Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Du lịch y tế là một xu hướng đang bùng nổ, đặc biệt là ở các nước châu Á nơi có công nghệ y tế hiện đại nhất và bác sĩ điều trị là các chuyên gia hàng đầu. Du khách phải trả một chi phí tương đối khi điều trị, ngoài ra du khách còn được thư giãn và thậm chí có cơ hội tham quan khi sang nước ngoài.
Chi phí điều trị rẻ nhưng chất lượng cao nên Việt Nam là điểm đến chọn lựa của nhiều người bệnh nước ngoài. Ảnh minh họa
Trong khi nhiều người Việt Nam ra nước ngoài để khám chữa bệnh thì số lượt người từ các nước trong khu vực, kể cả từ Australia, Mỹ, Đức... sang Việt Nam chữa bệnh cũng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, số người Việt ở nước ngoài về thăm gia đình, kết hợp du lịch và khám chữa bệnh cũng tăng cao.
Tiềm năng lớn
Theo số liệu của Deloitte - hãng kiểm toán lớn của thế giới, ngành du lịch y tế trên toàn cầu hiện có trị giá không dưới 60 tỷ USD. Cũng theo hãng này, thời gian qua tại khu vực châu Á, doanh thu của lĩnh vực du lịch y tế rất khả quan, với mức tăng trưởng 20-30%/năm.
Năm 2017 được dự báo có sự thay đổi ở xu hướng du lịch, theo đó du khách không còn chuộng hình thức du lịch hưởng thụ theo kiểu “ăn no, ngủ kỹ” nữa, mà thay vào đó là du lịch kết hợp điều trị bệnh, hoặc sử dụng một dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng.
Theo ước tính của Công ty Nghiên cứu thị trường TMR (Mỹ), năm 2019, thị trường du lịch y tế thế giới sẽ tăng đến 32,5 tỷ USD (gấp hơn 3 lần năm 2015). Sở dĩ có sự dịch chuyển này bởi các lợi ích thiết thực mà khách du lịch có được, như đến một nơi khác sử dụng dịch vụ chăm sóc về y tế không chỉ thỏa mãn nhu cầu tham quan, du lịch, trải nghiệm văn hóa tại một vùng đất mới mà còn kết hợp khám, chữa bệnh, nghỉ dưỡng với thời gian nhanh, thuận tiện, chi phí rẻ hơn tại nơi họ sống.
Tại nhiều quốc gia, nhất là phương Tây, nếu không có bảo hiểm y tế, người dân sẽ rất khó khăn khi phải điều trị y khoa, ngay cả khi có bảo hiểm, các chi phí vẫn cao hơn rất nhiều so với một dịch vụ tương tự tại một số nước châu Á. Vì thế lựa chọn tối ưu với những người không có bảo hiểm ở các quốc gia này là ra nước ngoài du lịch kết hợp thực hiện một thủ thuật hay một phẫu thuật y khoa đắt tiền nào đó.
Có cung là có cầu, tại quốc gia được chọn làm điểm đến của khách du lịch chữa bệnh, thời gian để thực hiện một dịch vụ y khoa theo yêu cầu thường nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu tức thời của người bệnh. Thí dụ, thời gian chờ đợi để thay khớp háng ở Anh có thể là một năm hoặc lâu hơn, nhưng ở các quốc gia châu Á, thủ thuật này thường được thực hiện ngay, người bệnh không mất thời gian chờ đợi và giá lại rẻ. Song chi phí rẻ không đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ thấp, mà luôn được bảo đảm với những trang, thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến và chuyên gia đầu ngành, được đào tạo cấp quốc tế.
Chi phí rẻ, chất lượng cao
Nhờ chi phí điều trị rẻ nhưng chất lượng cao nên đến Việt Nam là ưu tiên chọn lựa của nhiều người bệnh nước ngoài.
Thống kê của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho thấy trong năm 2016, Bệnh viện này đã tiếp nhận khoảng 22.000 người nước ngoài đến khám và chữa bệnh. Người đến chữa bệnh đến từ các nước Malaysia, Indonesia, Campuchia... và một số nước châu Âu.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng là địa chỉ đón nhận số bệnh nhân người nước ngoài đến khám hằng năm khá cao (trên 1.200 người), trong đó đa số đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Nga... Còn Bệnh viện Việt-Pháp mỗi năm đón nhận hơn 20.000 người bệnh đến từ Lào, Myanmar, Mỹ, châu Phi...
Ngày nay, cuộc sống hiện đại đang gây ra những căn bệnh mà y học phương Tây không thể điều trị khỏi. Do vậy, ngày càng có nhiều người tìm về thiên nhiên với những bài thuốc hữu dụng từ cây cỏ. Được biết đến như một vùng đất có thế mạnh về kỹ thuật châm cứu, Việt Nam trở thành địa chỉ tìm đến của ngày càng nhiều người nước ngoài để được trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền và phương pháp đông-tây y kết hợp.
Việt Nam cũng được biết đến với hai thế mạnh: Chữa hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho tỉ lệ thành công cao; dịch vụ thẩm mỹ và nha khoa chất lượng cao, giá rẻ.
Hiện nay thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam đang thu hút nhiều người nước ngoài bị hiếm muộn, nhất là các cặp vợ chồng đến từ Mỹ, Pháp, Đức, Nga, vì tỉ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) là 50 đến 60%; Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) khoảng 65% với chi phí chỉ khoảng 100 triệu đồng (trong khi ở nước ngoài mỗi ca như vậy có giá từ 15.000 USD đến 30.000 USD).
Đáng chú ý, về đông y, thế giới đã công nhận Viện Châm cứu Trung ương của Việt Nam có khả năng chữa khỏi 53 bệnh lý với giá cả dịch vụ y tế thấp.
Trên thế giới, có 135 quốc gia áp dụng phương pháp châm cứu vào việc điều trị cho người bệnh. Việt Nam là nước đứng thứ 2 trong số 5 quốc gia đạt được thành tựu cao nhất trong lĩnh vực châm cứu, và đã có các tour (chuyến du lịch) khám, chữa bệnh bằng châm cứu, luyện khí công...
Bên cạnh đó, thiên nhiên Việt Nam còn nhiều ưu đãi với nhiều suối nước nóng, nước khoáng, các tiểu khu khí hậu đặc biệt như Tam Đảo, Kim Bôi, Bà Nà, Đà Lạt, Sa Pa... rất thích hợp cho du lịch chăm sóc sức khỏe.
Tăng cường phát huy thế mạnh
Một trong những điểm yếu của du lịch y tế ở Việt Nam hiện nay là còn quá ít thông tin về các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh, còn ít hãng du lịch lữ hành tổ chức các tour kết hợp chăm sóc sức khỏe.
Vì vậy, muốn phát triển du lịch y tế, trước hết, cần sớm xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình phát triển trong sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan. Từ đó xác định chiến lược cụ thể nhằm phát triển du lịch y tế bao gồm cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này, tăng cường đầu tư trang, thiết bị y tế hiện đại, cập nhật kỹ thuật tiên tiến, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp của các chuyên gia y khoa và đội ngũ y, bác sĩ…
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các hãng du lịch lữ hành, cùng tạo ra những chương trình du lịch kết hợp khám, chữa bệnh thật sự hiệu quả, hấp dẫn.
Các hoạt động này cần kết hợp với việc tăng cường truyền thông về du lịch y tế, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, cụ thể, thông qua những cách tiếp cận tiện ích nhất như báo chí, mạng xã hội... giúp khách du lịch dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin liên quan góp phần tạo lập và quảng bá các sản phẩm du lịch y tế chất lượng cao.
Việc đầu tư cho dịch vụ nghỉ dưỡng, khám, chữa bệnh còn khá manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đầu tư dài hạn để hấp dẫn khách du lịch, cũng như chưa khai thác hết các tiềm năng. Cần xây dựng các khu nghỉ dưỡng tiện nghi với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại các điểm du lịch có đông du khách nước ngoài.
Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các địa phương, cơ quan y tế, các cơ sở có điều kiện phát triển du lịch y tế với các hãng du lịch lữ hành phải đồng bộ và có nhiều hoạt động xúc tiến, có kế hoạch phát triển du lịch y tế như một khu vực đặc biệt của du lịch nói chung.
Nguồn chinhphu