Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đến với thơ hay
Đơn giản mà ám ảnh
Chủ nhật: 08:44 ngày 18/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tạ Nghi Lễ là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, quê ở Gio Linh, Quảng Trị, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài viết văn, làm thơ, ông còn tham gia đóng phim với gần 20 vai diễn, kể từ bộ phim đầu tiên tham gia là Người đẹp Tây Đô (vai linh mục Hiếu - năm 1997) của đạo diễn Lê Cung Bắc. Ông mất do bệnh vào năm 2008.

“Thưa thầy” là một trong những bài thơ hay về tình thầy trò, là sự “sám hối” của người học trò về những lỗi lầm của mình đối với thầy.

“Thưa thầy, bài học chiều nay/ Con bỏ quên ngoài cửa lớp/ Dưới gốc phượng già, nằm nghe chim hót/ Con hoá mình thành bướm và hoa”; cậu (hay cô) học trò này đã quá mơ mộng, sẵn sàng... quên chuyện học bài chỉ vì mải mê “muốn hoá mình thành bướm và hoa”.

Xem ra lỗi lầm cũng chưa thật nặng, có chút gì đó dễ thương của lứa tuổi mới lớn. Tiếp theo, cậu học trò bộc lộ thêm những khuyết điểm của mình: “Thưa thầy bài tập hôm qua/ Con bỏ vào ngăn khoá kín/ Mải lượn lờ theo từng vòng sóng/ Cái ngã điệu đàng, sân trượt patin” và rồi: “Thưa thầy, bên ly cà phê đen/ Con đốt thời gian bằng khói thuốc/ Sống cho mình và không bao giờ mơ ước/ Mình sẽ là ai? Tôi sẽ là ai?”.

Tới đây thì những lỗi lầm đã tăng dần do lối sống: từ mơ mộng đến ham chơi, tìm cảm giác mạnh trong các trò chơi, bỏ bê chuyện học hành, tệ hơn nữa là... hút thuốc. Những câu thơ thật đơn giản, dễ hiểu như lời thú tội: “Bên ly cà phê đen. Con đốt thời gian bằng khói thuốc”...

Điều đó chắc chắn không một thầy cô nào có thể chấp nhận. Nhưng nặng nề hơn là chuyện cậu học trò muốn sống quên đời, không có lý tưởng và tương lai, chỉ biết: “Sống cho mình và không bao giờ mơ ước/ Mình sẽ là ai? Tôi sẽ là ai?”- lời thú tội tưởng nhẹ nhàng mà nặng nề, đau đáu, hẳn là sẽ làm cho thầy phải đau lòng lắm lắm.

Thế nhưng dẫu sao thì cậu học trò cá biệt và ngỗ nghịch ấy cũng đã biết ăn năn, hối cải, khi chợt nhận ra mình đã phụ công lao khó nhọc của thầy: “Thưa thầy, qua ngõ nhà thầy khuya nay/ Con vẫn thấy một vầng trăng ấm sáng/ Thầy ngồi bên bàn phẳng lặng/ Soạn bài trong tiếng ho khan”.

Chính tấm lòng thầy, chính công việc thầm lặng của thầy đã đánh thức lương tri của đứa học trò đang tuổi lớn- một sự nhận biết để rồi tự vấn với chính mình: “Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn/ Sao con học hoài không thuộc/ Để bây giờ khi con hiểu được/ Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy”.

Khi tự đặt cho mình câu hỏi “Làm sao tạ lỗi cùng thầy” tức là đã biết tạ lỗi để tìm ra một lối đi tốt đẹp nhất, đáp lại công ơn của thầy. Tôi tin là em học sinh đã làm được điều đó.

Bài thơ không có những từ ngữ cao sâu, khó hiểu, cũng chẳng có triết lý hay kêu gọi điều gì lớn lao nhưng có sức ám ảnh và cuốn hút người đọc bằng những điều thổ lộ chân tình, nhẹ nhàng mà rất cụ thể.

Cụm từ “thưa thầy” được lặp lại nhiều lần trong bài thơ đã thể hiện sự tôn kính đối với người thầy. Bài thơ như sự thức tỉnh, nhắc nhở mọi người phải luôn biết tôn trọng thầy cô giáo- những người đã không quản khó nhọc để dạy dỗ ta nên người.

NGUYỄN SÔNG TRÀ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục