Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thằng bé quăng con rô bốt to bằng bắp chân mới mua lên bàn cái “đùng” và ngồi thụp xuống ngạch cửa:
- Bực mình ba ghê vậy đó! Bỏ đi làm chi để giờ “người ta” bị bạn ghẹo là con không cha!
Cuối cùng, điều chị lo sợ cũng đã tới. Dù rằng trước giờ chị hay lấp lửng mỗi khi con hỏi ba đâu, chị trả lời rằng ba đi công tác xa lắm, lâu lâu mới về. Nào… nào… bây giờ mẹ con mình đi mua đồ chơi nhé? Hay đi siêu thị mua há cảo thịt bằm đi, món ngon tuyệt mà con thích nhất đó! Hoặc bày trò chơi mới nào đó rồi thằng bé cũng tạm quên chuyện “Ba đi đâu mà không ở nhà”.
Tiếng thút thít của con bắt đầu rơi rớt khiến chị không tài nào ngồi yên với bản tài liệu dịch gấp được nữa.
Ngồi bên con, cầm chú rô bốt, chị vờ hỏi nó biến hình được những vật gì, chạm vào đâu nó sẽ phun lửa… Nhưng thằng bé không màng. Nó nói gọn: “Mẹ cho con mượn điện thoại. Con gọi cho ba, hỏi chừng nào ba về. Sao đi công tác gì mà lâu dữ vậy?”. Không thể nào từ chối khi gương mặt đứa trẻ lên sáu đang dứt khoát đến đanh lại. Chị sẽ sàng trao điện thoại cho con, nó tự bấm số và áp vào tai ngay bằng gương mặt có phần dãn ra. Nhưng… hết hồi chuông mà bên kia không có tiếng trả lời. Nó thẫn thờ trả điện thoại cho mẹ phụng phịu: “Ba đi công tác đến quên con luôn à?”.
Chị ôm con. Con gục đầu vào tay mẹ như buông xuôi tất cả, chỉ có cánh tay này là điểm tựa duy nhất mà thôi. Nước mắt con chảy ướt tay mẹ, nước mắt mẹ chảy ngược vào lòng. Không chỉ là mặn đắng mà còn cả chua cay tê buốt.
Chị là mẹ đơn thân. Ðơn thân khi vừa kịp có ba đứa con. Hai đứa con gái song sinh tuổi mười ba phần nào hiểu chuyện. Chỉ còn cu con sáu tuổi, khó khăn lắm chị mới trả lời cho con tạm hiểu “Ba đi công tác xa nên không ở nhà”.
Suốt bảy trăm sáu mươi lăm ngày, mười tám giờ qua, chị vật vã chịu đựng vết thương lòng đau nhói. Bởi anh chị không ly hôn êm thấm như bao người khác, mà người ấy, sau nhiều tháng ngày cùng tranh luận về đề tài bán đất về quê sống để phụng dưỡng cha mẹ già, hay ở thành phố lao động để có thu nhập cao rồi lâu lâu về thăm cha mẹ, đã khiến người ta nói chị là thứ dâu con bất hiếu, cha mẹ suốt đời chỉ có một, vợ chồng thì nay thôi người này mai sẽ cưới người kia.
Và người ấy ra đi, sau khi nhờ anh bạn là phó giám đốc một quỹ tín dụng “cất giùm” mớ giấy tờ nhà đất.
Chị chết điếng khi nhân viên tín dụng đến. Bốn trăm triệu tiền vay. Con số không phải nhỏ. Họ bảo rằng, trong ba tháng nữa mà chị không thanh toán được số tiền vốn lẫn lãi này, buộc lòng họ phải phát mãi tài sản để thu hồi vốn.
Cái ăn cái mặc của các con, số tiền lãi kinh khủng và nỗi hận người chung gối khiến chị đã một phen tìm về nhà chồng để rồi ôm tủi nhục khi cha mẹ chồng thẳng thừng tuyên bố: “Của chồng công vợ. Thằng Toàn nó chỉ lấy có giấy tờ thôi, còn nhà cửa và vật dụng vẫn để lại cho cô mà. Số tiền đó nó đem về xây cái nhà hai tầng này đây. Cô có giỏi thì về mà bứng đi”.
Chị từng nghĩ rằng bậc trưởng bối sẽ là người biết phải trái. Ðàng này… Chị gạt nước mắt, rời nhà cha mẹ chồng ra đầu đường cắt ngay mái tóc óng mượt mà mình đã cố nuôi dưỡng nhiều năm vì câu “Anh thích tóc dài” của người ta. Kiểu tomboy trông chị trẻ đẹp và khoẻ khoắn lắm. Cô thợ làm tóc khen: “Dáng cao, mặt trái xoan mà tóc ngắn thế này, nhìn chị như các nữ cảnh sát trong phim Hồng Kông í!”. Chị cũng cười: “Là nữ chiến binh mới đúng”.
Phải, kể từ bây giờ, chị là nữ chiến binh, đoạn tuyệt với quá khứ vì hiện tại là ba đứa con đang trông cậy vào mình.
Việc đầu tiên sau ngày cắt mái tóc tomboy là chị tìm anh bạn phó giám đốc quỹ tín dụng: “Ðáng ra tôi sẽ kiện anh. Vì giấy tờ nhà đất đứng tên hai người mà khi đi ký tên vay chỉ có một người, anh cũng đồng ý. Bây giờ tôi yêu cầu từ tháng sau anh tìm người vay mà đòi tiền lãi. Nếu không được thì cứ phát mãi tài sản đi”.
Tất nhiên anh ta lúng túng: “Thì …là… mà… chúng ta quen nhau hàng chục năm, Toàn nói Hân bận việc nên đã ký sẵn… tôi tin bạn quá nên mới…”.
