Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên có chung một nhìn nhận, có sự thiếu đồng bộ khi ban hành chương trình, sách giáo khoa mới nhưng chưa có sự chuẩn bị chu đáo, bài bản về đội ngũ giáo viên.
Cô trò lớp 1 ở Gò Dầu trong giờ học sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình 2018.
Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, bắt đầu từ lớp 3, Tiếng Anh và Tin học là hai môn học bắt buộc, không còn tự chọn như chương trình hiện hành. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để tuyển đủ giáo viên cho hai môn học này? Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên có chung một nhìn nhận, có sự thiếu đồng bộ khi ban hành chương trình, sách giáo khoa mới nhưng chưa có sự chuẩn bị chu đáo, bài bản về đội ngũ giáo viên.
“Tôi cho rằng việc triển khai dạy Tiếng Anh, Tin học từ lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 (chương trình 2018) là quá gấp gáp, thiếu sự chuẩn bị. Trước đây, Tây Ninh có mở một số lớp đào tạo giáo viên Tin học nhưng chỉ mở được một khoá. Số sinh viên này tốt nghiệp cũng chưa có vị trí việc làm.
Lúc đó, một số sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng vào làm công tác quản trị mạng cho nhà trường, không phải dạy. Ðịa phương chúng tôi tuyển được 3 người phụ trách công nghệ thông tin của nhà trường, hai em đã bỏ việc”- một phó trưởng phòng Giáo dục ở Tây Ninh thông tin như trên.
Ðối với giáo viên Tiếng Anh, vẫn theo ý kiến của vị này, thời gian trước, sinh viên tốt nghiệp ngoại ngữ nhiều nhưng không được tuyển dụng. “Trong vấn đề này, Bộ Giáo dục và Ðào tạo có sự chủ quan về đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên Tin học, Tiếng Anh theo chương trình mới. Ðáng lẽ, chương trình 2018 đã được triển khai vào năm học 2018 - 2019, do thiếu chuẩn bị nên phải lùi lại đến năm học 2019 - 2020. Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, khi việc thay sách đến lớp 3, việc thiếu giáo viên Tin học, Tiếng Anh là điều chắc chắn, chưa biết tìm đâu ra nguồn tuyển”.
Theo tính toán của vị lãnh đạo trên, lấy ví dụ một trường tiểu học có 10 lớp, trong đó có 3 lớp 3 thì tối thiểu phải có một giáo viên Tin học, một giáo viên Tiếng Anh. Ðối với trường có quy mô từ 12 lớp trở lên thì nhu cầu giáo viên cho hai môn học này phải nhiều hơn. “Hiện nay, một số trường tiểu học ở thị trấn, thị xã, thành phố đã bố trí được giáo viên Tin học,
Tiếng Anh nhưng nếu chia bình quân cho toàn tỉnh thì số lượng, tỷ lệ giáo viên hai môn này chưa đạt được 30% so với nhu cầu”. Có ý kiến đề xuất tiếp tục tuyển dụng giáo viên có bằng cử nhân cao đẳng sư phạm, qua thời gian công tác sẽ cử đi học nâng cao, hoàn thiện.
Trả lời câu hỏi này, vị Phó trưởng phòng trên cho biết, địa phương đã tính đến phương án này nhưng không được cấp trên chấp nhận: “Không chỉ giáo viên Tin học, Tiếng Anh, trước đó, đối với bậc học mầm non, chúng tôi đề xuất cho phép tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trung cấp sư phạm nhưng cũng không được”.
Một trưởng phòng Giáo dục (đề nghị không nêu danh tính) bày tỏ quan điểm, đúng ra, Bộ GD&ÐT cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên trước, bảo đảm cả về chất lượng, số lượng rồi mới tính đến việc thay sách giáo khoa, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Cái yếu kém trong ngành hiện nay là chất lượng đội ngũ giáo viên chứ không phải chương trình và sách giáo khoa. Sách giáo khoa có thể 5 năm, thậm chí 10 năm nữa thay cũng được. Chương trình, sách giáo khoa dù có hay đến mấy cũng khó thành công nếu đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu” - vị này bày tỏ quan điểm.
Ðối với đề xuất cho phép tuyển dụng giáo viên trung cấp, cao đẳng, sau đó cử đi học hoàn thiện, vị trưởng phòng không ủng hộ, vì “làm như thế chỉ thể hiện tính chắp vá”. “Tôi không phủ nhận vai trò của giáo viên có bằng trung cấp, cao đẳng nhưng hiện nay tuyển dụng hai nhóm đối tượng này thì không nên, luật cũng không cho phép làm điều đó” - vị lãnh đạo bày tỏ quan điểm.
