BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án Luật dân quân tự vệ: Tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh trong mọi hoàn cảnh

Cập nhật ngày: 05/06/2009 - 06:24

Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 5.6, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Dân quân tự vệ và một số dự án luật khác.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình Dự án Luật Dân quân tự vệ

Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Dân quân tự vệ nêu rõ, sau 12 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân quân tự vệ đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng dân quân tự vệ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, vướng mắc, nhất là xây dựng lực lượng tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, dân quân tự vệ biển; chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ trong huấn luyện và hoạt động…

Để khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Dân quân tự vệ, đồng thời trước các yêu cầu trong tình hình mới, việc xây dựng, ban hành Luật Dân quân tự vệ là cần thiết.

Luật Dân quân tự vệ được ban hành sẽ góp phần xây dựng lực lượng dân quân tự vững mạnh, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về dân quân tự vệ; hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…

Tán thành với nội dung của dự thảo Luật, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (UB) cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét một số những nội dung cụ thể trong Dự thảo Luật như: giải thích các khái niệm “dân quân tự vệ cơ động”, “dân quân tự vệ tại chỗ”, “dân quân tự vệ thường trực” tại Điều 3 của dự thảo Luật cho rõ hơn để tránh hiểu lầm trong dân quân tự vệ có nhiều lực lượng.

Khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật quy định “Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt là 4 năm”. Vấn đề này, Báo cáo thẩm tra cho biết nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt chỉ nên từ 2 đến 3 năm, nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần kéo dài thêm.

Điều 33, Điều 34 về bồi dưỡng, tập huấn cán bộ và huấn luyện dân quân tự vệ. UB thấy rằng, hai nhóm đối tượng cán bộ thuộc Ban chỉ huy quân sự các cấp và chỉ huy các đơn vị dân quân tự vệ có chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu chất lượng khác nhau. Do đó, cần phải xác định rõ thời gian bồi dưỡng cho phù hợp với từng đối tượng. Về quy định huấn luyện nâng cao như trong dự thảo Luật là khó khả thi, gây tốn kém.

Ngoài ra, đối với việc sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí (khoản 2 Điều 44). UB thấy rằng, đối với lực lượng vũ trang nói chung và dân quân tự vệ nói riêng cần phải có quy định về quyền nổ súng để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến quyền nổ súng của lực lượng vũ trang đều chỉ quy định chung là được quyền nổ súng theo quy định của pháp luật.

* Buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe Tờ tình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Viễn thông và Dự án Luật Tần số vô tuyến điện.