Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dư luận Campuchia phản đối mạnh mẽ phát ngôn của Thủ tướng Singapore
Thứ năm: 09:46 ngày 06/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cả giới chức và giới học giả Campuchia đều bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước phát ngôn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về vấn đề Pol Pot-Khmer Đỏ.

Trong những ngày vừa qua, dư luận Campuchia đang “dậy sóng” trước phát ngôn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về cuộc kháng chiến đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ của quân và dân Campuchia, với sự giúp sức của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.

Phát biểu của ông Lý Hiển Long cho rằng đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Việt Nam và rằng Chính phủ Campuchia được dựng lên thay thế chế độ Khmer Đỏ là bất hợp pháp đã nhanh chóng bị phía Campuchia bác bỏ, coi đây là lập luận xuyên tạc, phiến diện và là sự xúc phạm đối với các nạn nhân của chế độ diệt chủng.

Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tướng Tea Banh. Ảnh: Heng Chivoan/Phnom Penh Post.

Phó Thủ tướng Campuchia lên tiếng

Ngay tại Hội nghị Đối thoại Shangri-la thứ 18 vừa diễn ra tại Singapore, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đã thẳng thắn bày tỏ sự bức xúc về những ngôn từ của ông Lý Hiển Long và đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen chuyển lời yêu cầu ông Lý Hiển Long cải chính những nội dung sai lệch đó.

Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Quốc phòng Tea Banh khẳng định rằng những lời nói của ông Lý Hiển Long không phản ánh đúng sự thật lịch sử và Campuchia không thể chấp nhận điều đó. “Quân tình nguyện Việt Nam đã đến để giải phóng nhân dân Campuchia, chúng tôi luôn coi họ là ân nhân. Chúng tôi luôn ghi nhớ và coi ngày 7/1/1979 là ngày được sinh ra lần thứ hai”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói: “Tôi đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Singapore để nêu ý kiến về việc Singapore trình bày quan điểm về lịch sử. Chúng tôi phải lên tiếng, đặc biệt là khi Thủ tướng Singapore nói ‘Quân đội Việt Nam xâm lược Campuchia’, chúng tôi thấy vô lý, không chính xác. Tôi đã yêu cầu phía Singapore cải chính. Vì khi nói về lịch sử thì đây là điều sai hoàn toàn”.

Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, ông Hun Many - Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục và Văn hóa, Quốc hội Campuchia cho rằng: Dù xét trên khía cạnh địa chính trị hay góc độ lợi ích quốc gia thì chúng ta cũng không thể bỏ qua hay lãng quên sự tàn bạo và tội ác chống lại loài người, đặc biệt là tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ.

Thế giới đã từng làm ngơ với những đau khổ mà nhân dân Campuchia đã phải trải qua. Gần 3 triệu nạn nhân vô tội đã bị tàn sát dưới bàn tay của Khmer Đỏ. Trong khi họ còn đang mải mê với những trò chơi chính trị thì chúng tôi phải cầu nguyện được giúp đỡ để thoát khỏi chế độ diệt chủng. Và sự giúp đỡ đó đã đến nhờ Đảng Nhân dân Campuchia cùng sự giúp đỡ của các bạn láng giềng Việt Nam.

Phát ngôn viên Đảng Nhân dân Campuchia lên tiếng

Người phát ngôn Đảng Nhân dân Campuchia Sok Eysan cũng cho rằng quan điểm của ông Lý Hiển Long dù có xét trong bối cảnh lịch sử địa chính trị thời điểm đó cũng không thể bỏ qua số phận của hàng triệu người Campuchia. Là người trực tiếp chứng kiến thảm họa diệt chủng do chế độ Khmer Đỏ gây ra và sự hồi sinh của đất nước Campuchia sau này, ông Sok Eysan khẳng định sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam là cuộc chiến tranh giải phóng. Người phát ngôn Campuchia cũng cho rằng những ngôn từ của ông Lý Hiển Long không cần tranh luận sai hay đúng mà sẽ do người dân Campuchia, người dân Singapore và nhân dân các nước Đông Nam Á phán xét.

