BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự kiến áp thuế môi trường vào 5 loại hàng hoá

Cập nhật ngày: 15/03/2010 - 05:42

Túi nilon sẽ là sản phẩm dự kiến chịu thuế môi trường

Chiều 15.3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật thuế môi trường. Quá trình phát triển nền kinh tế đã làm phát sinh những yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển bền vững đang bị đe dọa.

Thuế đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm khi sử dụng

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, việc ban hành và thực thi chính sách về bảo vệ môi trường ở nước ta còn nhiều bất cập, các quy định về phí môi trường hiện hành (phí đối với nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản, phí xăng dầu), mới chỉ dừng lại ở mục tiêu huy động đóng góp một phần của những đối tượng xả thải hỗ trợ làm sạch thêm môi trường.

Trong các sắc thuế có liên quan như Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế xuất nhập khẩu, mục tiêu bảo vệ môi trường chỉ là mục tiêu lồng ghép, không phải là yêu cầu chính.

Vẫn theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, việc ban hành Luật này sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân trong sản xuất và tiêu dùng; tăng cường quản lý Nhà nước và thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế và động viên hợp lý đóng góp của xã hội với vấn đề môi trường hiện nay.

Việc thu thuế phải tính đến sự hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực cạnh tranh và xuất khẩu của hàng hoá; đồng thời phân biệt rõ thuế môi trường đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm khi sử dụng và phí bảo vệ môi trường đánh vào nguồn gây ô nhiễm khi sản xuất.

Theo đó, dự kiến các sản phẩm và hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế môi trường gồm: xăng dầu các loại, than, môi chất làm sạch chứa dung dịch hydro-clo-flo-carbon (HCFC – một tác nhân chính làm thủng tầng ozon), túi nhựa xốp (túi nilon), thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.

Dự thảo Luật cũng đưa ra một số hàng hoá, sản phẩm không chịu thuế môi trường  như hàng hoá vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua biên giới Việt Nam; hàng tạm nhập tái xuất trong thời hạn theo quy định; hàng hoá do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu.

Rạch ròi giữa “thuế và phí”

Góp ý cho dự thảo Luật, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phân tích: Cần làm rõ nội hàm khái niệm thuế đánh vào sản phẩm, hàng hoá gây ô nhiễm môi trường hay thuế đánh vào quy trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Cũng như vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cần phân biệt rõ ràng, thuế đánh vào nhà sản xuất hay tiêu dùng. Cụ thể, như xăng dầu các loại là đánh vào người tiêu dùng chứ không phải người sản xuất, như vậy có làm tăng giá xăng dầu trong nước và thành gánh nặng cho người tiêu dùng hay không?

 “Tôi cho rằng, nếu đã thu thuế môi trường rồi thì không thu phí nữa”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền kiến nghị.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận xét, có sự khác nhau về tính chất giữa thuế môi trường và phí môi trường. Nếu thuế được thu vào sản phẩm gây tác động xấu về môi trường khi sử dụng thì phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm khi sản xuất. Vì vậy, vẫn phải áp dụng cả phí môi trường và thuế môi trường ở những công đoạn khác nhau, đối tượng khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng cho rằng, dự thảo Luật đã quy định rõ ràng, phí đánh vào người sản xuất, thuế đánh vào người sử dụng.

Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khoá XII tới đây.

* Trước đó, trong phiên họp sáng 15.3, các đại biểu tập trung thảo luận về dự Luật thuế nhà, đất. Nhìn chung, các đại biểu đồng tình với việc chưa thu thuế nhà, nhưng còn nhiều ý kiến xung quanh việc có thu thuế với phần đất lấn chiếm hay không.

Không dễ kiểm soát diện tích, giá trị căn nhà

Dự luật này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp  thứ 6 Quốc hội khoá XII vừa qua. Để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới, UBTVQH đã chỉ đạo lấy ý kiến của đông đảo nhân dân, các chuyên gia, doanh nghiệp về dự Luật này.

Qua thăm dò, đa số ý kiến đề nghị chưa đưa nhà vào đối tượng chịu thuế, sau khi cân nhắc nhiều khía cạnh, UBTVQH cho rằng, trước mắt chưa nên đưa nhà vào đối tượng chịu thuế, chỉ giữ lại các quy định về áp dụng thuế đối với đất.

Về việc chưa đánh thuế nhà, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lý giải, Nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có tiền xây nhà, người dân người dân đã thực hiện các nghĩa vụ thuế khác. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân còn nhiều khó khăn, áp dụng thêm một sắc thuế nữa là không cần thiết.

Trên thực tế, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị căn nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi điều kiện chưa sẵn sàng. Mặt khác, nguồn thu từ thuế nhà vào ngân sách ước tính không đáng kể, trong khi đó chi phí công tác này lại không nhỏ.

Áp dụng 3  mức thuế suất với đất

Về mức thuế suất đối với đất, báo cáo giải trình của UBTVQH đồng tình với mức thuế suất như dự thảo luật. Theo đó, đối với diện tích đất trong hạn mức, thuế suất là 0,03%; đối với phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần thì mức thuế suất là 0,06%; đối với diện tích vượt trên 3 lần hạn mức thì thuế suất là 0,09%.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định các mức thuế suất trên không gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống của người nộp thuế, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo công bằng trong việc nộp thuế, hạn chế đầu cơ, điều tiết thu nhập, lành mạnh hoá thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, một trong các vấn đề thảo luận được nhiều đại biểu cho ý kiến là “đánh thuế đối với đất lấn chiếm, đất lưu không do lịch sử để lại đang được là thực trạng tràn lan ở các đô thị hiện nay”.

Đất lấn chiếm: Thu thuế hay không?

Cân nhắc việc không đánh thuế nhà.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm cần đánh thuế với những loại đất trên. “Không thể có chuyện vừa lấn chiếm đất của nhà nước, vừa không phải chịu thuế. Thu thuế phần đất lấn chiếm không phải là thừa nhận, hợp pháp hoá”, ông Hiển phân tích.

Có một cách nhìn khác về vấn đề này, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phân tích: Nếu áp thuế cả những phần đất lấn chiếm thì mặc nhiên thừa nhận sai phạm? Việc thu thuế này sẽ dẫn đến phá vỡ nguyên tắc của Luật Đất đai đang thi hành hiện nay, khi Luật này quy định “nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm đất đai của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

“Đất lấn chiếm là phải thu hồi và xử phạt nghiêm minh theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Không để xảy ra tình trạng luật này cấm, luật kia lại cho phép được”, ông Vượng đề nghị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nêu ra thực tế đất lấn chiếm được thu thuế và người dân đã giữ lại các hoá đơn nộp thuế này để về sau chứng minh quyền sở hữu khi có tranh chấp, khiếu kiện, giải phóng mặt bằng.

Từ thực tiễn này, ông Nam kiến nghị không thu thuế phần đất lấn chiếm và có quy định rõ ràng trong luật, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với quan điểm không đưa  việc đánh thuế phần đất lấn chiếm vào luật. Việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm cũng có lỗi của cơ quan quản lý, nay lại dồn về cho dân là chưa hợp lý, hợp tình.

“Việc ứng xử với phần đất lấn chiếm như thế nào còn phải nghiên cứu, bàn bạc sau”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Việc thu thuế phần đất lấn chiếm là cần thiết nhưng không có nghĩa là thừa nhận hành vi lấn chiếm đó của người vi phạm, người sử dụng đất phải chịu thuế là đương nhiên vì đây là vấn đề khá phổ biến ở các đô thị.

(Theo chinhphu.vn)