BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận phù hợp với nhu cầu và lợi ích của nhân dân

Cập nhật ngày: 15/10/2010 - 05:18

Cách đây 80 năm, sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ I đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Quân đội vận, vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh. Nghị quyết của Trung ương chỉ rõ: “Trong các đảng bộ (từ Thành uỷ và Tỉnh uỷ) phải tổ chức ra các ban chuyên môn về các giới vận động”. Từ tháng 10.1930, hệ thống Ban chuyên môn về vận động các giới của Đảng được xác định gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng, nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, số ra ngày 15.10.1949.

Đồng chí Phan Minh Đức, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ trao cờ thi đua và bằng khen của UBND tỉnh cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác Dân vận

Vì vậy, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã quyết định lấy ngày 15.10 hằng năm là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.

Cùng với cả nước, công tác dân vận của Đảng bộ Tây Ninh đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Trong thời kỳ 1954-1960, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, tất cả cán bộ, đảng viên đều làm công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng đấu tranh chính trị, thực hiện phương châm “4 cùng” trong nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng quần chúng đấu tranh). Năm 1961, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã thành lập Ban Dân vận Tỉnh uỷ, do đồng chí Tư Thái được Khu uỷ cử về làm Trưởng Ban. Kể từ đó công tác vận động, tập hợp lực lượng quần chúng vào tổ chức ngày càng phát triển. Hệ thống dân vận các cấp đã xây dựng được nhiều cơ sở nòng cốt, tổ chức nhiều phong trào đấu tranh giải phóng tỉnh nhà. Đất nước hoàn toàn giải phóng công tác dân vận tại Tây Ninh tập trung vào việc vận động các tầng lớp nhân dân ổn định tình hình, tiếp tục cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ khi nước nhà bước vào thời kỳ đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động sát hợp với nhu cầu và lợi ích của nhân dân; vận động đông đảo nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh ở địa phương. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo”, xây dựng nhà tình thương, nhà “đại đoàn kết”, làm đường giao thông nông thôn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình…

Phát huy những mặt làm được trong những năm qua, trong 9 tháng đầu năm 2010, hệ thống Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể, hội quần chúng các cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội - từ thiện, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt là quan tâm chăm lo đời sống đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về nhà ở và điều kiện lao động sản xuất. Từ đầu năm 2010 đến nay toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 13.613 lao động; vận động “Quỹ vì người nghèo”  được trên 53,633 tỷ đồng, đạt hơn 228% so với kế hoạch năm; đã xây dựng được 1.893 căn nhà “đại đoàn kết”, với tổng trị giá 41,646 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch năm. Vận động nhân dân tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, kết quả giữ vững 408 ấp văn hoá, công nhận mới 42 ấp, có 48 xã đăng ký xây dựng “Xã Văn hoá”, đến nay đã có 17 xã được công nhận “Xã Văn hoá”.

Đến nay toàn tỉnh đã có 17 xã được công nhận “Xã Văn hoá”.

Cũng trong thời gian gần đây, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện các văn bản chỉ đạo: Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU về công tác dân vận giai đoạn 2006-2010; tổng kết 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” 2009-2010 và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện theo các chỉ thị, nghị quyết, quyết định… của Trung ương về công tác dân vận. Đồng thời, Ban Dân vận Tỉnh uỷ còn tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá… Về phía Ban Dân vận các huyện, thị uỷ, nhìn chung cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ chuyên môn của mình; thực hiện tốt việc tham mưu Ban Thường vụ huyện, thị uỷ ban hành Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị địa phương và xây dựng các văn bản thực hiện theo các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác dân vận.

D.H