Biết bao đêm mẹ con chị ôm nhau khóc để cầu mong cho nước mắt rửa trôi bao đau thương tủi cực này. Và câu chuyện khiến đứa trẻ sáu tuổi của chị “tạm chấp nhận” cho việc “Ba bỏ mẹ con mình” chính là câu chuyện “Lạc Long Quân và Âu Cơ”.
Chị kể con nghe chuyện của người xưa, từ khi họ gặp nhau đến khi chia tay, mỗi người nuôi năm mươi đứa con và kết luận: “Con thấy không, ông bà ấy sống với nhau đến sinh cả trăm con mà vẫn chia tay. Huống chi mẹ chỉ mới có ba đứa.
Mái đầu thơ ngây gục gặc.
Người ta hô hào rằng phụ nữ cần phải giải phóng khỏi bất công xưa. Không quan trọng chuyện “tam tòng tứ đức” nữa. Cứ học hành cho giỏi, thu nhập cho cao, nói tiếng Tây vù vù là sẽ có nhà lầu xe hơi và hàng chục anh chàng quỳ gối xếp hàng xin rước kìa.
Rước rồi mà “cơm không lành canh không ngọt” hay gặp một bà mẹ chồng mắc dịch, bánh xèo vừa đòi mua đã hô thèm bánh lọt đó hả, thì cứ thôi ra, làm single mom, bà mẹ đơn thân một con ấy sẽ cho hàng tá đàn ông thèm từ mòn tới đui mắt luôn chứ cần gì phải lo sợ. Ðời nay mà, phụ nữ có lệ thuộc kinh tế chồng đâu mà cần rèn luyện nội công “Một câu nhịn chín câu lành”. Bây giờ mà nhịn quá sẽ thành “Một câu nhịn chín câu nhục” í!
“Mẹ đơn thân”, là bà mẹ có lá gan bằng sắt, quả tim bằng đồng và tinh thần bằng thép, thu nhập bằng “đô” mới dám chủ động làm mẹ đơn thân.
Còn chị. Là “bị hại” khi “thừa kế” danh xưng này.
Ðơn thân, là sáng sáng chị phải vừa dỗ con dậy, vừa chuẩn bị áo quần cho con, vừa đẩy xe ra, đóng cửa nhà rồi rồ ga đưa con đến lớp trong trùng điệp khói xe và bụi bặm. Rồi khi con đã khuất khỏi cổng trường, mẹ đơn thân định vù xe đến chỗ làm lại băn khoăn không biết ấm nước trên bếp đã tắt lửa chưa.
Ðơn thân, là khi con bệnh chị sẽ nháo nhào đưa con vào bệnh viện nhưng không biết sẽ nhờ ai làm giùm bản báo cáo gấp mà sếp đã yêu cầu. Rồi khi khám bệnh, mẹ đơn thân sẽ thở phào khi bác sĩ cho toa ngoại trú. Còn nếu nghe ba âm từ “nhập viện nghen” thì bảo đảm bà mẹ có tinh thần thép ấy sẽ đổ mồ hôi đồm độp dù phòng máy lạnh hăm ba độ.
Ðơn thân, nghĩa là chị sẽ đưa con đi công viên, đi bơi, đi nhà sách… và sẽ tham gia tất cả các trò chơi với con mà không được từ chối dù bất cứ lý do gì.
Nếu chị không đơn thân, những điều bình thường nhưng rất nhọc nhằn kia sẽ được chia đôi.
Nhưng bây giờ con chị đã không có cha rồi. Nghĩa là đã có khi chị “đứng hình” vì nửa đêm đang ngủ ngon lành con sẽ giật mình khóc thút thít vì lý do “Con nhớ ba. Con mơ thấy ba nằm kế bên con”. Một phen dỗ dành rồi trẻ cũng chìm vào giấc ngủ nhọc nhằn, nhưng từ đó tới sáng, người không ngủ chính là chị.
Chị nói với con, không phải là con không cha, đơn giản là ba của con “đi công tác xa” lâu lâu mới về, hoặc nếu muốn gặp ba thì con cứ gọi điện thoại.
“Nhưng điện thoại thì ba không nghe máy”- thằng bé lý sự.
Chị bảo có thể ba bận làm việc, không để máy trong túi, hoặc máy của ba hết pin, hay ba bệnh thì sao?
Mái đầu trẻ thơ lại gục gặc.
Nhưng một cuộc gọi dài đến nóng tai đi nữa, cũng sẽ không giá trị bằng những cái ôm thật xiết, những tràng cười nắc nẻ do bộ râu của ba cọ vào da thịt con. Chỉ như vậy thôi, tâm hồn trẻ sẽ an nhiên nhiều lắm.
Chị thấy rằng, khi là mẹ đơn thân rồi, tự nhiên sẽ yêu thương và kính trọng tất cả những người mẹ đơn thân trên thế gian này. Không phải vì họ quá dũng cảm, quá tuyệt vời hay vì… không cần đàn ông. Mà bởi vì sóng đời đã xô giạt khiến họ phải đơn hành, nên họ cố gồng mình lên cho tâm tư của mình xù xì cứng rắn mà dìu con cái qua khúc quanh của dốc đời.
Bởi thật sự, không có người phụ nữ nào muốn đơn thân để con mình “không cha” cả.
Mẹ con chị vẫn ngồi bất động bên ngạch cửa. Hàng xóm vô tình hay cố ý mở bản nhạc trữ tình, chàng ca sĩ đang riết róng đổ lỗi “Không phải tại anh cũng không phải tại em… tại trời xui khiến nên chúng mình xa nhau…”.
Chị nuốt khan. Ừ, tại trời…
Truyện ngắn: Đ.P THUỲ TRANG