Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng- không phải câu chuyện mới
Chủ nhật: 23:16 ngày 02/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên thực tế, câu chuyện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã được đặt ra từ rất lâu. Người sớm nhìn thấy và nêu lên vấn đề này (từ những năm 90 của thế kỷ XX) chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 17.11.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Sau khi có Nghị quyết 28, các ban, ngành Trung ương, địa phương đã và đang thực hiện nội dung của nghị quyết này.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhiều người, kể cả không ít cán bộ, đảng viên cho rằng, vấn đề này mới chỉ được đặt ra trong vài năm gần đây. Trên thực tế, câu chuyện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã được đặt ra từ rất lâu. Người sớm nhìn thấy và nêu lên vấn đề này (từ những năm 90 của thế kỷ XX) chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đảng lãnh đạo, nhưng không thay thế nhà nước

Phần thứ hai của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều bài viết có giá trị về xây dựng Đảng, thực chất là xây dựng tổ chức và con người.

Từ những năm 90 (lúc chưa giữ trọng trách cao như bây giờ), tác giả cuốn sách viết, từ cơ chế cũ chuyển sang cơ chế mới đặt ra rất nhiều vấn đề về phương thức lãnh đạo và phong cách công tác, đặc biệt xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ và lề lối làm việc giữa Đảng và Nhà nước, coi đây là vấn đề mấu chốt trong đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Thuật ngữ “hệ thống chính trị” và “phương thức lãnh đạo” được chính thức đưa vào các văn kiện của Đảng từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX và được dùng phổ biến hiện nay.

Đảng xác định rằng, trong giai đoạn hiện nay, Đảng phải đặc biệt chăm lo xây dựng Nhà nước mạnh- một nhà nước thể hiện tập trung quyền làm chủ của nhân dân, là công cụ xây dựng, bảo vệ và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Có chính quyền Nhà nước, Đảng có điều kiện cực kỳ quan trọng để tổ chức thực hiện đường lối, cương lĩnh của mình. Vì vậy, Đảng đã lãnh đạo xây dựng Hiến pháp mới và kiện toàn bộ máy nhà nước theo hướng thật sự dân chủ, kỷ cương, hiệu lực.

Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm cho Nhà nước thật sự là của dân, do dân và vì dân, theo đúng đường lối, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện để Nhà nước hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là bảo đảm cho Đảng làm đúng chức năng lãnh đạo, phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan chính quyền, các tổ chức kinh tế và các đoàn thể. Các cấp uỷ đảng không bao biện, làm thay công việc thuộc chức năng quản lý, điều hành của chính quyền.

Đảng lãnh đạo không phải là Đảng thay thế Nhà nước quản lý, điều hành các công việc của Nhà nước hoặc thay thế nhân dân làm chủ Nhà nước, mà là để khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân, giác ngộ và tổ chức nhân dân xây dựng nhà nước của mình, và dùng nhà nước đó để xây dựng xã hội.

Đảng và Nhà nước đều có trách nhiệm bảo đảm và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đều phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, theo chức năng và phương thức riêng của mình. Không được tách rời hoặc đối lập Đảng với Nhà nước, cũng như không đồng nhất tổ chức Đảng với bộ máy Nhà nước.

Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo mọi mặt phát triển của đất nước và chịu trách nhiệm trước toàn xã hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện ở việc xác định phương hướng, mục tiêu, con đưòng, giải pháp đi lên của đất nước, sự hưng thịnh của dân tộc.

Từ đó, lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị và guồng máy xã hội, trước hết là Nhà nước, tổ chức thực hiện bằng được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; lãnh đạo thể chế hoá, luật pháp hoá các nghị quyết của Đảng; thiết kế tổ chức bộ máy; đào tạo, bố trí cán bộ, quản lý và rèn luyện cán bộ; kiểm tra thực hiện các chủ trương, đường lốì của Đảng; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận cách mạng, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách... Tất cả đều nhằm bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn trên con đường đi lên của đất nước và sự phát triển của dân tộc.

Đảng lãnh đạo Nhà nước không chỉ bằng đường lối, mà bằng cả tổ chức, lãnh đạo thông qua tổ chức đảng chứ không thông qua cá nhân đảng viên. Đảng lãnh đạo cụ thể, sát sao, theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Bản thân tổ chức Đảng cũng cần đổi mới cách sinh hoạt theo hướng dân chủ, kỷ cương, năng động, hiệu quả hơn.

Từ bỏ những điều không còn thích hợp

Để những quan điểm, nguyên tắc nêu trên được quán triệt và thực hiện có kết quả trong thực tế cuộc sống, điều quan trọng là phải cụ thể hoá, thể chế hoá thành các quy chế, quy trình, luật pháp và có biện pháp kiểm tra chặt chẽ, kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm.

Là người lãnh đạo, là đội tiên phong chiến đấu của giai cấp, đồng thời là lãnh tụ chính trị của cả dân tộc, hơn ai hết, Đảng phải có bản lĩnh chính trị kiên cường, có trí tuệ và có năng lực lãnh đạo. Chiến thắng được các kẻ thù xâm lược, giải phóng được đất nước là nhờ Đảng ta có bản lĩnh chính trị kiên cường và có trí tuệ tiên phong.

Lúc này, muốn chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, càng cần phải có bản lĩnh và có trí tuệ tiên phong. Việc nâng cao trình độ trí tuệ, tính tiên phong có quan hệ hữu cơ với việc củng cố, nâng cao niềm tin, bản lĩnh, ý chí kiên định lý tưởng cách mạng, đang được đặt ra rất cấp bách.

Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc vấn đề này để có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt, nhất là trình độ tư duy lý luận; trình độ nhận thức, nắm bắt quy luật; trình độ tiếp cận, phân tích, tổng kết thực tiễn; năng lực đề ra quyết sách đúng và tổ chức thực hiện có kết quả đường lối, chủ trương của Đảng.

Vừa qua (thập niên 90 - PV), Đảng đề ra và tổ chức thực hiện bước đầu có kết quả đường lối đổi mới là do Đảng ta đã kế thừa và phát huy được những truyền thống quý báu của Đảng và dân tộc, đổi mới tư duy một cách đúng đắn, vận dụng sáng tạo những nguyên lý lý luận, tổng kết thực tiễn, mở rộng dân chủ, phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, nắm bắt được những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống.

Trong khi kiên định mục tiêu lý tưởng, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, Đảng đồng thời nhấn mạnh phải có ý thức sáng tạo, luôn luôn sáng tạo, dám từ bỏ những cái cũ không còn thích hợp, cả trên lĩnh vực kinh tế cũng như trên lĩnh vực văn hoá, xã hội, cả đối nội và đối ngoại.

Đảng chủ trương giải quyết tốt mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù, tập trung sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nói cách khác, Đảng đã nắm vững nguyên tắc và phương pháp biện chứng duy vật, không phiến diện, cực đoan, hoặc giản đơn từ cực này nhảy sang cực kia.

Tác giả cuốn sách chỉ rõ, hiện còn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ, nhất là những vấn đề cụ thể hoá cương lĩnh, làm rõ định hướng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

“Nhưng công tác lý luận của ta còn nhiều mặt bất cập. Một số vấn đề chậm được tổng kết, không ít vấn đề mới nảy sinh chưa được cắt nghĩa và trả lời thấu đáo. Đấu tranh phê phán những quan điểm lý luận sai trái nhiều khi chưa kịp thời và thiếu sức thuyết phục cao.

Trong khi đó, trình độ tư duy lý luận, trình độ tổng kết thực tiễn của chúng ta nói chung còn hạn chế. Nhận thức, kiến thức, năng lực lãnh đạo của nhiều cấp uỷ đảng còn thấp, chưa chuyển kịp theo yêu cầu đổi mới, nhất là trên lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, lãnh đạo sản xuất, kinh doanh. Nếu không đẩy mạnh công tác học tập, nghiên cứu lý luận, đi sâu vào cuộc sống để tổng kết thực tiễn, thì không thể tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi đó”- tác giả viết.

Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng cũng là một khâu yếu hiện nay. Không ít nghị quyết rất hay, rất đúng nhưng chưa vào cuộc sống được bao nhiêu, chưa biến thành hiện thực. Nếu không nâng cao năng lực tổ chức dù có ra bao nghị quyết thì tình hình cũng không khá lên được; nghị quyết dù hay, dù đúng bao nhiêu rốt cuộc vẫn chỉ là nghị quyết, chỉ nằm trên giấy.

Tổ chức thực hiện bao gồm nhiều việc và tuỳ thuộc vào trình độ, năng lực của nhiều cấp uỷ và cơ quan Nhà nước, đặc biệt là tuỳ thuộc vào trình độ, năng lực cụ thể hoá, thể chế hoá, bố trí cán bộ, năng lực tổ chức điều hành, quản lý, kiểm tra... của các cán bộ có trách nhiệm trực tiếp.

Đảng cần tập trung công sức nhiều hơn nữa cho việc đào tạo, bố trí cán bộ, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng. Điều tác giả vừa nêu ở trên được ông nhắc lại trong các dịp tổng kết, hội nghị quán triệt nghị quyết của Trung ương gần đây: “rằng hay thì thật là hay, nghe ra thực hiện mới gay thế nào”.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục