Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đồng khởi Tua Hai và anh hùng Bùi Văn Thuyên
Thứ năm: 17:30 ngày 12/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Anh hùng LLVTND Bùi Văn Thuyên là một trong số ít những người tham gia trận đánh chiếm thành Tua Hai còn sống đến nay.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Bùi Văn Thuyên là một trong số ít những người tham gia trận đánh chiếm thành Tua Hai còn sống. Năm nay, ông đã 80 tuổi, sức khỏe giảm sút, nhưng ký ức về một thời Tua Hai rực lửa, ông vẫn còn nhớ như in.

Chiều 11.12, chúng tôi đến ấp Sa Nghe, xã An Cơ, huyện Châu Thành tìm thăm nhưng anh hùng Bùi Văn Thuyên không có ở nhà. Vợ ông cho hay ông vừa đi uống cà phê với người cháu ở quán nước ngoài đầu đường. Bà gọi điện thoại báo, một lúc sau ông điều khiển xe gắn máy trở về. Chân đi dép, quần áo giản dị. Nếu không biết nhau trước, khó ai có thể tin một Anh hùng LLVTND nổi tiếng lại bình dân đến thế.

Đẩy xe vào nhà xong, ông tươi cười bắt tay tôi, mời ngồi vào bàn trà và chia sẻ, “Mấy lúc nắng nóng như thế này, những miểng đạn còn ghim trên đầu hành tôi dữ lắm, đội nón bảo hiểm càng nhức đầu hơn”. Ông chỉ cho tôi xem trên trán, sau ót ông còn một số miểng đạn ghim chặt vào đó, đến nay, những vết thương này thành khối u lồi ra rõ rệt.

Ông kể, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, từ thời niên thiếu, chứng kiến cảnh quê hương bị giày xéo bởi bom đạn, trong lòng ông vô cùng căm phẫn. Năm 18 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng và được giao nhiệm vụ thâm nhập vào thành Tua Hai để nắm tình hình hoạt động trong đồn.

Thành Tua Hai (thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành hiện nay) là cứ điểm quan trọng của quân nguỵ, nơi đóng quân của một trung đoàn nguỵ, là trại huấn luyện biệt kích và kho vũ khí dự trữ cho cả vùng.

Ông Thuyên xin vào làm lính trong thành để có điều kiện nắm bắt được cách bố trí các kho vũ khí, số lượng quân lính và quy luật hoạt động trong thành.

Đêm 25 rạng 26.1.1960, lực lượng cách mạng nổ súng tấn công thành  Tua Hai, 2 kho vũ khí nhanh chóng bị quân cách mạng chiếm giữ khiến địch trở tay không kịp nên sớm đầu hàng. Sau trận đánh ấy, ông Thuyên chuyển ra vùng căn cứ cách mạng hoạt động và được cử đi học lớp huấn luyện đặc công. Năm 1964, ông được điều về làm Xã đội phó xã Thái Bình.

Giữa năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và đến Tây Ninh xây dựng căn cứ quân sự ở Trảng Lớn, ngay trên địa bàn ông Thuyên phụ trách. Ông Thuyên liền nghiên cứu quy luật hoạt động và xây dựng phương án đánh Mỹ cho toàn đội du kích. Qua trận đánh đầu tiên, đội du kích do Bùi Văn Thuyên chỉ huy diệt được 8 tên Mỹ. Từ đó, phong trào đánh Mỹ trong toàn huyện Châu Thành phát triển rầm rộ, mà xã Thái Bình là ngọn cờ đầu.

Trong những năm 1969 - 1970, tình hình căng thẳng, Mỹ - Nguỵ đánh phá ác liệt. Để đảm bảo cho toàn đơn vị và sẵn sàng chiến đấu, ông Thuyên phát động anh em du kích đào hầm bí mật ở khắp nơi để đánh giặc. Lúc này, điều kiện đạn dược thiếu, ông Thuyên cùng du kích nhặt những trái đạn lép của giặc về chế thành trái nổ. Ngày 4.10.1969, Mỹ đưa quân tấn công vào Sa Nghe, trước tình hình đó Chi bộ bàn cách đánh Mỹ nhưng cũng phải bảo tồn được lực lượng. Ông Thuyên đề nghị rút khỏi căn cứ, chỉ để lại ít người cho dễ cơ động chiến đấu, ý kiến này được chi bộ tán thành. Ông Thuyên xung phong cùng với 1 du kích khác ở lại chiến đấu.