Vậy giải quyết vấn đề giáo viên Tin học, Tiếng Anh cho lớp 3 theo chương trình mới như thế nào? Trả lời câu hỏi, người này đề xuất, khi triển khai sách giáo khoa đến lớp 3 (năm học 2021 - 2022) không bắt buộc trường nào cũng phải dạy hai môn học này.
Thay vào đó, cho phép trường nào có điều kiện thì dạy, trường nào chưa đủ thì chờ tuyển dụng giáo viên mới, khi đào tạo được giáo viên sẽ triển khai một cách bài bản. “Tôi nhận thấy dấu hiệu nôn nóng, thiếu chuẩn bị đồng bộ trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Tôi lấy ví dụ, môn Tin học chưa thật sự cần thiết phải dạy ở cấp tiểu học, lên lớp 6 học cũng chưa muộn. Còn môn Tiếng Anh, trường nào có giáo viên hoặc hợp đồng giáo viên theo chủ trương xã hội hoá thì triển khai. Những trường còn lại chờ nguồn tuyển giáo viên mới, sau đó bố trí giáo viên dạy một cách bài bản”- vị lãnh đạo bày tỏ ý kiến.
“Chỉ còn một năm học nữa, chương trình, sách giáo khoa mới triển khai ở lớp 3, trong đó có hai môn Tin học, Tiếng Anh nhưng địa phương chúng tôi đang thiếu giáo viên của hai môn học này. Môn Tiếng Anh dù sao cũng còn có một ít nguồn để tuyển, còn môn Tin học thì không có.
Năm học trước, chúng tôi tuyển giáo viên cho môn Tin học nhưng chỉ có hai ứng viên nộp hồ sơ. Hiện tại, ở địa phương có một số trường dạy Tiếng Anh lớp 3, những trường còn lại chưa triển khai được hoặc chỉ triển khai theo tinh thần xã hội hoá” - một chuyên viên phụ trách cấp tiểu học cho biết.
Người này nêu ý kiến: cơ quan quản lý tổ chức tuyển dụng giáo viên nhiều lần trong năm, nếu một năm chỉ tuyển một lần thì không thể tuyển đủ. Khi được hỏi về vấn đề giáo viên Tin học, Tiếng Anh cho lớp 3, một vị hiệu trưởng trả lời ngắn gọn, việc này “thuộc về các cấp có thẩm quyền, chúng tôi giờ không biết làm như thế nào, vì đào tạo giáo viên có bằng đại học cũng mất gần 5 năm. Cái lo nhất là môn Tin học, vì hiện nay chỉ trường nào đạt chuẩn quốc gia mới có phòng dạy môn học này”.
Việt Ðông
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã phải lùi thời gian triển khai nhiều lần. Theo kế hoạch ban đầu, lẽ ra chương trình được triển khai từ năm 2015. Tuy nhiên, để có sự chuẩn bị chu đáo, chương trình lùi lại đến năm 2018, vì thế mới có tên gọi chương trình 2018. Nhưng, ngay sau đó, nhận thấy sự chuẩn bị vẫn chưa ổn, Bộ GD&ÐT một lần nữa phải tạm hoãn và đến năm học 2020 - 2021 triển khai chương trình, bắt đầu từ lớp 1.
Trong một phiên họp của Quốc hội khoá XIV, trả lời chất vấn của ÐBQH về sự chuẩn bị đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên Tin học, Tiếng Anh dành cho học sinh từ lớp 3 trở lên, tại thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc lùi thời gian triển khai chương trình 2018 nhằm chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
Cho đến thời điểm này, khi chỉ còn một năm nữa chương trình mới sẽ thực hiện ở lớp 3 nhưng câu hỏi tìm đâu ra nguồn tuyển giáo viên hai môn học này, vẫn là một bài toán khó, vì để tốt nghiệp đại học, phải mất gần 5 năm đào tạo.
Chương trình thời sự lúc 19 giờ ngày 18.4.2021 trên VTV1 có thông tin, chương trình giáo dục phổ thông mới cần bổ sung 95.000 giáo viên. Trong đó, riêng giáo viên Tin học, Tiếng Anh để bố trí dạy lớp 3, cần khoảng 11.000 người. Phóng viên của VTV1 có đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ GD&ÐT nhưng câu trả lời của lãnh đạo Bộ vẫn chỉ dừng lại ở tính chất “khái quát”. Khác với nhiều môn học khác, những người tốt nghiệp đại học ngành Tin học, Tiếng Anh, họ có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn so với nghề dạy học.