Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Du học xứ kangaroo: lưu ý 'tiếng Anh kiểu Úc'
Thứ tư: 11:50 ngày 17/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dù có chứng chỉ IELTS 7.0 nhưng du học sinh Việt mới sang Úc có thể sẽ không nghe được người bản xứ nói; khi viết bài luận, du học sinh Việt thường hay 'đi lòng vòng' khiến giảng viên không hiểu gì...


Huỳnh Bảo Trung và bạn bè tại Úc - Ảnh: NVCC

Đó là những lưu ý của du học sinh Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Trường ĐH Queensland) và Huỳnh Bảo Trung (Trường ĐH Melbourne) khi chia sẻ kinh nghiệm du học ở xứ kangaroo.

Chật vật với “tiếng Anh kiểu Úc”

Dù “lận lưng” chứng chỉ IELTS 7.0 nhưng lúc mới sang Úc, Nguyễn Thị Minh Nguyệt vẫn không nghe được người bản xứ nói gì.

“Học kì đầu của mình khá chật vật vì không thể hiểu được bài giảng của thầy cô. Cách tốt nhất để cải thiện tiếng Anh - Úc chính là kết bạn và giao tiếp thật nhiều với người bản xứ, hoặc tham gia vào các câu lạc bộ.

Nếu du học sinh Việt chỉ túm tụm lại với nhau nói chuyện với đồng hương chắc chắn tiếng Anh sẽ không khá lên được” - Nguyệt chia sẻ.

Nguyệt cũng “bật mí” cách đạt điểm cao trong các bài luận ở trường là nắm vững tiêu chí của đề cùng với “trích dẫn thật nhiều vào”.

Nguyệt nói: “Với mỗi đề bài, sẽ có một bản tiêu chí đánh giá. Bạn phải hiểu kĩ càng từng chữ của tiêu chí cũng như sự khác nhau giữa các mức độ điểm. Nếu không dù có viết hay đến bao nhiêu mà không đúng yêu cầu đưa ra, bạn cũng sẽ bị đánh rớt”.

Nguyệt cũng lưu ý hai nhược điểm mà du học sinh thường mắc phải khi làm bài luận ở trường chính là nói lòng vòng và sử dụng từ ngữ, ngữ pháp không chính xác.

“Ở Úc khi viết bài người ta đi thẳng vào vấn đề, viết 1 hiểu 1; còn người châu Á thường hay nói lòng vòng, kiểu viết 1 hiểu 10. Vì cách suy nghĩ khác nhau nên khi chấm bài giảng viên không hiểu mình đang viết gì cả.


Nguyễn Thị Minh Nguyệt: "Nếu du học sinh Việt chỉ túm tụm lại với nhau nói chuyện với đồng hương chắc chắn tiếng Anh sẽ không khá lên được" - Ảnh: NVCC

Khi viết xong bài, các bạn cũng nên sử dụng các phần mềm online như PaperRater để kiểm tra lại. Chúng có thể giúp bạn sửa bài, kiểm tra lỗi đạo văn, thậm chí là in đậm những đáp án có thể cải thiện bài luận” - Nguyệt nói thêm.

Để tiền ăn ở Úc tương đương… Sài Gòn

Về chuyện ăn uống, bạn Huỳnh Bảo Trung kể ở Úc có rất nhiều người châu Á nên bạn tha hồ chọn các món ăn ngon lành đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và cả Việt Nam. Tuy nhiên, ăn ở ngoài rất đắt nên nết biết cách tự nấu ăn sẽ rẻ hơn.

“Hồi ở Việt Nam mình có bao giờ đụng đến bếp núc đâu. Nhưng qua đây để tiết kiệm mình “xử” tuốt mọi thứ từ đi chợ chọn hoa quả, cá, thịt đến bắc bếp nấu nướng. Tiền ăn mỗi tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng, tương đương với hồi mình học ở Sài Gòn” - Trung nói.

Còn để tìm nhà giá rẻ ở Úc, theo Trung là chọn thuê nhà ở những vùng ven. Trong thành phố người đi làm và đi học tập trung đông nên giá khá chát. Lúc mới sang, dù đã share tiền phòng với ba người bạn nhưng Trung cũng phải tốn mất 10 triệu đồng cho một tháng thuê phòng trong nội thành.

Hiện tại, khi chuyển ra vùng ven, với khoảng 5 triệu đồng một tháng, Trung sống một mình trong một căn nhà khá rộng rãi. Những fanpage dành cho du học sinh Việt Nam tại Úc, hay các trang web của trường đại học là những địa chỉ lý tưởng để các bạn du học sinh tìm nhà với giá cả phải chăng.

Trung kể có một điều đặc biệt là thời tiết ở Úc ngược với Việt Nam. Lúc Việt Nam đang rạo rực đón Tết thì sinh viên Úc lại lục tục bước vào kì nghỉ hè. Nhưng mùa hè ở Úc thì nóng cực, nhiệt độ lúc nào cũng trên 40 độ. Nên cứ đến thời điểm này, mọi người lại kéo nhau bay ra khỏi Úc đi du lịch. Giá vé máy bay cứ thế tăng lên, vé rẻ nhất cũng đã khoảng 25-30 triệu đồng (khứ hồi). 

“Nếu không muốn bó gối ở xứ lạ nhìn bạn bè mình ăn bánh tét, cắn hột dưa ở Việt Nam thì có một cách là săn… vé máy bay giá rẻ. Chịu khó lên mạng tìm tòi bạn sẽ mua được cặp vé khứ hồi chỉ với 7-8 triệu đồng, đó là mình mua sát ngày về chứ mua xa hơn thì giá còn rẻ hơn nữa. Mình hay săn vé của hãng Air Asia” - Trung cười kể thêm.

Gọi giáo sư bằng nickname: chuyện bình thường!

Văn hóa Úc khá phóng khoáng và cởi mở, theo nhận xét của Minh Nguyệt. Ở Mỹ, sinh viên phải gọi giáo sư bằng “Professor” hay “Mr” nhưng ở Úc thì có thể gọi thẳng tên hoặc thậm chí bằng nickname.

“Thầy của mình tên Benjamin thì mọi người gọi tắt là Ben, Daniel thì gọi là Dan, không câu nệ gì cả. Chúng mình vẫn dành cho họ những sự tôn trọng nhất định nhưng khi chuyện trò thì thoải mái như bạn bè. Nhưng chính điều này có thể làm cho nhiều bạn châu Á mới sang bị sốc.

Ở đây, người ta dùng nhiều từ mà ở nước khác bị xem là không lịch sự. Các sinh viên châu Á khi nghe thường có cảm giác khó chịu, như bị xúc phạm nhưng thật ra đó là điều bình thường”, Nguyệt cho biết.

Nguồn TTO

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục