Tày, dân
ca, nếu không dùng ký hiệu riêng để thể hiện mà dùng dấu sắc, dẫu ngã thì
nội dung thơ sai hoàn toàn với ý tác giả.
Trong tiếng Tày vùng Nghĩa Đô còn có một số tiếng láy chệch
sang âm khác dùng để tập cho trẻ con học nói, mang tính chất trìu mến, yêu
thương. Khi tiếp xúc với trẻ, người lớn nói ra, người ta hiểu ngay đó là
tiếng dạy trẻ. Những từ này, khi tiếp xúc với người lớn mà không có trẻ con,
ai vô tình phát ra là có chuyện ngay, người ta cho là khinh bỉ, nhạo báng,
coi mình như trẻ con. Đã có nhiều trường hợp đánh nhau đến trọng thương, làm
mất tình nghĩa bà con, anh em vì nói đùa hoặc vô tình phát ra.
Trong giao tiếp ở tiếng Tày Nghĩa Đô hay dùng một số từ đồng
âm khác nghĩa, điển hình nhất là hai từ không và có. Ví dụ từ mí là có,
nhưng dùng từ mí kèm theo sau một từ mí nữa thành cụm từ mí mí là không có,
mí lăn là không thấy, mí chắc là không biết, mí đẩy là không được... Từ mí
trước trở thành không, chỉ dùng mỗi từ mí cuối câu mới là có. Từ những đặc
điểm riêng biệt của tiếng Tày Nghĩa Đô nêu ra ở trên đây liên quan đến tục
ngữ, dân ca, hát then, hát yếu, trong kho tàng văn hoá dân gian Tày vùng
Nghĩa Đô.
Trải qua một quá trình lâu dài trong cuộc mưu sinh, người Tày
vùng Nghĩa Đô đã tạo ra cho mình một bản sắc riêng. Từ đời này sang đời
khác, cùng với việc truyền lại ngọn lửa, hạt giống họ còn truyền lại cho con
cháu tiếng nói của dân tộc mình. Đó là giá trị văn hoá vô giá của người Tày
nơi đây.
K.D (st)