BAOTAYNINH.VN trên Google News

Động lực tăng trưởng mới

Cập nhật ngày: 16/09/2022 - 10:49

Tại hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, diễn ra ngày 12-9, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng trong bối cảnh hiện tại và trong dài hạn 5-7 năm tới, cần một cách tiếp cận động lực tăng trưởng mới theo vùng kinh tế.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, miền Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Hồng chiếm 60% GDP cả nước, nếu thúc đẩy 2 vùng này tăng trưởng 9-10% thì cả nước sẽ tăng trưởng 7-8%. Khi 2 vùng kinh tế này đổi mới mô hình tăng trưởng thì cả Việt Nam sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng; ngược lại tái cơ cấu nền kinh tế sẽ vẫn dậm chân tại chỗ.

Đây cũng là quan điểm được đưa ra khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một là phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng. Hai là phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tứ giác thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng.

Ngoài ra có các hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp đô thị chính tập trung hình thành theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Vậy làm thế nào để thúc đẩy động lực tăng trưởng vùng? Có lẽ trước hết cần làm tốt liên kết vùng.

Thực tế, liên kết vùng đã được đặt ra trong nhiều năm qua, gồm phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái, xã hội và không gian chính sách, thể chế để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho vùng, quốc gia, làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vùng liên kết bổ trợ lẫn nhau và thống nhất hơn, nhờ đó dễ dàng đạt được mục tiêu chung so với việc tập trung vào một cá thể duy nhất. Tuy nhiên, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển và dẫn dắt đối với địa phương, các vùng khác. Sự phát triển giữa các vùng kinh tế trọng điểm, giữa các tỉnh, thành phố cũng chưa đồng đều.

Nguyên nhân là do nhận thức về liên kết phát triển trong các vùng kinh tế còn hạn chế; chưa nhận định rõ đó là phương thức để tạo ra các mũi nhọn, các cực tăng trưởng... Bên cạnh đó, các quy định về liên kết còn chung chung nên khó triển khai; thiếu bộ máy cấp vùng để thực thi, giám sát và điều phối. Vì vậy, điều quan trọng nhất lúc này là cần chế tạo ra sự liên kết vùng chặt chẽ hơn. Hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức điều tiết, quản lý, liên kết vùng.

Cùng với định hướng cần phải có giải pháp đột phá phát triển hạ tầng, mạng lưới giao thông, năng lượng, viễn thông… gắn với hình thành các hành lang kinh tế và xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực và cực tăng trưởng. Phải có hệ khuyến khích đầu tư mới để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước vào vùng trọng điểm phát triển, nhằm tạo ra động lực tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Sự gắn kết chặt chẽ trong vùng, từ điều phối, phân công đến hỗ trợ giữa các địa phương, chính là động lực để vùng phát triển. Vùng kinh tế phát triển chính là động lực tăng trưởng mới đưa cả nước cùng phát triển.

Nguồn hanoimoi