Trận đánh ác liệt nhất mà ông Thuyên còn nhớ như in là trận đánh ở Bàu Sen. Theo lời ông kể: “Tháng 4.1970, bất ngờ địch tấn công vào Bàu Sen. Anh em trong đơn vị bị thương khá nhiều. Lực lượng du kích xã tham gia tải thương gần hết. Tôi liền tổ chức thành tổ “tam tam” đánh bọn Mỹ. Anh Sơn dùng B40, anh Mười Quảng xài cạc-bin, tôi giữ cây súng cối M79 với 32 viên đạn.

Cả ba người cùng tiến ra ngoài với quyết tâm không để địch vào cứ. Anh Quảng đi đầu, trúng đạn hy sinh. Tôi bị một trái M79 hất văng ra hơn 4 mét, ngất xỉu. Lúc tỉnh dậy thấy ruột lòi ra ngoài, tôi lấy tay móc mảnh đạn ra, nhét ruột vào và lấy khăn rằn buộc chặt lại. Một tay ôm bụng, một tay cầm M79 tôi vừa lết vừa bắn liên tiếp 31 quả đạn, ném hai quả lựu đạn, quân địch mới chịu rút lui.

Sau trận chiến đó, tôi chống cây M79 làm gậy lết về cứ. Đi được vài chục mét lại xỉu vì máu ra nhiều. Lúc đó ác liệt quá. Địch dùng máy bay thả bom, dùng pháo bắn nát cả khu rừng. Tui ngất đi, tỉnh dậy thấy đất đá, cành lá phủ kín người. Bị thương lúc hơn 7 giờ sáng nhưng đến 12 giờ đêm tui mới lết được về đến cứ. Về đến nơi, anh em dưới hầm cấp tốc đưa vào Bệnh viện K77 ở Lò Gò Xóm Giữa điều trị. Lúc đó, tôi mới biết mình bị đứt 7 khúc ruột, gãy ba xương sườn, phải nằm viện hơn 5 tháng”, ông Thuyên nói.

Ông Bùi Văn Thuyên vui thú với vườn hoa lan của mình.

Trận đó, ông Thuyên tiêu diệt 45 lính Mỹ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Năm 1971, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ông Thuyên không nhớ hết mình đã tham gia bao nhiêu trận đấu, ông chỉ nhớ mình đã có 9 lần bị thương, với 72 vết thương trên người, xếp hạng thương binh bậc ¼.

Ông vén quần cho tôi xem một trong những vết thương bị bể xương bánh chè ở đầu gối chân phải. Hậu quả là mấy chục năm nay, ông đi đứng khó khăn và không thể nào co chân lại như người bình thường được. Trên đầu ông cũng còn nhiều miểng đạn ghim vào. Mỗi khi thời tiết thay đổi, nóng quá hay lạnh quá thì những vết thương này cũng hành hạ khiến ông đau nhức, rất khó chịu.

Sau ngày miền Nam giải phóng (30.4.1975), ông Thuyên được phân công công tác ở Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh. Đến năm 1979, ông xuất ngũ, trở về gia đình, cùng vợ làm rẫy nuôi con. Tính đến nay, 10 người con của vợ chồng ông đã lớn khôn, hầu hết đều lập gia đình ra ở riêng, trong đó có 1 người con trai và 3 người con gái theo đường “binh nghiệp”.

Gia đình ông Thuyên đang thờ cúng 5 liệt sĩ, trong đó có ông Bùi Xuân Quyên là em trai kế của ông Thuyên. Tên của ông Bùi Xuân Quyên được vinh dự lấy đặt tên cho một trường tiểu học ở ấp Sa Nghe. 10 năm trước, Bộ CHQS tỉnh đã trao tặng cho gia đình ông Thuyên căn nhà đồng đội trị giá 174 triệu đồng, do Quân khu 7, Tỉnh ủy Tây Ninh, UBND huyện Châu Thành, Bộ CHQS tỉnh, Công ty Viettel chi nhánh Tây Ninh và Công ty TNHH MTV 22.12 đóng góp.

Người chiến sĩ anh dũng, gan dạ Bùi Văn Thuyên năm nào, nay tuổi đã cao, tóc đã bạc. Ngày ngày ông chăm sóc hoa kiểng, gặp gỡ cà phê cùng bạn bè, người thân, hưởng cuộc sống an yên, bình dị, vui vẻ, hạnh phúc.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục