Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026:
Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân
Thứ năm: 23:16 ngày 25/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phóng viên: Xin ông cho biết quy trình thực hiện việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026?

Ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được ấn định vào chủ nhật, 23.5.2021. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử được thực hiện theo quy trình chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

Theo đó, việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử để thoả thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn lập danh sách chính thức nhằm bảo đảm dân chủ, lựa chọn được người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2021. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân, là dịp để cử tri lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp.

Để tìm hiểu thêm về công tác bầu cử, Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi với ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Hội nghị hiệp thương được tiến hành 3 lần. Về thời gian, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 17.2.2021; hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND diễn ra từ ngày 15-19.3.2021; hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực hiện từ ngày 14-18.4.2021.

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực hiện sau khi kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Sau hiệp thương lần thứ ba sẽ tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

Phóng viên: Những điểm mới trong bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 lần này là gì, thưa ông?

Ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Có ba điểm mới trong bầu cử lần này là, quy định về thời gian Thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đến Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.

Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định.

Về nội dung trình tự, dự kiến người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở ấp, khu phố có điểm mới là Trưởng Ban công tác Mặt trận phối hợp với chi hội trưởng các đoàn thể họp với bí thư chi bộ, trưởng ấp, khu phố để dự kiến người của ấp, khu phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

So với kỳ bầu cử trước, hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú lần này quy định thời gian sinh sống thường xuyên liên tục 6 tháng trở lên, không quy định việc xác định lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Hội nghị lấy ý kiến nhận xét cử tri lần này có điểm mới: trường hợp dự kiến ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác.

Những trường hợp giới thiệu người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ tại hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Phóng viên: Ông có thể cho biết những quy định về việc ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và những trường hợp không được phép ứng cử?

Ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Điều 35 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định, công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.

Người tự ứng cử nộp hồ sơ ứng cử về Uỷ ban Bầu cử hoặc Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đến 17 giờ ngày 14.3.2021.

Việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội được luật quy định như sau: người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Ở địa phương, người được giới thiệu ứng cử- ngoài các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên, có thêm đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương và người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Uỷ ban Bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên.

Người ứng cử đại biểu HĐND nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại Uỷ ban Bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó. Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu HĐND tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu HĐND ở một cấp.

Những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; người đang chấp hành hình phạt tù; người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị khởi tố bị can; người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Toà án; người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Toà án nhưng chưa được xoá án tích; người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Phóng viên: Xin ông cho biết, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 như thế nào?

Ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Công tác tham gia bầu cử của Mặt trận Tổ quốc được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015.

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc tham gia công tác bầu cử như sau: tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri, hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; tổ chức các hoạt động giám sát bầu cử; công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư về bầu cử; tổ chức tuyên truyền, vận động về bầu cử để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thực hiện xong bước thứ nhất trong công tác bầu cử là tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử thực sự dân chủ, khách quan, đúng luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng, chất lượng người được giới thiệu. Sau khi HĐND các cấp có văn bản chính thức về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ thông báo đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện quy trình giới thiệu người ra ứng cử, đồng thời thông báo rộng rãi để người tự ứng cử nộp hồ sơ ứng cử.

Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền; theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác bầu cử tại các địa phương; triển khai tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử theo quy định.

Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với hệ thống chính trị tổ chức tốt cuộc bầu cử để góp phần tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Tiến Hưng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục