Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đến với thơ hay
Đơn giản mà ấn tượng
Thứ bảy: 20:07 ngày 06/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lò Cao Nhum sinh năm 1954 tại Bản Lác, Mai Châu, Hoà Bình, người dân tộc Thái, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, từng làm ở báo Văn Nghệ Hoà Bình, hiện sống và viết ở Hoà Bình.

Bài thơ “Phác hoạ Phan Xi Păng” đăng trên báo Văn Nghệ Quân Đội là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Lò Cao Nhum. Lời thơ kiệm lời nhưng phóng khoáng trong câu chữ, gieo ấn tượng cho người đọc.

Phan Xi Păng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là ngọn núi cao nhất Đông Dương, được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”, cao 3.143m, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa, Việt Nam 9km về phía Tây Nam.

Qua “phác hoạ” của Lò Cao Nhum: “Phan Xi Păng/ Sương mù quần đảo bay/ Bão gió xoáy giật thổi/ Mưa lở núi/ Nắng nẻ nương”, những câu thơ 3 chữ, rồi 5 chữ, 3 chữ... gây ấn tượng mạnh về ngọn núi “sương mù quần đảo”, “bão gió xoáy” và “mưa lở núi, nắng nẻ nương”, khắc nghiệt cả về môi trường và thời tiết, đến độ muôn thú phải: “Mà con chim phải đứng/ Con nai ngồi/ Con chồn ngủ/ Con nhím phải ăn”.

Lời thơ ngắn, kiệm chữ, song như những nhát chém, nêu bật hình ảnh “chim đứng, nai ngồi, chồn ngủ, nhím ăn...” như một sự chống chọi với thiên nhiên để sinh tồn. Bên cạnh là hình ảnh con người sống ở đấy, chung quanh dãy núi Hoàng Liên Sơn, quanh năm mây phủ: “Đàn ông khoác súng kíp trên lưng/ Cắp cán rìu bên sườn/ Bước sải dài lên núi/ Đàn bà đeo lù cở/ Bồng con thơ trước ngực/ Cắm cúi bước theo chồng lên nương”.

Súng kíp, một vũ khí dùng để săn bắn, tự vệ và cũng là vật “trang sức” của đàn ông miền núi, luôn khoác trên lưng. Hoặc cái rìu sắc bén đeo lủng lẳng bên sườn, bước chân mạnh mẽ khi chinh phục núi để lên nương rẫy. Còn cái “lù cở”, người miền xuôi hay gọi là “cái gùi” hoặc cái thồ, cái địu, dụng cụ đan bằng mây, tre, dùng để đựng thức ăn, hạt giống cùng các đồ dùng khác.

Hình ảnh đưa con nhỏ theo mẹ lên nương, bước đi như cam chịu, cắm cúi là đặc trưng, không thể trộn lẫn của người dân tộc thiểu số.

Dưới con mắt, cảm nhận của nhà thơ thì: “Lầm lũi ngang ngạnh/ Khi ca hát đám cưới/ Lúc khóc dài tang thương/ Thiên nhiên không khắc khổ”, với tính cách ít nói, hay làm, có cảm tưởng như “lầm lũi, ngang ngạnh”, nhưng lại rất tình cảm khi ca hát đám cưới và khóc dài khi tang thương, tất cả đều khẳng định “thiên nhiên không khắc khổ”? Nhà thơ đã nói hộ nỗi lòng của họ về vùng rừng núi nơi sinh ra, lớn lên và sinh sống, bằng tình cảm: “Cười vọng núi/ Múa nghiêng rừng/ Yêu cháy lá ngón/ Nhớ mòn vẹt lưỡi khèn/ Người Phan Xi Păng/ Dạng chân trên chóp núi…”.

Một sự lạc quan, hồn nhiên vốn có “cười vọng núi, múa nghiêng rừng”, những ẩn dụ về tính cách con người miền núi, cũng như yêu thương đến độ “Yêu cháy lá ngón” và “nhớ vẹt lưỡi khèn”, sự ví von so sánh độc đáo và chỉ có ở người miền núi.

Cuối cùng, họ là người chiến thắng thiên nhiên, chinh phục được độ cao của núi để “dạng chân trên chóp núi” vừa kiêu hãnh cũng đầy chất thơ của một dân tộc vốn dĩ can trường.

Chính Vũ

Tin cùng chuyên mục