Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chiến dịch Mùa hè xanh 2019 đã đi hơn nửa chặng đường. Những ngày qua, hình ảnh chiếc áo xanh tình nguyện của các chàng trai, cô gái đã dần trở nên gần gũi, thân thuộc với những người dân Tây Ninh. Các bạn mang sức trẻ làm đẹp thêm ở những nơi mình đóng quân.
Sinh viên tình nguyện Trường đại học Cảnh sát Nhân dân trồng hoa làm đẹp trước Nhà văn hoá dân tộc Khmer xã Trường Tây.
Đi để cống hiến
Dưới cái nắng oi bức của những ngày hè, những chàng trai, cô gái Trường cao đẳng Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh vẫn miệt mài lắp ghép từng chiếc vỏ xe, tô thêm sắc màu để tạo thành cụm trò chơi tái chế cho các em thiếu nhi xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành). Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo xanh, cô sinh viên Phạm Thị Thanh Ngân- Khoa Kinh tế miệng vẫn luôn tươi cười: “Cứ nghĩ đến lúc các em nhỏ hào hứng tham gia những trò chơi do chính tay mình làm ra là em cảm thấy vui lắm”.
Không chỉ xây dựng cụm trò chơi từ vật dụng tái chế, các bạn sinh viên còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tặng quà, mang niềm vui đến với các em nhỏ địa phương.
Sinh viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chơi đùa cùng em nhỏ xã Phan.
Là con gái nhưng chẳng còn dáng vẻ yểu điệu như lúc ở nhà, ra “mặt trận”, các chiến sĩ nữ cũng nhiệt tình lăn xả không kém gì các bạn nam. Lý Thị Thanh Nhàn- sinh viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tụi em hy vọng những phần việc, công trình mình đang làm sẽ giúp ích được cho mọi người”. Thanh Nhàn cùng cả đội đang ráo riết hoàn thành ngôi nhà Khăn quàng đỏ cho một em học sinh nghèo, mắc bệnh tim bẩm sinh tại ấp Phước Tân 2 (xã Phan, huyện Dương Minh Châu).
Mỗi sinh viên khi khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện đều xác định: đi là để cống hiến và trưởng thành. Năm nay, Nguyễn Quốc Trong (sinh viên năm 2, Trường đại học Lao động - Xã hội TP. Hồ Chí Minh) quyết định không trở về quê nghỉ hè. Chàng trai đăng ký tham gia Mùa hè xanh. Đây là năm thứ hai liên tiếp tham gia chiến dịch Mùa hè xanh. Trong cho biết, trường của bạn thực hiện chiến dịch ở hai mặt trận; và bạn đăng ký tham gia tại mặt trận Tây Ninh.
Trong nói: “Mùa hè xanh năm ngoái tại Tây Ninh đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp. Đó là năm đầu tiên tôi tham gia Mùa hè xanh; có nhiều cái mới, còn nhiều trải nghiệm mà tôi chưa từng làm, chưa từng biết. Nhiều kỷ niệm đến giờ tôi vẫn nhớ mãi- nhất là cảm giác bản thân được sống hết mình với tuổi trẻ, cống hiến hết sức lực”. “Tôi muốn mùa hè thời sinh viên của mình đầy ắp trải nghiệm, và thực sự đáng nhớ, ghi dấu với những hoạt động tình nguyện”.
Đi để trưởng thành
Tham gia Mùa hè xanh không chỉ là cơ hội để trải nghiệm và cống hiến, mà đối với các bạn trẻ, đây còn là dịp rời xa phố thị, rời xa công nghệ để gần gũi, hiểu hơn về cuộc sống của những người dân vùng nông thôn, biên giới. Phạm Thị Thanh Ngân (Trường cao đẳng Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Tham gia chiến dịch, tụi em đưa ra một quy định chung về khung thời gian sử dụng điện thoại, để mọi người tập thói quen rời xa đời sống ảo. Thay vì làm cái gì cũng check-in trên facebook, giờ thì các bạn dành nhiều thời gian hơn cho những việc làm thiết thực, ý nghĩa hơn”.
Sinh viên tình nguyện Trường đại học Cảnh sát Nhân dân thăm hỏi hộ người già neo đơn.
Mỗi chuyến tình nguyện đều mang đến những khó khăn, thử thách mới, nhưng qua đó mà bản lĩnh, kỹ năng của những sinh viên tình nguyện cũng ngày càng được nâng cao hơn. Mỗi bạn đều rèn luyện cho mình phẩm chất không ngại gian khó, và đó là cơ hội để thử sức tuổi trẻ.
Và thực vậy, trong hành trình này đâu chỉ có những điều suôn sẻ hay kỷ niệm đẹp. Như chàng trai Lê Văn Quý (sinh viên Trường đại học Cảnh sát Nhân dân) và những đồng đội của mình, ngay từ những ngày đầu tham gia chiến dịch đã phải đương đầu với cái nắng gay gắt và cả những cơn mưa dầm thất thường trên đất Trường Tây, huyện Hoà Thành. Văn Quý kể: “Tôi nhớ nhất là ngày đổ bê tông cho Nhà văn hoá dân tộc Khmer. Khi ấy, mọi người đã trộn sẵn xi măng thì cơn mưa bất chợt ập tới. Chúng tôi phải dầm mưa để hoàn thành công trình”.
Sinh viên Trường cao đẳng Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh thực hiện khu trò chơi thiếu nhi bằng vật dụng tái chế.
Và còn cả những trải nghiệm lần đầu khi các bạn tự tay thiết kế, mua vật dụng làm hẳn một công trình vệ sinh cho hộ gia đình chính sách ở địa phương. Quý kể thêm: “Qua đợt tình nguyện này, tôi mới biết bản thân còn có cả khiếu làm xây dựng. Đối với chúng tôi, đó là những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ”.
Mùa hè xanh đọng lại nhiều ký ức khó quên trong lòng mỗi bạn trẻ; và hơn cả đó là trải nghiệm của một tập thể cùng đồng lòng vượt qua những trở ngại. Các bạn trẻ học lấy những bài học về việc biết hạ thấp cái tôi cá nhân vì những mục tiêu chung của tập thể, cùng nhau chia sẻ các công việc hậu cần, phân chia tổ nhóm thực hiện từng phần việc theo kế hoạch. Bài bản là như thế, nhưng vẫn có những sự cố dở khóc dở cười.
Sinh viên tình nguyện sửa chữa nhà cho hộ người già neo đơn.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của các chiến sĩ Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tại mặt trận xã Phan, huyện Dương Minh Châu là ngày đầu tiên đội hậu cần phải nấu ăn cho cả đội 24 người. Do không ai có kinh nghiệm nấu ăn với số lượng lớn như vậy nên cuối cùng thành phẩm của các bạn trẻ là một nồi cơm nhão phải “chữa cháy” bằng cách đem đi chiên. Cũng chính nhờ những vụng về thú vị ấy mà các bạn có thêm một kỷ niệm đáng nhớ, để rồi đồng cảm với nhau hơn.
Sinh viên tình nguyện Trường đại học Cảnh sát Nhân dân sửa chữa nhà cho hộ người già neo đơn.
Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, các bạn sinh viên tình nguyện đã vượt qua và hoàn thành những mục tiêu của chiến dịch. Mùa hè xanh với tuổi trẻ còn là kỳ học thực tế, chứa đựng những bài học quý báu mà hết giảng đường không thể truyền đạt được. Chỉ có trải nghiệm, dũng cảm, dám thử thách mới giúp các bạn hoàn thiện bản thân và dần trưởng thành.
Hoà Khang