BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đọc lại bài thơ “Dùng dằng” của Nguyễn Quốc Việt: Chan chứa dư âm hồn người

Cập nhật ngày: 19/09/2011 - 07:22

Nhà thơ Nguyễn Quốc Việt

Thiên nhiên ban cho Tây Ninh núi Bà Đen, một cảnh quan hùng vĩ và đẹp đến ngời ngợi. Nên có nhiều thơ về núi Bà Đen là chuyện đương nhiên. Thơ về cảnh sắc tuyệt đẹp, thơ về kỳ tích huyền thoại, thơ về một thời đánh giặc ngoại xâm. Nghe nói Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh đang định ra một tập thơ văn về núi Bà, nếu có thì cũng xứng đáng với tầm vóc một “kỳ quan” của quê hương Tây Ninh này. Và trong đó có lẽ sẽ không thiếu bài Dùng dằng của nhà thơ Nguyễn Quốc Việt (ảnh).

Khởi đầu bài thơ là giới thiệu một câu chuyện: Tháng Giêng đi hội núi Bà. Nhưng vào ngay câu thứ hai đã thấy ngay sự hồn nhiên, tung tẩy của người thơ trước những tưng bừng của ngày hội: “Chân tung tẩy núi, tóc loà xoà mây”. Sự tưng bừng rộn rã ngấm vào hồn thơ. Thấy bàn chân nhảy nhót theo sườn núi gập ghềnh, thấy mây trời vờn trên mái tóc và thấy người thơ như tan vào khoảng không mênh mông của núi Bà ngày hội. Vì thế mà khi mô tả cảnh vật của núi cũng thấy ngay sự hào hoa của mảnh đất này: “Gập ghềnh đá, dịu dàng cây/ lom khom quán với hây hây trán chùa”. Những ai từng trẩy hội núi Bà mà không thấy những điều như Nguyễn Quốc Việt nói? Thì cũng những hàng cây người trồng, hàng cây tự mọc trên đường lên núi, những cái quán nhỏ dọc lối đi cho người leo núi dừng chân, nhưng khi bắt gặp “hây hây trán chùa” thì tất cả những cây, những quán ấy được thổi hồn vào cho sinh động hơn lên. Nó càng sinh động hơn khi ngày hội mà vẫn vang lên tiếng mõ tiếng chuông chùa là cho ngày hội, không chỉ có tưng bừng mà còn có cả sự trang nghiêm chay tịnh nữa. Nghe thật bâng khuâng: “chầm chậm rớt tiếng mõ khua” và cũng vì thế mà thật bất ngờ khi Nguyễn Quốc Việt chuyển tâm trạng khi bắt gặp “tờ bạc lẻ”. Cái tờ bạc lẻ kia nên duyên khi người thơ chuyển vào thơ mình một chuyện hoàn toàn khác nhưng đã diễn ra từ bao đời nay trong ngày hội núi Bà. Trong muôn vàn người trẩy hội kia có bao nhiêu cặp gái trai. Họ đến đây đi hội núi Bà và làm thêm cả cái việc cầu mong hạnh phúc cho riêng mình. Trong cuộc trẩy hội kia, đâu chỉ có người thơ mà còn bao nhiêu cái nhìn trẻ trung khác đã thấy “cái mắt lúng liếng, cái cười ngả nghiêng” để sau ngày trẩy hội thế nào cũng có những trái tim xao xuyến để rồi có duyên, có phận, làm nên quy luật muôn đời của hạnh phúc lứa đôi. Và những người trẩy hội thực sự viên mãn khi đến đây. Thì cứ “lúng liếng” nhìn đi, cứ cười “ngả nghiêng” đi cho thấy được ngày hội của mọi người và của riêng mình nữa. Thế nên thật vô duyên nếu một ai đó trẩy hội núi Bà mà chỉ đơn chiếc hành hương. Có lẽ vì thế mà người thơ thật buồn khi thốt lên: “Ai nhặt được lúm đồng tiền/ của em đánh rớt tôi xin chuộc về”. Và để rồi: “Dùng dằng ở, dùng dằng đi/ ở thì lạc núi mà đi thì buồn”. Có một anh bạn làm thơ đã từng sửa câu cuối bài thơ thành: “Ở thì lạc vía mà đi lạc hồn”, có lần Nguyễn Quốc Việt nói với tôi: “Hay thì hay thật, nhưng tôi không thích”. Ngẫm ra Nguyễn Quốc Việt đúng. Đâu cần cứ phải làm cho to tát chuyện lên, cứ bình dị thôi mà thành thơ, mà thành tâm sự thật của người thơ.

Tượng đài. Ảnh: Đ.H.T

Trong nhiều bài thơ về núi Bà, tôi nghĩ đây là một trong những bài thơ hay nhất. Nó dịu dàng, chân chất nhưng vẫn mang được không khí hội xuân ở nơi vừa rộn rã, vừa trang trọng như núi Bà Đen. Và đương nhiên có chan chứa dư âm của hồn người nữa chứ. Dùng dằng là một trong chùm thơ ba bài (Dùng dằng, Miền Trung, Đi ngược nắng) đạt giải Nhất cuộc thi thơ do tạp chí Sông Hương (Huế) tổ chức năm nào.

NGUYỄN ĐỨC THIỆN