Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo hồ sơ xây dựng nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Đây là một chương trình rất lớn, thay đổi toàn diện nội dung chương trình giáo dục mầm non năm 2009.
![google news](/assets/images/gg-news-v2.png)
Bộ GD&ĐT nêu, Nghị quyết số 29 của Trung ương đặt ra yêu cầu “việc đổi mới được thực hiện ở tất cả các bậc học, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Đối với GDMN, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp một; chú trọng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực và hình thành nhân cách”.
Sự cần thiết đổi mới
Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 đã giao nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông… Trong đó, ban hành và triển khai hiệu quả chương trình giáo dục mầm non mới với nội dung, phương pháp tiên tiến.
Cô trò Trường mẫu giáo Thành Long, huyện Châu Thành.
Luật Giáo dục quy định GDMN là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho việc hình thành, phát triển nhân cách cũng như phát triển toàn diện cho trẻ về năng lực, phẩm chất cần thiết.
Trong đó, đặc biệt quy định rõ yêu cầu về nội dung, phương pháp GDMN: “Nội dung bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em; hài hoà giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục trẻ em; phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội; phù hợp với các độ tuổi và liên thông với giáo dục tiểu học”.
Luật Trẻ em quy định Nhà nước có trách nhiệm cùng với gia đình và cộng đồng tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt quan tâm tới đối tượng trẻ em nhà trẻ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; bảo đảm quyền và sự công bằng với mọi trẻ em.
Luật này quy định về việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em theo độ tuổi, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em; giáo dục hoà nhập cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Các cam kết của Chính phủ Việt Nam thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, bảo đảm tiếp cận dựa trên quyền và bình đẳng, công bằng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thể hiện mục tiêu cao nhất là dành những gì tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1990. Đối với bậc học GDMN, bảo đảm “tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non được chăm sóc, giáo dục có chất lượng để phát triển toàn diện, chuẩn bị sẵn sàng vào tiểu học”.
Năm 2023, các nhà lãnh đạo ASEAN ra tuyên bố về chăm sóc và giáo dục mầm non ở Đông Nam Á. Theo đó, cùng nhau đồng thuận “thúc đẩy nhanh khả năng tiếp cận và tham gia của trẻ em trong chăm sóc và giáo dục mầm non có chất lượng.
Bảo đảm rằng chương trình, phương pháp sư phạm của ngành chăm sóc và giáo dục mầm non được xây dựng trên vui chơi, lấy trẻ em làm trung tâm, phù hợp với văn hoá, dựa trên kiến thức địa phương, có khả năng thích ứng với các cuộc khủng hoảng trong tương lai”.
Cơ sở khoa học
Kết quả tổng hợp các công trình nghiên cứu khoa học về chương trình GDMN đã chỉ ra, giai đoạn lứa tuổi mầm non là giai đoạn đặt nền móng cho sự hình thành những giá trị cốt lõi, năng lực cơ bản của mỗi người (thể chất, tính cách, đạo đức, tự lập, thích ứng, sáng tạo.
Giai đoạn quan trọng nhất trong đời mỗi con người diễn ra từ khi còn trong bụng mẹ cho đến 8 tuổi, đặc biệt là giai đoạn 1.000 ngày đầu tiên của cuộc đời là cơ hội có một không hai để phát triển não bộ của trẻ em.
Não và các kết nối thần kinh phát triển mạnh sau khi sinh với tốc độ rất cao, khi trẻ đạt 3 tuổi, não bộ đạt tỷ lệ 80% khối lượng so với người trưởng thành, đây được coi là “giai đoạn vàng” của sự phát triển trong cuộc đời mỗi người.
Việc sớm được tiếp cận với GDMN có chất lượng làm cho thành tích học tập của trẻ em cao hơn, sức khoẻ tốt hơn, tình hình tội phạm thấp hơn và thu nhập cá nhân cao hơn.
