BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đồng lòng tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế

Cập nhật ngày: 20/05/2009 - 05:56

Trước các thách thức lớn tác động đến kinh tế - xã hội nước ta, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và mọi người dân phải đồng lòng dốc sức, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là ngăn chặn suy giảm kinh tế...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII sáng 20.5.2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, kể từ kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XII đến nay, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp theo chiều hướng suy giảm.

Ở trong nước, do chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới, các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư, giải quyết việc làm, thu ngân sách… gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những khó khăn, yếu kém trong nước và những tác động tiêu cực từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu còn tác động rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội nước ta, đòi hỏi sự đồng lòng dốc sức, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Cũng tại phiên khai mạc, thay mặt Uỷ ban kinh tế và Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội, trình bày ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền bày tỏ nhất trí, nhiệm vụ trọng tâm từ nay tới cuối năm là cần tập trung ngăn chặn suy giảm và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Do vậy, Uỷ ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết số 23/2008/QH12 để phù hợp tình hình mới, cụ thể là: “Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế”.

Đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh 4 chỉ tiêu kinh tế và phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu cũng được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tán thành.

Cụ thể, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ 6,5% còn 5,0%, bội chi ngân sách tối đa 8,0% (chỉ tiêu trước là 5%), chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống 3%, điều chỉnh chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống dưới 10% (tức là khống chế ở mức một con số).

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo phân tích làm rõ cơ sở và tính thực tế của việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5% để Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ cũng cần rà soát, tính toán khả năng thu, chi ngân sách để xác định mức bội chi cụ thể cần thiết theo xu hướng giảm tối đa bội chi ngân sách và thực hiện được các giải pháp chống suy giảm kinh tế.

Việc điều chỉnh các chỉ tiêu có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cơ sở để định hướng chính sách kinh tế vĩ mô, phù hợp với mục tiêu tổng quát là “tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế”.

Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị, gói giải pháp kích thích kinh tế cần tập trung nhiều hơn cho kích cầu đầu tư trên cơ sở khai thác lợi thế của đất nước về nhu cầu đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với những địa chỉ cụ thể có khả năng giải ngân nhanh, sớm hoàn thành công trình, dự án đưa vào sử dụng trong năm 2009 và 2010, trong đó chú trọng tới đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn là khu vực có khả năng hấp thụ vốn và tạo hiệu ứng lan toả nhanh.

Tiền đầu tư cũng như tiền hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, các doanh nghiệp phải được giải phóng nhanh nhất để kịp thời giúp các đối tượng này tháo gỡ khó khăn. Các thành viên Uỷ ban Kinh tế đề nghị gói kích thích kinh tế phải bảo đảm nguyên tắc “ngắn hạn” và cần phải định khung thời gian cho các hạng mục chi trong gói kích thích kinh tế trên cơ sở phân tích dự báo khả năng phục hồi của nền kinh tế và đánh giá tiến độ giải ngân của các hạng mục chi này.

(Theo chinhphu.vn)