BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đọc tập thơ “Lặng” của Trần Nhã My 

Cập nhật ngày: 26/02/2022 - 00:01

BTN - Nhìn một trang viết, chưa đọc nội dung, thấy những hàng chữ đẹp thì người đọc đã có thiện cảm. Điều đó cho thấy cái tôn trọng dành cho người đọc, người được tặng. Tập thơ “Lặng” của Trần Nhã My (NXB Hội Nhà văn - 2021) được mở ra với cảm giác như thế.

Những câu chữ rất quen mà cũng rất lạ, cho thấy tác giả đầy trách nhiệm với những trang viết, nghiêm túc với từng câu thơ. Nếu tinh ý, người đọc sẽ nhận ra những nét riêng của tác giả qua mỗi bài thơ. Nó tự nhiên không gượng ép như rừng thì xanh, sông suối thì chảy. Ta dễ dàng có sự đồng cảm cùng tác giả, chữ là để diễn ý, ý thanh tao thì chữ sẽ trang nhã.

Khởi đầu là chuyện kể bên mâm cơm của gia đình. Có đứa trẻ Việt nào không lớn lên với những cổ tích, cây vú sữa, thạch sùng, dã tràng... nhưng ở đây cho thấy tác giả ngay từ bé đã có sự nhạy cảm với văn thơ. “Bàn ăn cơm lạnh. Ba ơi... tội nghiệp!/ Ba giật mình chữa lại cổ tích: - Dã tràng kiếm ăn”.

Nhấp ly cà phê gieo suy tư, nàng nhìn núi đá ngàn năm yên lặng và thắc mắc, vách đá nào minh triết với ẩn sĩ thâm sâu. Hay nghĩ về giao tiếp của nhân nghĩa chung quanh, thành bại, thực hiện lễ trí của người, tạo nên liêm sỉ làm nền tảng cho sự văn minh.

“Phía em ngồi/ thoáng thấy Lão Tử đang đi vào núi/ có gặp không, Khổng Tử từ vách đá bước ra?”. Rồi liên tưởng mười tám tên cướp qua mặt hung của thập bát la hán, để thấy mình trong đó. “Nợ những lần cùng em góc quán/ nợ những bước chân hoang dìu em khắp cùng suốt kiếp/ anh giả vờ trả hoài không hết để thành thừa/ cho em nợ ngược và trả mãi kiếp sau…”.

Mỹ Sơn với triệu bước dạo qua của du khách, có ai như nàng nhìn bao điêu tàn dưới thời gian. Những đổ vỡ của đền tháp kéo khắp chung quanh, cho nàng một liên tưởng lịch sử, tình người, tất cả không gian trở nên mỏng manh, mà thốt lên với người bên cạnh: “Bàn chân bước nhẹ nhé anh/ kẻo vỡ động viên gạch nào đấy thêm đau lòng em không chịu nổi”. Rồi kết bài với một thân quen của ký ức như từ lâu lắm... “có khi nào qua bao năm hoá kiếp/ nay anh dắt em về chiêm bái lại ngày xưa???”.

Người phụ nữ đa đoan, tôi thích từ này khi ai đó nói về những người phụ nữ làm thơ. Bởi hằng ngày, hằng giờ với biết bao công việc không tên, mà nếu thiếu bàn tay họ thì gia đình không thể thành tổ ấm, chỉ cần làm tốt phần việc ấy thôi họ đã đáng được trân trọng lắm rồi.

Ở đây, họ lại thêm phần làm thơ, mà chữ nghĩa đâu phải chuyện đùa. Nó không vì người giàu mà trong sáng, không vì người đẹp mà súc tích và không vì sang mà trở nên sâu sa. Trăm lần nghiêm túc, ngàn lần khổ luyện mà đâu dễ đã có câu thơ hay.

Trong khi tác giả đúng là người đàn bà trung tâm cần phải có để hoàn thành những việc mà mình luôn là vai chính. Vậy mà còn nối tiếp nhau cho ra mắt bốn tập thơ với các giải thưởng danh giá. Giải thưởng tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2012 - tập thơ “Dỗi”, giải B của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2015 - tập thơ “Mảnh vỡ không lời”, giải Nhì (không có giải Nhất) Giải thưởng Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh 2011-2016, giải Nhất giải thưởng Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh 2016-2021…

Nếu có dịp gặp tác giả, bạn sẽ bắt gặp khuôn mặt vui tươi và nụ cười gần gũi. Xin mượn lời của Nghiêm Vũ tiên sinh nói về người thơ: “Người làm thơ có biệt tài, không đọc ngàn quyển sách vẫn viết được câu thơ hay. Người làm thơ có thú vui đặc biệt, đừng đem lý thường mà áp đặt vào họ”.

Hãy nghe người thơ nói qua bài “Tháng mười tình tự”: “Gặp người rồi sao có thể lặng thinh. Ừ! Chẳng cần nói mà lòng như đã/ trong mắt nhau cháy ngọn lửa tình/ Em rót đầy anh ơi cứ cạn/ mặc tháng Mười trôi/ thu sẽ trở về”.

Và ai không từng một thuở nhớ quên của tuổi học trò, sẽ như thế nào khi đọc những câu lục bát thật đơn giản: “Này là áo trắng bỏ bùa/ Câu thơ ngày ấy như vừa cất lên/ Nỗi niềm chưa kịp đặt tên/ Tháng năm nhưn nhức nhớ quên một thời”.

Với ta, khi đứng trên gành Đá Đĩa, luôn thấy mình nhỏ bé trước biển xanh, núi đá, thì tác giả lại có những liên tưởng độc lạ. “Em làm đĩa/ mong vành trăng đừng vỡ/ anh chất chồng lên cao… lên cao…/ này 1 dĩa 2 đĩa 3 đĩa”. Rồi nàng thơ cũng thương khóc tình mình.

Có lẽ nỗi đau gấp nhiều lần bình thường bởi nàng cố gắng lắm để về với áo trắng tinh khôi: “quán nhỏ trơ ly cà phê sữa đá/ không thèm khuấy/ em uống cạn món ưa thích rồi về với tinh khôi”. Bài cuối là ánh trăng rơi, cho ta cảm giác hụt hẫng và thương cảm cho người thơ. “Vệt trăng rơi/ từ xa thẳm rơi về/ em ngồi thu lượm vụn vỡ ký ức đắp đổi chỗ anh ngồi hát khi xưa...”.

Xếp tập thơ “Lặng” mà như chưa thoả, như một cái gì chưa đầy, chưa trọn vẹn. Một chút luyến tiếc dường như tác giả chưa đủ thời gian cho một tập thơ dày hơn, nhiều bài hơn nữa.

Xin mượn lời trong Vi lô dạ thoại của Vương Vĩnh Bân “Chỉ nói đúng sai không bàn lợi hại trong công việc. Giữ bình - chính trên hết rồi mới thêm cái tinh tường khi viết”. Nhận tập thơ hay và đòi hỏi nó hay hơn, trong khi ta lại thiếu lời đồng cảm hay hành động khích lệ tác giả, thì vô tình ta thành một độc giả vô tâm nhất của mọi thời đại. Tập thơ “Lặng” của Trần Nhã My được trình bày từ hình thức trang nhã đến nội dung súc tích, câu chữ chọn lọc một cách công phu.

Hàm Chương