Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dọc miền sông Gấm
Thứ tư: 15:32 ngày 01/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng 4.2018 vừa qua, Hội Kiến trúc sư tỉnh (KTS) tổ chức một hội thảo khoa học rất hay về tiềm năng du lịch trên sông Vàm Cỏ Ðông.

Sông qua miền hạ Gò Dầu.

Xưa nay, người đến Tây Ninh du lịch chỉ nghe, biết đến núi Bà, Toà thánh hoặc xa hơn là du lịch về nguồn xem lại chứng tích một thời ông cha ta bám đất, bám rừng lãnh đạo toàn dân đánh giặc. Ít có ai nhắc đến khái niệm du lịch miền sông nước, hoặc có nhắc tới thường chỉ là khơi gợi những tiềm năng.

Khách mời tham gia hội thảo có các chuyên gia đến từ TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An- nơi có chung với Tây Ninh một dòng sông Vàm Cỏ Ðông. Chủ đề hội thảo là: “Khai thác tiềm năng kiến trúc cảnh quan- môi trường sông nước Vàm Cỏ Ðông, nhằm gắn kết và phát triển du lịch sông nước về nguồn”.

Nếu trở thành hiện thực, hướng đi này sẽ mở ra những kế hoạch mới phát triển ngành du lịch tỉnh nhà. Ðồng thời, du lịch trên sông được tổ chức tốt cũng là thêm một công cụ nữa để bảo vệ dòng sông Vàm Cỏ trước những nguy cơ thường trực về ô nhiễm môi trường. Khi ấy, chính khách du lịch sẽ là những người giám sát.

 Nghiên cứu các bài tham luận, dễ thấy một điều là mục tiêu đề ra quá lớn. Ðấy là lấy dòng sông Vàm Cỏ Ðông, kết nối hầu như tất cả di tích lịch sử - văn hoá tại Tây Ninh. Như bài của KTS Trịnh Ngọc Phương, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Tây Ninh đã liệt kê ra một loạt các công trình di tích cần gắn kết, kể từ tháp cổ Chót Mạt, tháp cổ Bình Thạnh đến các đình chùa ven sông và lên tận Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Và từ đây còn tiếp tục đi tới những căn cứ cách mạng như Trung ương Cục, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong rừng Chàng Riệc, Bắc Tây Ninh…

Nhìn nhận thực tế hơn, đấy là một định hướng hay nhưng cũng sẽ là một bài toán khó. Vì không phải cụm di tích nào được kể ra cũng ở bên sông. Dĩ nhiên là phải kết hợp với giao thông đường bộ. Nhưng như thế toàn tuyến sẽ rất dài cả về khoảng cách địa lý lẫn thời gian thực hiện. Trong điều kiện hiện nay, không dễ có nhà đầu tư nào đáp ứng được. Do vậy, cần có những kế hoạch ngắn hạn và dễ thực hiện hơn.

Trên hành trình hơn 150km sông Vàm Cỏ Ðông chảy trên đất Tây Ninh, đoạn đẹp nhất, có nhiều di tích lịch sử văn hoá nhất hẳn là đoạn được dân gian Tây Ninh gọi là sông Gấm- Cẩm Giang. Chuyện xưa truyền lại. Rằng khi ghe thuyền của lưu dân đi tìm đất mới; rồi ghe ô, ghe lê của quan quân triều Nguyễn qua đây đều gặp cảnh hoa lục bình nở tím trên sông.

Mặt sông lúc ấy đẹp như một bức gấm thêu, nên sông được đặt tên là Cẩm Giang. Và miền đất bên sông cũng được gọi theo tên ấy. Theo tác giả Nguyễn Ðình Tư trong bài Tây Ninh xưa và nay,

Tạp chí Xưa Nay số 96, 2001 thì cái tên thôn Cẩm Giang đã xuất hiện từ: “năm 1779, sau khi đã khôi phục được đất Gia Ðịnh, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chính và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh phiên trấn (Sài Gòn- Gia Ðịnh). Ðạo sở đặt tại Cẩm Giang…”.

Chưa ai xác định được đoạn sông nào được gọi là sông Gấm. Vì toàn tuyến sông Vàm Cỏ Ðông xưa, được triều Nguyễn ghi trong sách Ðại Nam Nhất thống chí là sông Quang Hoá. Sách viết: “Sông ở cách huyện lỵ Quang Hoá chừng một dặm về phía Nam”.

Huyện lỵ ở đây là chỉ cái thành huyện, nơi hiện có ngôi dinh thờ Ðại thần Huỳnh Công Thắng. Từ dinh ra tới bờ sông, nơi có chùa Cẩm Phong hiện nay có lẽ một dặm là đúng (572,4m). Nhưng hướng thì sai. Nơi này, đúng ra thì sông ở về hướng Tây. Có lẽ các quan viết sử triều đình cũng chỉ viết theo những gì được báo cáo lên mà chưa một lần đến tận nơi, nhìn tận mắt.