Khảo sát PISA 2022 cho thấy, học sinh Việt Nam có kết quả vượt trội trong điều kiện đầu tư còn khiêm tốn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước một phần là nhờ 97% học sinh đó đã được học ít nhất 1 năm GDMN.
Một tiết dạy của giáo viên mầm non.
Giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực dựa trên tình cảm - xã hội tạo nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam, phù hợp với trẻ em mầm non.
Chương trình giáo dục là một cấu thành quan trọng của “nguồn lực cốt lõi” (chương trình giáo dục, người học, người dạy, môi trường giáo dục) có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dạy - học và đánh giá.
Các nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy: chương trình GDMN và phương pháp sư phạm là một trong năm thành tố quan trọng tạo ra chất lượng GDMN, gồm: chương trình và phương pháp sư phạm; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; giám sát và số liệu; sự tham gia của gia đình và cộng đồng; chuẩn chất lượng, quản trị và nguồn tài chính.
Chương trình GDMN ảnh hưởng mang tính quyết định đến chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDMN. Việc xây dựng chương trình GDMN mới dựa trên cơ sở khoa học về Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Đây là các cơ sở khoa học quan trọng trong việc lựa chọn, định hướng xây dựng chương trình GDMN mới ở Việt Nam.
Cơ sở thực tế
Chương trình GDMN được ban hành từ năm 2009 đã triển khai được 15 năm (từ 2009 đến nay). Theo báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá chương trình GDMN (các năm 2016, 2020 và 2021) cho thấy chương trình GDMN hiện hành có nhiều ưu điểm.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và khoa học giáo dục, sự phát triển của trẻ em; trước những đòi hỏi hội nhập quốc tế, chương trình hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Cụ thể, Nghị quyết số 29 yêu cầu đổi mới giáo dục các cấp học theo tiếp cận năng lực để phát triển những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. Luật Giáo dục quy định GDMN là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho việc hình thành, phát triển nhân cách cũng như phát triển toàn diện cho trẻ về năng lực, phẩm chất cần thiết. Trong khi chương trình giáo dục phổ thông đã được đổi mới còn chương trình GDMN chưa đổi mới theo yêu cầu tại Nghị quyết 29.
Chương trình hiện hành chưa đáp ứng được đầy đủ các quy định về quyền trẻ em tại Luật Trẻ em và những cam kết thực hiện các công ước quốc tế của Chính phủ. Chương trình giáo dục mầm non năm 2009 chưa thể hiện rõ về quan điểm tiếp cận hội nhập quốc tế và quan điểm tiếp cận văn hoá, đa văn hoá để phát huy các giá trị văn hoá của địa phương, cộng đồng nơi trẻ em sinh sống.
Chương trình hiện nay chưa quan tâm thoả đáng đến các vấn đề thời sự của cuộc sống và tương lai trong xu thế phát triển của thời đại, hội nhập quốc tế như: giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, công nghệ số, quyền trẻ em, bình đẳng giới, giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu/dịch bệnh…
Việt Đông
Theo Bộ GD&ĐT, từ nghiên cứu chương trình GDMN của một số quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc thuộc 5 châu lục (châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc), có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chương trình GDMN ở Việt Nam sau năm 2020. Trong điều kiện hiện nay của thế giới cũng như của Việt Nam, có rất nhiều quan điểm khác nhau về xây dựng chương trình GDMN.
Do đó, việc xây dựng chương trình GDMN Việt Nam trong những năm tới cần vận dụng các quan điểm, cách tiếp cận đã được thực hiện có hiệu quả của các nước tiên tiến trên thế giới vào điều kiện của Việt Nam một cách linh hoạt.
Xây dựng chương trình giáo dục cần tiếp tục phát triển các quan điểm giáo dục một cách phù hợp nhằm cung cấp cho trẻ cơ hội tiếp cận với nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục một cách thuận lợi và chất lượng nhất.