BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đồng hành cùng cuộc cách mạng đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc 

Cập nhật ngày: 06/09/2024 - 16:20

BTNO - Mặt trận Việt minh thu hút được mọi giới đồng bào yêu nước, từ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản đến tư sản dân tộc, phú nông và một số địa chủ nhỏ có tinh thần yêu nước, đưa tới cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật của toàn dân ta trong những năm 1941-1945.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiền thân là Hội Phản đế đồng minh, được thành lập ngày 18/11/1930. Bước sang giai đoạn đấu tranh chuẩn bị giành chính quyền là sự thành lập của Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) (19/5/1941). Mặt trận Việt minh thu hút được mọi giới đồng bào yêu nước, từ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản đến tư sản dân tộc, phú nông và một số địa chủ nhỏ có tinh thần yêu nước, đưa tới cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật của toàn dân ta trong những năm 1941-1945.

Theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn, ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đến cao trào tiến công và nổi dậy đầu xuân Mậu Thân (1968) Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt nam ra đời (20/4/1968).

Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc diễn ra từ ngày 5-10/9/1955 tại Hà Nội, quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội. (Ảnh tư liệu)

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam đã luôn hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nhau tạo nên một sức mạnh không gì lay chuyển nổi của khối đại đoàn kết dân tộc, và đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện thống nhất nước nhà.

Sau khi Việt Nam thống nhất, lãnh đạo của 3 tổ chức chính trị ngoại vi hợp pháp đang tồn tại ở Việt Nam gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã họp từ 31/01 đến 04/02/1977 tại thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất ba tổ chức thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Có thể nói, trong từng giai đoạn lịch sử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những hình thức, tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ, nhưng đặc trưng, bản chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kịp thời động viên, khích lệ và dẫn dắt nhân dân, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

* Phát huy truyền thống vẻ vang trên quê hương Tây Ninh

Ở Tây Ninh, tháng 4/1945, trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thành lập tổ chức cơ sở Việt Minh và dần lan rộng, phát triển thành Mặt trận Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng tỉnh, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp được quần chúng rộng rãi, tạo thành đội quân chính trị đông đảo vùng lên khắp trong tỉnh, cùng với cả nước, thực hiện cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Tây Ninh thắng lợi rực rỡ.  

Trải qua các thời kỳ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh dù với nhiều tên gọi, hình thức tổ chức và hoạt động khác nhau như: Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Tây Ninh, Ban Dân vận và Mặt trận tỉnh, đến năm 1982 tỉnh Tây Ninh tách Ban Dân vận và Mặt trận thành 2 cơ quan độc lập như hiện nay (Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh).

Qua các giai đoạn cách mạng, dù với tên gọi nào, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đều có một mục đích chung là tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân đoàn kết tham gia vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ, giữ gìn nền độc lập, góp sức xây dựng quê hương Tây Ninh phát triển.

Trung thành với tôn chỉ, mục đích hoạt động, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, đồng bào tôn giáo, dân tộc, nhân sỹ, trí thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.

Trong đó, riêng nhiệm kỳ 2024 – 2029, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động giúp đỡ 19.613 hộ gia đình khó khăn, hộ chính sách; vận động nhân dân hiến trên 75.134m2 đất làm đường; nâng cấp, sửa chữa 2.014km đường giao thông nông thôn; đóng góp trên 35.600 ngày công lao động.

Vận động, tập trung các nguồn lực xây mới 1.577 căn nhà đại đoàn kết, sửa 239 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn về nhà ở; hỗ trợ người nghèo khám và chữa bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học; đặc biệt là hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho 19.613 hộ…, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 từ 1,81% xuống còn 0,65% (năm 2023).

Ngoài ra, thông qua việc tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” định kỳ hằng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng đã biểu dương, khen thưởng hơn 36.000 tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Đồng chí Đặng Minh Luỹ - Phó Chủ tịch thường trực (nữ mặc áo dài xanh) thay mặt Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh nhận Cờ thi đua do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng.

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã cùng hệ thống chính trị nỗ lực thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm góp phần hạn chế, không để dịch bệnh lây lan; phát động kêu gọi đóng góp ủng hộ các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, khó khăn... qua đó đã vận động tiền mặt và hiện vật với tổng giá trị 114,2 tỷ đồng; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả để chăm lo cho người nghèo, người bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 như: Trụ ATM gạo,  “Siêu thị online 0 đồng”, Chương trình “10.000 bánh tét, bánh ú, bánh ít - Chia sẻ yêu thương”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Chuyến xe thực phẩm 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Trao thực phẩm cho bà con vùng phong tỏa tạm thời”, chuyến xe “Hãy ở yên, chúng tôi đến tận nhà", hoạt động Đi chợ giúp dân"; hỗ trợ lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng chống, dịch...

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng chủ động, tích cực trong tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong 05 năm qua đã đóng góp 45 ý kiến đối với văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; góp ý 68 dự thảo văn bản của Đảng; góp ý 55 dự thảo Luật, 351 dự thảo văn bản của tỉnh; thực hiện Thông báo xây dựng chính quyền định kỳ 2 lần/năm, đưa ra 32 nội dung kiến nghị đối với HĐND, UBND tỉnh; giám sát 33 cuộc kiến nghị 143 nội dung, phản biện xã hội 18 dự thảo văn bản, có 110 ý kiến phản biện; phối hợp tổ chức 05 hội nghị tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, tổng hợp 195 lượt ý kiến Nhân dân…, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong sạch, vững mạnh.

Kỷ niệm 69 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh nói riêng đã khẳng định vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của mình, là ngôi nhà chung tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.

Triều Anh