Không lẽ nào sông Gấm chỉ là đoạn sông hình cánh cung ôm vòng trọn vẹn Cẩm Giang thôn. Thôi thì cứ tạm lấy đoạn đẹp nhất, giàu có tài nguyên văn hoá lịch sử nhất. Ðoạn sông ấy là từ hạ lưu cầu Gò Dầu lên tới cảng sông xưa gọi là Bến Kéo. Ðoạn sông này dài 37,5km (theo sông). Thật là vừa cho một tour du lịch trên sông trong khoảng một ngày.

Theo sách Di tích văn hoá lịch sử danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh (Sở VH,TT&DL, 2014) thống kê thì có đến 12 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia ở bên sông. Ðấy là chưa kể tới những di tích còn chưa được công nhận nhưng cũng rất đặc biệt như đình Thạnh Ðức, thành huyện Quang Hoá hoặc chùa Thiền Lâm - Gò Kén…

Và cũng chưa kể tới những di tích ở cách xa sông một đoạn, như đình Trung của xã Cẩm Giang. Thôi thì ta cứ kiểm đếm, bắt đầu từ địa danh Bến Kéo.

Vâng! Bến Kéo đánh dấu một giai đoạn đầu tiên Tây Ninh rơi vào tay giặc Pháp (1862). Huỳnh Minh trong sách Tây Ninh xưa đã kể lại rằng: “Nơi con rạch này (rạch Tây Ninh), tàu Pháp không đậu được nên đậu tại Bến Kéo. Họ mướn những xe trâu, xe bò của người bổn xứ để kéo dụng cụ và lương thực vào Tây Ninh… Danh từ này được gọi như vậy vì đây là “Bến” để xe đến “Kéo” hàng”.

Sách Tây Ninh xưa còn nhắc đến: “một con kinh đào đáng kể nhất là kênh đào Séville. Kinh này hoàn thành vào năm 1902, do sáng kiến của tỉnh trưởng Pháp thời bấy giờ là Séville”. Tuy vậy. ông đã không biết rằng chính con kênh Séville là để khắc phục tình trạng rạch Tây Ninh thời bấy giờ quá cạn do bồi lắng nên ghe thuyền đã không đi lại được.

Kinh được đào từ đoạn rạch Tây Ninh ở hạ lưu cầu Hiệp Hoà hiện nay và đi thẳng về Bến Kéo. Vô tình, kinh đã đi sát phía sau Gò Kén; để đến khoảng năm 1920, các vị sư đã có thể thuê thuyền chở đá Biên Hoà lên làm móng xây chùa Thiền Lâm, được hoàn thành năm 1924.

Ðến nay, chùa đã thành một trung tâm văn hoá Phật giáo của Tây Ninh. Kể như thế, để thấy rằng điểm đầu Bến Kéo không chỉ đơn giản là một bến sông xưa nay hầu như thời nào cũng tấp nập thuyền ghe. Cách bến vài trăm mét là chợ Long Yên đông vui trù phú. Trước chợ là đình Long Thành- di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Xuôi theo dòng sông “nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng”, ta sẽ còn gặp những ngôi đình, miếu, đền, chùa của vùng đô thị cổ nhất Tây Ninh trong quá khứ. Ðô thị ấy nay là Cẩm Giang như ta đã biết vì đây từng là “đạo sở của đạo Quang Phong”; vùng đất Tây Ninh ngày nay và từ 1836 là huyện thành Quang Hoá, một trong hai huyện của phủ Tây Ninh lúc bấy giờ. Do tầm quan trọng của đôi bờ sông Gấm, đoạn qua Cẩm Giang, xin trở lại địa điểm này vào dịp khác.

Còn trên lộ trình sông, những nơi không thể bỏ qua là đình Trường Tây và đình Trường Ðông thuộc huyện Hoà Thành. Qua Cẩm Giang tới Gò Dầu, cũng không thể không ghé vào đình Thạnh Ðức, hoặc ngược rạch Bàu Nâu mà tới đình Bến Cây Chò.

Xuôi đến Phước Trạch, sẽ thấy ngay một gò cao um tùm cổ thụ, ríu rít tiếng chim gọi mời khách viếng Cao Sơn tự. Gần ngay gò Cao Sơn di tích khảo cổ còn có đình làng Phước Trạch thâm trầm giữa bóng cả cây cao.

Chẳng bao xa nữa là thuyền sẽ đưa ta trôi dưới gậm cả hai cây cầu Gò Dầu cũ, mới nối liền đường Xuyên Á. Thị trấn Gò Dầu nay chính là làng Thanh Phước xưa có từ năm 1779, cùng thời với đạo sở Cẩm Giang.

Nơi đây có biết bao điều cần khám phá. Ðình làng Thanh Phước vẫn còn kia trên đỉnh đồi cao, rợp bóng dầu cổ thụ. Rồi các chùa Phước Nguyên, Thanh Lâm, miếu bà Thanh An cũng đã qua trăm năm vẫn chói ngời sắc đỏ son và hương khói ngào ngạt. Rồi chợ búa, xóm dân cư đông đúc… và còn cả những khóm nhà lom khom ngay trên mặt nước.

Từ đây, sông như mở lòng ra để thành câu hát: “Ôi bát ngát chân trời miền hạ/ Tím tình yêu tím cả ước mong…”. Có phải chữ Hạ này là của vùng đất từng mang tên Gò Dầu Hạ này không?

TRẦN VŨ

 

Tin cùng chuyên mục