Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Châu Thành và Tân Châu đã diễn ra trong hai ngày 10 và 11.11.2009.
* Tại Tân Châu:
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tân Châu diễn ra ngày 11.11 với 150 đại biểu đại diện cho 6.828 người dân thuộc 12 dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đến dự có ông Nguyễn Xuân Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III- Uỷ ban Dân tộc; ông Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; ông Phan Minh Đức, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; bà Nguyễn Thị Giảm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tân Châu. |
Trong những năm qua, được sự quan tâm sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện các chính sách, các chương trình, dự án giúp đồng bào vượt khó vươn lên, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ổn định, số hộ khá giàu ngày càng tăng, hộ nghèo được kéo giảm và đã xoá dần nhà tạm. Đồng bào có nước sạch hợp vệ sinh sử dụng, hơn 89% hộ có điện sử dụng, tỷ lệ học sinh theo học các cấp tăng lên so với những năm trước. Tỷ lệ học sinh dân tộc bỏ học, thất học so với học sinh dân tộc giảm nhiều so với trước. Toàn huyện hiện có 13 giáo viên người dân tộc thiểu số và có 15 học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tốt. Các phong trào thi đua yêu nước thu hút ngày càng nhiều bà con người dân tộc thiểu số tích cực tham gia như: Lao động sản xuất giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào xây dựng gương “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”… Tại Đại hội có 5 tập thể và cá nhân được chọn báo cáo tham luận.
Cụ Mách TaRes, sinh năm 1926, dân tộc Chăm ở xã Suối Dây, điển hình lao động sản xuất giỏi cho biết: Trong nhiều năm qua cụ đã chủ động gặp chính quyền xã xin hỗ trợ về thủ tục để xây dựng các lớp học, với kinh phí 35 triệu đồng. Gia đình ông Chàm Ló, sinh năm 1944, dân tộc Chăm ở ấp Tân Trung A, xã Tân Hưng trước đây thuộc diện nghèo khó. Năm 1992, ông được xét cho vay 2 triệu đồng để chăn nuôi. Qua nhiều năm siêng năng lao động, có tích luỹ, hiện nay ông đã có nhà cửa khang trang, cùng với sản nghiệp 3 ha cao su và 1 ha mãng cầu. Cuộc sống gia đình ông rất ổn định, các con đều được học hành. Ông Chàm Huông Mít, sinh năm 1948, ngụ ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, với vai trò Trưởng ấp, ông tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Chăm thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động thành lập chi hội khuyến học của cộng đồng dân tộc Chăm tỉnh Tây Ninh trao nhiều học bổng, phần thưởng cho con em đồng bào Chăm học tập tốt. Ông Danh Ngất, Trưởng ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, 11 năm liền duy trì phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Trung tá Hà Văn Dũng dân tộc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 815 báo cáo tham luận về tình hình thực hiện chính sách dân tộc đã nêu: “Đồng bào các dân tộc phải thật sự đoàn kết, có ý thức cộng đồng cao, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, chấp hành và thực hiện nghiêm mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Nêu cao cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng, kích động lôi kéo, vận động gia đình họ hàng, làng xóm chung sức chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh, xây dựng xã, huyện biên giới vững mạnh toàn diện.
Ông Nguyễn Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ Địa phương III- Uỷ ban Dân tộc; bà Nguyễn Thị Giảm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chúc mừng biểu dương những thành tích mà bà con dân tộc thiểu số đạt được trong thời gian qua.
Tại Đại hội, Ban tổ chức đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho tất cả đại biểu chính thức đại diện các dân tộc thiểu số dự đại hội. UBND huyện Tân Châu khen thưởng 8 tập thể và 44 cá nhân có thành tích trong công tác dân tộc giai đoạn 1991-2009. Đại hội thống nhất cử 80 đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh.
* Tại Châu Thành:
Đại hội được tổ chức ngày 10.11.2009, với sự tham dự của 100 đại biểu đại diện 2.220 đồng bào thuộc 10 dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đến dự có ông Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, bà Nguyễn Thị Giảm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong 10 dân tộc thiểu số, chiếm 1,7% dân số toàn huyện, đông nhất là dân tộc Khmer, sống tương đối tập trung tại các xã vùng biên giới. Được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Châu Thành đã có bước chuyển biến rõ nét. Các chương trình, dư án ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện tốt và đã phát huy hiệu quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số có bước chuyển biến căn bản. Từ trên 40% số hộ người dân tộc nghèo diện Trung ương trước đây, nay đã giảm xuống còn 14% (79/564 hộ). Một bộ phận đã vươn lên khá giả.
Các cá nhân người dân tộc thiểu số huyện Châu Thành được khen thưởng. |
Hiện nay đã có trên 98% hộ gia đình người dân tộc sử dụng điện; trên 80 hộ sử dụng nước sạch. Huyện đã thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí và các loại phí khác cho học sinh dân tộc thiểu số; 100% đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã biên giới được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế. Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Châu Thành ngày càng hoà nhập và tích cực tham gia công tác xã hội, đầu tư phát triển, xây dựng các khu dân cư, ấp văn hoá. Đến nay toàn huyện có 13/15 ấp có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã được công nhận danh hiệu “Ấp văn hoá”; 440/564 hộ được công nhận “Gia đình văn hoá”. Từ đó cộng đồng các dân tộc ngày càng vững tin vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Các phong trào hành động cách mạng có bước phát triển.
Tại Đại hội, UBND huyện Châu Thành đã khen thưởng 3 tập thể và 39 cá nhân đồng bào các dân tộc thiểu số. Đại hội đã nhất trí cử 38 đại biểu về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh.
DUY HUÂN