BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đổi mới cơ chế cho giáo dục đào tạo và hoạt động cơ yếu

Cập nhật ngày: 03/06/2009 - 06:33

Tuy cũng còn một số thắc mắc, kiến nghị nhưng nhìn chung, các ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội sáng 3.6 đều tán thành cao với chủ trương xây dựng Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2014, coi đây là một bước tiến lớn, tất yếu trong công tác xã hội hoá giáo dục triển khai hơn 10 năm nay.

Đổi mới cơ chế tài chính- động lực của xã hội hoá giáo dục đào tạo

Các đại biểu sôi nổi đóng góp ý kiến cho Đề án đổi mới tài chính giáo dục

Tại thảo luận của đại biểu Quốc hội ở các tổ sáng 3.6 đều có đại diện ngành Giáo dục cùng dự để giải trình, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm đạt được sự đồng thuận, xây dựng thành công một trong những đề án quy mô, ảnh hưởng rất rộng và có tầm quan trọng đến đời sống kinh tế xã hội đất nước.

Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) hiện là Phó Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá, về cơ bản, Đề án sẽ là động lực quan trọng, đảm bảo nâng cao một bước chủ trương mà 10 năm qua chúng ta đã làm là xã hội hoá công tác GD- ĐT. “Đổi mới chính sách học phí và hỗ trợ người học đang thu hút nhiều luồng ý kiến dư luận, thậm chí có ý kiến cho rằng sẽ là gánh nặng đối với các gia đình. Nhưng cần hiểu, đúng là học phí thời gian qua là thấp, nhưng ngược lại chi phí ngoài học phí là rất lớn, đặc biệt là ở các đô thị. Vì vậy, chủ trương này ở Đề án là điều đúng đắn.”, ông Nhã phân tích về vấn đề được quan tâm nhất trong Đề án.

Các đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP.HCM), Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) nhận định, đây chính là thời điểm để thay đổi, nhằm tạo cơ chế huy động nhiều nguồn lực chung tay, góp sức với nhà nước để phát triển giáo dục – đào tạo. Tuy nhiên, các đại biểu này cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo, xây dựng Đề án cần tính toán lại về điều kiện một nước đang phát triển, các gia đình đa số là nông dân như nước ta thì mức chi 6% thu nhập của hộ gia đình cho học tập của con em là cao, chỉ nên bằng hoặc dưới 5%.

ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP. HCM) đồng tình và phân tích thêm: “Chi phí học tập cho con em theo thu nhập bình quân của hộ gia đình cũng có những bất cập cần tính đến. Khoảng cách giàu nghèo hiện nay rất lớn, tính như vậy sẽ rất khó khăn cho những đối tượng có thu nhập thực tế dưới mức thu nhập bình quân”.

Trong khi đó, các ý kiến của các đại biểu hiện công tác trong ngành Giáo dục bày tỏ sự nhất trí với mức huy động tương đối này từ đề án, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng của Trường Gia Định, 1 trong những trường PTTH hàng đầu tại TPHCM cho biết, với cơ chế hiện nay phải xoay xỏa rất khổ sở mới cân đối được thu – chi. Hoạt động ngoại khoá phải dựa vào đóng góp của phụ huynh và nếu lấy mức 6% thu nhập hộ hiện nay chi cho việc học tập của con em thì hoàn toàn không phải gánh nặng. Thậm chí, mức chi này cũng sẽ tạo cơ hội cho những vùng khó khăn với mức học phí tính ra thấp hơn nhiều so với khu vực đô thị.

Một số đại biểu cũng chia sẻ, ngành Giáo dục quản lý hơn 1 triệu giáo viên và cán bộ, 23 triệu học sinh, sinh viên tại các trường, khi thay đổi một cơ chế mới sẽ liên quan rất lớn tới đời sống xã hội nên sẽ “khó đảm bảo chu toàn mọi vấn đề”, có thể sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều nhau trước một vấn đề vừa mới, vừa lớn. Tuy nhiên, giải bài toán sức ép về tài chính đối với lĩnh vực “trồng người” này thách thức tuy lớn nhưng cũng là yêu cầu tất yếu, nhất là trong điều kiện ngân sách hạn hẹp và sự tham gia các nguồn lực là chưa cao.

Trong khi đó, thẳng thắn chỉ ra một số điểm “bất hợp lý” trong chế độ đãi ngộ đối với giáo viên và sinh viên ngành sư phạm hiện nay, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) cho rằng, nếu không có một chính sách coi trọng đúng mức việc thu hút người tài làm việc trong ngành giáo dục thì “sẽ mất chìa khoá, không thể mở được cánh cửa đi vào xã hội hiện đại” và đây sẽ là nội dung mà các cơ chế tài chính trong Đề án cần quan tâm.

Các đại biểu cũng đề nghị ngành Giáo dục bên cạnh việc đổi mới cơ chế tài chính, huy động thêm các nguồn lực xã hội cho giáo dục cần có những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chẳng hạn như vấn đề xây ký túc xá cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, cũng cần hạn chế tối đa tình trạng lãng phí trong quản lý, trong in ấn sách giáo khoa vẫn đang tồn tại.

Cơ chế mới cho hoạt động cơ yếu

Trong phiên thảo luận buổi chiều, các đại biểu Quốc hội họp tại tổ, thảo luận về dự Luật Cơ yếu thay thế cho Pháp lệnh cơ yếu hiện hành, sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với tình hình mới.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với các đánh giá kết quả triển khai Pháp lệnh Cơ yếu thi hành trong 7 năm qua, đồng thời nêu rõ một số hạn chế trong hoạt động đặc thù này do cơ chế, chính sách chưa bám sát thực tiễn. Đó là các vấn đề về bảo vệ thông tin bí mật nghiệp vụ, bí mật trong sản xuất kinh doanh, vị trí hoạt động cơ yếu như hoạt động quốc phòng, an ninh; hệ thống tổ chức cơ yếu, trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước về cơ yếu ở các Bộ, ngành và các tỉnh chưa được xác định rõ...

Trên cơ sở đó, đa số đại biểu tán thành việc xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu là yêu cầu khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật về cơ yếu, nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức, triển khai, sử dụng cơ yếu, quản lý hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin; bảo đảm quốc phòng và an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu phát triển công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc ban hành Luật Cơ yếu sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng ngành cơ yếu chính quy, hiện đại, vững mạnh về mọi mặt, đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ mới do Đảng và Nhà nước giao…

Đối với việc quản lý nhà nước về cơ yếu, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, quy định rõ hơn về phạm vi và chủ thể quản lý, không nên quy định rõ Bộ nào thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cơ yếu mà chỉ quy định mang tính nguyên tắc theo hướng mở để sau này Chính phủ quy định cụ thể. Cũng không nên quy định cứng về hệ thống tổ chức cơ yếu mà chỉ quy định mang tính nguyên tắc.

Một số đại biểu góp ý, các quy định khái niệm trong luật còn chung chung, chưa cụ thể, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về quản lý hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, chính sách cụ thể đối với những người làm công tác cơ yếu không phải là lực lượng vũ trang… Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến về mặt kỹ thuật văn bản như một số nội dung cụ thể cũng như tên chương, điều, trật tự sắp xếp các điều, khoản, một số khái niệm cần được tiếp tục rà soát, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo luật này.

(Theo chinhphu.vn)