Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 217/NQ-Uỷ ban Thường vụ Quốc hội13 ngày 1.11.2011 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, tới đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố.
Hội nghị trực tuyến về cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội |
Ngày 28.11, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 217/NQ-Uỷ ban Thường vụ Quốc hội13 ngày 1.11.2011 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, tới đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố.
Chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật là đòi hỏi khách quan và là yêu cầu của cử tri đối với hoạt động của Quốc hội, bảo đảm để Quốc hội thực sự là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết số 271/NQ-Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 1.11.2011 (Nghị quyết) là văn bản quan trọng, đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cải tiến, đổi mới trong tổ chức kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; hoạt động tiếp xúc cử tri, cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội; công tác đảm bảo tài chính... với mục đích để Quốc hội hoàn thành chương trình, nội dung công việc có chất lượng nhưng vẫn giảm thiểu được thời gian và chi phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các đại biểu thảo luận, đề xuất các sáng kiến để triển khai nghiêm túc Nghị quyết. Trong đó, tập trung một số vấn đề: Làm rõ cơ chế phối hợp thực hiện trong việc xây dựng các chương trình kỳ họp Quốc hội, phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; cơ chế, hình thức, cách thức để Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban tham gia ngay từ đầu quá trình soạn thảo dự luật; cơ chế phối hợp thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo các nghị quyết...
Báo cáo về việc triển khai Nghị quyết, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày rõ dự kiến cách thức triển khai, phân công trách nhiệm cụ thể và đề xuất cơ chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị hữu quan trong việc thực hiện các quy định của Nghị quyết. Cụ thể là trong chuẩn bị chương trình kỳ họp; chuẩn bị và trình bày văn bản tại Hội trường; thảo luận tại kỳ họp; chất vấn và trả lời chất vấn; xây dựng dự thảo nghị quyết; hoạt động báo chí. Việc chuẩn bị nội dung, chương trình, gửi tài liệu, thảo luận, chất vấn tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; hoạt động báo cáo giải trình của các Bộ trưởng, Trưởng ngành tại Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội. Trách nhiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri; cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội; công tác bảo đảm tài chính.
Thảo luận về việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến phát biểu đều đồng tình cần chủ động chuẩn bị sớm chương trình, trong đó giao trách nhiệm chính cho Văn phòng Quốc hội, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương, các bộ, ngành, sớm gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trước khi trình. Việc gửi tài liệu muộn đến các vị đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội sẽ làm hạn chế, gây khó khăn cho việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến, ảnh hưởng đến chất lượng thảo luận. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh kiến nghị tăng cường tính cộng đồng trách nhiệm và phát huy hơn nữa vai trò của bộ, ngành trong việc đảm bảo tiến độ soạn thảo, gửi các dự án luật cho đại biểu Quốc hội.
Một số ý kiến cũng đề xuất giảm bớt thời gian của kỳ họp Quốc hội; tiếp tục thực hiện việc đọc báo cáo tóm tắt tại hội trường (10-15 phút) để tiết kiệm thời gian; giãn khoảng cách giữa phiên thảo luận tổ với phiên họp toàn thể để Đoàn thư ký có thời gian tập hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu, tổng hợp được những vấn đề cần tập trung thảo luận, tránh trùng lắp. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), cần nghiên cứu cân đối thời gian thảo luận các dự án tại hội trường bởi hiện nay, nhiều dự án không đủ thời gian trong khi nhiều dự án lại thừa; truyền hình trực tiếp và tăng thời gian thảo luận một số dự án được xã hội và cử tri quan tâm.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị tăng cường hoạt động thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, mang tính phản biện cao hơn, phân tích rõ lý lẽ, căn cứ cơ sở lý luận, thực tiễn, nêu lên được chính kiến của cơ quan thẩm tra và đề xuất được phương án xử lý đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Về cơ chế phối hợp, một số ý kiến cho rằng, cơ quan thẩm tra tham gia ngay từ đầu quá trình soạn thảo nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm được tính độc lập của các cơ quan thẩm tra.
Liên quan đến hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, các đại biểu đồng tình với tinh thần đổi mới thể hiện ở câu hỏi chất vấn ngắn, rõ, trực tiếp, không quá 2 phút; một số ý kiến đề nghị giới hạn mỗi đại biểu chỉ nêu 1 câu hỏi trong 1 phút. Trả lời chất vấn cần trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo. Chất vấn cần làm rõ được tình hình, trách nhiệm và đề xuất được giải pháp; có tính chất đối thoại, tranh luận chứ không dừng lại ở việc hỏi để biết thông tin; tạo được không khí dân chủ, thoải mái nhưng nghiêm túc. Các đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Phạm Đức Châu (Quảng Trị) và nhiều đại biểu khác đề nghị cần tăng cường hơn nữa hoạt động điều trần để vừa làm rõ, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành đồng thời tăng cường vai trò của các Uỷ ban .
Các đại biểu cũng đồng tình với nội dung đổi mới về hoạt động tiếp xúc cử tri, nhất là điểm mới: Thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có thể tham dự; tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội lựa chọn.
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Lê Minh Thông, trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, việc nâng cao năng lực hoạt động đại biểu Quốc hội là rất quan trọng. Đại biểu Lê Minh Thông đề xuất cơ chế để các đại biểu có thể sử dụng sự hỗ trợ của các chuyên gia, nếu không sẽ không thể đủ thời gian, trình độ, kinh nghiệm để tham gia tất cả các vấn đề rất lớn, phức tạp và quan trọng của đất nước. Đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) đề nghị tiếp tục nghiên cứu và xác định rõ địa vị pháp lý của các đoàn đại biểu, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách và cho rằng, cần quan tâm tới 3 khâu : tổ chức, bộ máy; công nghệ; quản lý và điều phối trong cải tiến, đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Theo TTXVN/Vietnam+