BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án “quy hoạch phát triển ngành nghề ở nông thôn”: Thực tế không đơn giản

Cập nhật ngày: 09/04/2010 - 05:36

Mục tiêu của Dự án là bảo tồn và phát triển một số làng nghề truyền thống, đồng thời xây dựng, hình thành và phát triển các làng nghề mới gắn với lợi thế của từng địa phương...

Trung tuần tháng 6.2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) mở hội nghị công bố Quyết định số 26/2009/QĐ-UBND, ngày 27.5.2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Dự án “Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020”. Nội dung quyết định này cho biết: Mục tiêu của Dự án là bảo tồn và phát triển một số làng nghề truyền thống, đồng thời xây dựng, hình thành và phát triển các làng nghề mới gắn với lợi thế của từng địa phương làm cơ sở xây dựng các chương trình kinh tế kế hoạch cho phát triển ngành nghề nông thôn (NNNT) kết hợp với phát triển thương mại du lịch trên địa bàn tỉnh.

Các mục tiêu cụ thể của dự án xác định: Nâng tỷ trọng lao động ngành nghề nông thôn (NNNT) lên từ 6-8% trong tổng lao động xã hội, góp phần tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người từ NNNT đến năm 2015 tăng gấp 1,85-1,9 lần so với năm 2007; đạt từ 17-18 triệu đồng/người/năm (tính riêng lĩnh vực NNNT), đến năm 2020 đạt 22,6 triệu đồng/người/năm... Nội dung quy hoạch chủ yếu: Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống: làm bánh tráng, mây tre đan, làm nhang, mộc gia dụng; bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống: Làm bánh tráng ở Trảng Bàng; mây tre đan ở xã An Hoà (Trảng Bàng), xã Long Thành Bắc (Hoà Thành), làm nhang xã Long Thành Bắc; mộc gia dụng xã Hiệp Tân (Hoà Thành). Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch; phát triển các làng nghề mới như sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh, chế biến bảo quản rau, hoa, quả. Xây 9 dự án ưu tiên đầu tư phát triển NNNT trên địa bàn tỉnh. Khái toán tổng vốn đầu tư của Dự án là 387,057 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế của Dự án, đến năm 2015 tổng giá trị sản lượng NNNT đạt 656,65 tỷ đồng. Đến năm 2020 giá trị sản lượng đạt 1.114 tỷ đồng.

Thế nhưng, cho đến nay Dự án này vẫn chưa được triển khai vì còn gặp không ít khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT cho biết, những khó khăn cụ thể là: Về mặt chủ quan có sự thay đổi nhân sự trong Ban chỉ đạo thực hiện Dự án của tỉnh. Về khách quan: sản phẩm ngành nghề nông thôn tỉnh ta vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ mới của các địa phương khác. Việc phát triển NNNT phải gắn với bảo vệ môi trường, trong khi đó do công nghệ lạc hậu đa số các nghề nông thôn khi sản xuất thường gây ra ô nhiễm môi trường. Muốn phát triển ngành nghề phải thay đổi công nghệ theo quy hoạch chung của tỉnh. Về vùng nguyên liệu phục vụ cho NNNT ngày càng cạn kiệt. Như diện tích đất trồng tre, tầm vông ngày càng hẹp dần để nhường chỗ cho các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, từ đó làm cho nghề mây tre đan gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu, hoặc phải mua nguyên liệu giá cao ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Hầu hết các cơ sở đều thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ phát triển ngành nghề. Việc tiếp cận nguồn vốn của các cơ sở sản xuất NNNT đang gặp khó khăn. Xuất phát điểm NNNT của tỉnh ta còn thấp, còn mang tính tự phát chưa đa dạng, phong phú về chủng loại, kém sức cạnh tranh trên thị trường. Một số ngành chức năng chưa quan tâm đến lĩnh vực NNNT; chưa tạo mọi điều kiện thuận lợi để NNNT phát triển. Các sản phẩm của ta chưa “nổi tiếng”, chất lượng không ổn định, sức cạnh tranh kém so với sản phẩm cùng loại ở địa phương khác. Về trình độ năng lực sản xuất kinh doanh của các cơ sở còn thấp kém; khả năng tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật còn gặp khó khăn…

Cần bảo tồn và phát triển nghề làm bánh tráng ở Trảng Bàng.

Ông Nguyễn Thái Sơn cho biết thêm: Để triển khai thực hiện Dự án “Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020”, hướng tới tỉnh sẽ củng cố Ban Chỉ đạo. Sau khi củng cố Ban Chỉ đạo sẽ họp triển khai kế hoạch quy hoạch hằng năm và quy hoạch 5 năm. Khi triển khai thực hiện Dự án phát triển NNNT, UBND các huyện, thị xã là chủ đầu tư, tuỳ theo ngành nghề trên địa bàn mình mà lập các dự án cho từng ngành nghề. Các sở, ngành tỉnh tuỳ vai trò tham gia hỗ trợ. Sở NN & PTNT tham mưu đề xuất với UBND tỉnh việc áp dụng các chính sách khuyến khích phát triển NNNT theo Quyết định 66 của Chính phủ và Thông tư 113 của Bộ Tài chính. Đồng thời hướng dẫn các huyện, thị lập các dự án ưu tiên đầu tư. Sở Kế hoạch -Đầu tư hằng năm bố trí vốn, thẩm định các dự án. Sở Lao động-Thương binh -Xã hội phối hợp với ngành Nông nghiệp và các huyện, thị xây dựng kế hoạch đào tạo nghề; chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu ở các NNNT. Sở Công Thương, mà trực tiếp là Trung tâm Khuyến công tỉnh có kế hoạch hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở sản xuất phát triển NNNT. Sở Khoa học-Công nghệ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển sở hữu trí tuệ cho các đặc sản của tỉnh. Ngân hàng Chính sách xã hội có kế hoạch cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ưu đãi để phát triển NNNT. Đặc biệt là các cơ sở sản xuất phải phát huy nội lực, chủ động mở rộng liên kết hợp tác, đổi mới thiết bị công nghệ, mẫu mã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Có như thế NNNT mới có khả năng phát triển bền vững.

D.H