Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Độc đáo tục cúng thần đá ở Hà Giang
Chủ nhật: 02:45 ngày 07/11/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tục cúng thần Đá ở đây là di sản văn hoá phi vật thể độc đáo cần được bảo tồn, duy trì và phát huy vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá cho nhân dân địa phương, mặt khác góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, quảng bá và thu hút khách du lịch biết và đến với bãi đá cổ Xín Mần.

Tục cúng thần Đá ở đây là di sản văn hoá phi vật thể độc đáo cần được bảo tồn, duy trì và phát huy vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá cho nhân dân địa phương, mặt khác góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, quảng bá và thu hút khách du lịch biết và đến với bãi đá cổ Xín Mần.

Người Nùng theo tín ngưỡng đa thần, họ coi vạn vật hữu linh (mọi vật đều có linh hồn). Người Nùng quan niệm vũ trụ chia làm ba mường: Mường trời là thế giới thần tiên, mường người là mặt đất, mường âm là mường của những người sống trong lòng đất chỉ nhỏ bằng chiếc bình vôi. Vì vậy họ thờ nhiều đối tượng như: thờ cúng tổ tiên, cúng thổ công, cúng thần Rừng, thần Suối. Đặc biệt, Nấm Dẩn là xã nội địa, nằm ở phía Tây Nam của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, là xã duy nhất trong vùng có tục cúng thần Đá – ngay tại nơi Bãi đá cổ Xín Mần.

Thần Đá - tiếng Nùng gọi là ‘‘Đản guy”. Trước năm 1966, khi đó xã Nấm Dẩn chưa vào hợp tác xã nông nghiệp, các hộ gia đình còn làm ăn cá thể, khi đó lễ cúng thần Đá do một mình dòng họ Ly đứng ra tổ chức mỗi năm một lần vào ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch. Đến năm 1966, xã Nấm Dẩn vào hợp tác xã nông nghiệp, làm ăn tập thể, lúc này lễ cúng thần Đá trở thành lễ cúng chung của cả xã và ấn định vào ngày 2 tháng 6 âm lịch (do ngày 1.6 trùng với lễ cúng thần Suối).

Lễ cúng thần Đá có ý nghĩa và giá trị độc đáo đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Nùng tại đây nên hàng năm chính quyền xã và toàn thể nhân dân rất quan tâm đến công tác tổ chức hoạt động và duy trì lễ cúng này. Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của lễ cúng thần Đá độc đáo này, năm 2008, Bảo tàng tỉnh Hà Giang phối hợp với Phòng Văn hoá - thể thao huyện Xín Mần thực hiện chương trình quay phim và chụp ảnh tư liệu toàn bộ quy trình và nội dung của lễ cúng.

Để chuẩn bị cho lễ cúng thần Đá người dân ở đây chuẩn bị các lễ vật gồm có: một con lợn 50 – 60kg, một con gà trống, một chai rượu, một thếp giấy bản, một gói cơm nắm, chén, bát, đũa.

Vào ngày 2.6 âm lịch người ta chọn nơi nào có những vách đá cao sừng sững nhất trong vùng để dựng bàn thờ ngay dưới chân vách đá đó. Trước năm 1966, khi dòng họ Ly cúng thần Đá, địa điểm cúng ở gần khu vực di tích cự thạch; đến nay họ chuyển địa điểm cúng lên khu vực có vách đá cao, gần đỉnh núi – cách phiến đá A1 hơn 500m (là phiến đá có những hình khắc cổ độc đáo nhất trong khu vực bãi đá cổ Xín Mần được nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2008). Sáng sớm ngày 2.6 âm lịch những thanh niên trai tráng theo thầy cúng dựng lên một ‘‘đàn cúng’’ bằng các thanh gỗ cao 1,2m, dài 1,5m, rộng 1m sao cho đủ diện tích để bày đặt các lễ vật cúng.

Đàn cúng dựng xong, thầy cúng đặt mâm lên đàn cúng rồi để lên 01 bát nước lã, thả đồng tiền xu vào đó, 01 bát muối, 05 chiếc chén rồi thắp hương gọi thần Đá về. Thầy cúng làm thủ tục trình báo thần xong, người ta tiến hành cắt tiết lợn, gà ngay tại đó, mọi người đến dự mỗi người một việc, người thì mổ lợn, người thì nấu cơm, những người khéo tay lấy những tập giấy bản gấp đủ 12 quân giấy bạc - tượng trưng cho 12 tháng trong năm, các quân giấy bạc này trông giống như những con thuyền, để thay cho những đồng tiền trước đây.

Sau khi chuẩn bị xong đồ lễ cúng, thầy cúng tiến hành làm lễ từ khoảng 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều cùng ngày. Thầy cúng thắp 5 nén hương mời các vị thần linh về dự. Nội dung bài cúng đại thể: ‘‘Hôm nay, ngày lành tháng tốt dân làng mời thần Đá trời, thần vách đá cao nhất, thần vách đá hoa, thần giữ đất, giữ đá đến ăn cỗ. Cầu mong các thần phù hộ cho bà con xã Nấm Dẩn mọi người khỏe mạnh không bị ốm đau bệnh tật, mưa thuận gió hòa, lúa ngô không có sâu bệnh phá hoại, vật nuôi trong nhà sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt…”.

Sau khi hết một tuần hương, thầy cúng làm thủ tục cúng hoá tiền vàng cho các thần Đá trở về nơi ở cũ. Lễ cúng kết thúc tại đây. Tiếp đó người ta tổ chức nấu thắng cố ngay tại nơi cúng để thầy cúng cùng nhân dân thụ lộc.

K.D (st)

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục