Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày nay về lại chiến khu xưa, nhiều người thật khó nhận ra mảnh đất một thời hoang tàn vì bom cày, đạn xới do chiến tranh nay đã thay da, đổi thịt và ngày càng phát triển.
Một góc Dương Minh Châu ngày nay.
Tháng 5.1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn mới, Tỉnh ủy Gia Định Ninh lấy vùng Đông Bắc tỉnh thành lập huyện căn cứ mới mang tên đồng chí Dương Minh Châu- Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến của tỉnh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chiến khu Dương Minh Châu trở thành “thủ đô” kháng chiến, tập trung các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.
Tại đây, Xứ ủy Nam bộ (sau đó là Trung ương Cục miền Nam), Bộ tư lệnh Nam bộ, Bộ chỉ huy Phân liên khu miền Đông, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đứng chân để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chiến khu Dương Minh Châu còn là nơi thành lập hoặc dừng chân của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực Miền như Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Trung đoàn 311, Trung đoàn 16, trung đoàn 304... Đồng thời chiến khu cũng là vùng đất khốc liệt hứng chịu nhiều đau thương, mất mát bởi các trận càn và đạn bom chiến tranh.
Người dân Dương Minh Châu yêu nước, một lòng theo Đảng, vừa xây dựng căn cứ, vừa sản xuất, chiến đấu, đào phá đường, chống giặc. Những cái tên như đội thiếu niên diệt Mỹ xã Cầu Khởi, đội thiếu niên diệt Mỹ xã Bến Củi, đội du kích xã Chà Là (ngày đó mang tên anh hùng Phạm Văn Cội), Đại đội C31, những địa danh Suối Ông Hùng, Bàu Gòn, Bàu Trẹt, Bàu Tre, Bàu Sen, Đồng Rùm,Tà Dơ, rồi những căn cứ trên núi Bà Đen như Suối Môn của xã Phan, Suối Già Nai của xã Suối Đá… gắn liền với những chiến công vang dội, là niềm tự hào về một thời “Gian lao mà anh dũng” của quân và dân Dương Minh Châu không chỉ trong quá khứ, trong hiện tại mà cả trong tương lai.
Di tích rừng lịch sử Dương Minh Châu được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1999
Với những công lao trong kháng chiến và những thành tích phát triển kinh tế - xã hội, huyện Dương Minh Châu có 5 xã và Ban An ninh huyện (nay là Công an huyện) đã được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Hòa bình trên quê hương đã hơn 45 năm. Hôm nay về lại chiến khu xưa, nhiều người thật khó nhận ra mảnh đất một thời hoang tàn vì bom cày, đạn xới do chiến tranh nay đã thay da, đổi thịt và ngày càng phát triển.
Hồ Dầu Tiếng, công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Đông Nam Á được bàn tay con người tạo nên như một viên ngọc xanh có sơn thủy hữu tình với hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây ngày đêm cần mẫn mang dòng nước ngọt lành làm hồi sinh đất, làm mát lòng người Dương Minh Châu, là tiềm năng lớn mạnh kết hợp phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.
Hệ thống kênh nội đồng được quan tâm xây dựng, ngày càng được mở rộng, phủ hết diện tích thiết kế. Đất Dương Minh Châu ngày nào nắng cháy cằn khô, mỗi năm chỉ sản xuất một vụ, nay đã có gần 30 ngàn ha đất canh tác, mỗi năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ. Đó là cơ sở để huyện quy hoạch được các vùng chuyên canh đậu phộng, lúa ở các xã phía Nam như Truông Mít, Lộc Ninh, Chà Là, Cầu Khởi. Các xã Suối Đá, Phan, Bàu Năng, Phước Ninh, Phước Minh là vùng trọng điểm cây khoai mì, cung cấp nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông sản trong và ngoài địa phương.
Nhờ lợi thế nguồn nước hồ Dầu tiếng, nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái, với sản lượng gần 6.000 tấn mỗi năm, đem lại nguồn thu ổn định cho người sản xuất.
Người nông dân được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, được hướng dẫn về cung cách làm ăn, về cây, con giống mới, áp dụng công nghệ sinh học, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, chăn nuôi.
Đ/c Phan Văn Rạnh ( Suối Đá) được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 17-9-1967.
Mô hình kinh tế trang trại liên tục phát triển. Dự án chuyển đổi cây trồng tại 4 xã: Phước Minh, Lộc Ninh, Truông Mít, Phước Ninh với diện tích 3.500ha. Cơ bản định hình một số khu vực chuyên canh cây ăn trái. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích 99,7ha (trồng và chế biến thảo dược 50ha, trồng và sơ chế nông sản 7 ha; 22,7ha mãng cầu và 20ha bưởi tại xã Suối Đá sản xuất theo mô hình VietGap).
Người nông dân đã biết làm giàu ngay từ mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Nhiều chủ trang trại có thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhà cửa khang trang, to đẹp mọc lên ngày càng nhiều.
Huyện luôn tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài địa phương đầu tư phát triển, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ thương mại để người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, được sử dụng những sản phẩm và dịch vụ ngày càng cao như Điện máy xanh, Bách hóa xanh, Siêu thị Coopmart.
Đ/c Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đ/c Nguyễn Hồng Sơn- Bí thư Huyện ủy Dương Minh Châu tại Đại hội XII Đảng bộ huyện.
Huyện tạo điều kiện để các nhà đầu tư có quỹ đất sạch thực hiện các dự án trên địa bàn như: Dự án Khu du lịch sinh thái Đảo Nhím, dự án Điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1, 2 được khởi công và chính thức đi vào hoạt động tháng 6.2019. Đây là cụm Nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (thời điểm hiện tại), với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, diện tích 504 ha, công suất lắp đặt 420 MW. Cụm Nhà máy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện Quốc gia với tổng công suất 2.000 MW. Góp phần đưa Tây Ninh trở thành một trong những “thủ phủ” về điện mặt trời của cả nước, bổ sung nguồn năng lượng quý giá, xanh - sạch, bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng hoạt động. Lũy kế đến nay có 340 doanh nghiệp trên địa bàn, với tổng số vốn đăng ký trên 6.157 tỷ đồng; hộ kinh doanh cá thể lũy kế đến nay gần 7.200 hộ, với tổng số vốn kinh doanh gần 1,3 tỷ đồng. Kinh tế tập thể được củng cố và duy trì hoạt động với 14 hợp tác xã (bao gồm 11 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 2 hợp tác xã dịch vụ, 1 quỹ tín dụng nhân dân) và 11 tổ hợp tác, đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách và sự phát triển kinh tế ổn định của huyên.
Hiện tại, khu công nghiệp Chà Là, điểm công nghiệp Công ty Cansport Việt Nam (xã Truông Mít) và trên 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ khác thu hút việc làm thường xuyên cho trên 23.000 lao động trong và ngoài địa phương.
Hiện nay toàn bộ hệ thống giao thông từ huyện đến các xã, liên xã đã thông thương, nhựa hóa hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài huyện.
Mạng lưới điện quốc gia không ngừng được mở rộng về tận những vùng nông thôn sâu, xa xôi, hẻo lánh nhất. Điện không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống tinh thần, nâng cao dân trí. Có 5 xã là Bến Củi, Phước Ninh, Chà Là, Cầu Khởi và xã Phan được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, người dân phấn khởi vì được thụ hưởng giá trị của chương trình đem lại. Theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện phấn đấu đến năm 2025 huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hệ thống trường, lớp trên địa bàn huyện được xây dựng kiên cố, đảm bảo cho việc giảng dạy và học tập. Có 20 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (6 trường trung học cơ sở, 8 trường tiểu học và 6 trường mầm non, mẫu giáo).
100% xã, thị trấn có trạm y tế được xây dựng kiên cố theo tiêu chuẩn của Bộ y tế, đều có từ 1 đến 2 bác sĩ và được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ nhiều năm nay. Bình quân có 5,2 bác sỹ/vạn dân.
Bệnh viện huyện với công suất 50 giường bệnh, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh của Nhân dân và phòng, chống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Bảo hiểm y tế đã được đa số người dân quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt trên 90%.
Đảng bộ Dương Minh Châu có 51 chi, Đảng bộ cơ sở với tổng số trên 3.000 đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hố bom B52 tại khu Căn cứ Dương Minh Châu ngày nay.
Với truyền thống 70 năm hình thành, chiến đấu và phát triển, huyện Dương Minh Châu đang viết tiếp những trang sử vẻ vang của huyện anh hùng bằng những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là năm 2021, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện Dương Minh Châu ra sức thực hiện các giải pháp đột phá nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, lập thành tích tiêu biểu chào mừng 70 năm thành lập huyện Dương Minh Châu (5.1951-5.2021)
Hoa Hiệp