Như vậy, chính giới Campuchia đã có những phản ứng nhanh chóng, rõ ràng với quan điểm bảo vệ tính chính nghĩa của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh lật đổ chế độ Pol Pot-Khmer Đỏ.

Đa số giới học giả Campuchia cũng bày tỏ quan điểm đồng tình khi cho rằng sự giúp đỡ của Việt Nam là yếu tố quyết định giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, và lên án việc ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Giáo sư Mathul, Viện hàn lâm Campuchia.

Giáo sư Ka Mathul, Trưởng khoa luật quốc tế và quan hệ ngoại giao thuộc Viện hàn lâm Campuchia cho biết: “Tôi nghĩ rằng nếu như công nhận sự hợp pháp của chính quyền Khmer Đỏ thì không khác gì việc công nhận chủ nghĩa khủng bố, ủng hộ hành động bạo lực. Một chế độ tàn sát người dân của mình, tàn sát những người dân Campuchia vô tội một cách dã man, được Thủ tướng một nước công nhận thì không khác gì việc ủng hộ thế giới bất ổn, ủng hộ hành động tàn sát lẫn nhau”.

Nhà phân tích chính trị Leap Chanthavy nhận xét phát ngôn của ông Lý Hiển Long là một sự xúc phạm đối với nhân dân Campuchia, những nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ. Theo ông Chanthavy, quan điểm này của Thủ tướng Singapore có thể là do ảnh hưởng từ tư tưởng của người cha, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, là người đã kịch liệt phản đối sự can thiệp của Việt Nam vào Campuchia bởi lo sợ Việt Nam khi đó sẽ vươn lên mạnh mẽ.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Lao Mong Hay gợi ý Chính phủ Campuchia cần có phản đối ngoại giao chính thức với Chính phủ Singapore về vụ việc này. Ông Lao Mong Hay cho rằng sẽ là phù hợp và hiệu quả hơn nếu Bộ Ngoại giao Campuchia triệu Đại sứ Singapore tại Campuchia lên để đưa ra phản đối của Chính phủ đối với phát ngôn không đúng đắn và mang tính xúc phạm của ông Lý.

Mạng xã hội Campuchia phản ứng mạnh mẽ

Phát ngôn của Lý Hiển Long cùng phản ứng mạnh mẽ của chính giới Campuchia không chỉ thu hút sự chú ý của giới học giả mà cũng tạo ra nhiều tranh luận trên các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội. Đa số ý kiến cho rằng việc ông Lý Hiển Long đào xới lại lịch sử là không phù hợp và không cần thiết. Một số cho rằng điều này thể hiện sự không khôn ngoan của nhà lãnh đạo Singapore bởi những câu nói đó không đem lại lợi ích gì cho quốc gia này mà lại gây hiềm khích với các nước láng giềng, làm chia rẽ nội khối ASEAN.

Trong thời kỳ gần 4 năm cai trị đất nước Campuchia, từ tháng 4/1975 tới tháng 1/1979, chế độ Khmer Đỏ đã thực hiện chính sách đàn áp, tàn sát đồng bào của chúng, lập ra các trại tù và tạo ra những cánh đồng chết ở khắp nơi. Khoảng 2 triệu người Campuchia vô tội đã bị sát hại bằng nhiều hình thức tra tấn man rợ, toàn bộ đất nước Campuchia chìm trong bể máu, đối mặt với thảm họa diệt chủng.

Sau khi Khmer Đỏ thưc hiện hàng loạt cuộc tấn công gây hấn qua biên giới, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, giết hại hàng nghìn dân thường Việt Nam, Quân đội Việt Nam đã quyết định giúp sức cho Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia tiến công tiêu diệt chế độ tàn bạo Khmer Đỏ. Chỉ sau 2 tuần quân đội Việt Nam tiến công giải phóng (từ ngày 25/12/1978 đến ngày 7/1/1979), chế độ Khmer Đỏ đã bị lật đổ, dân tộc Campuchia được cứu thoát khỏi họa diệt chủng. Từ đó đến nay, đất nước Campuchia đã được duy trì hòa bình, ổn định, nền kinh tế, xã hội từng bước phát triển phồn vinh./.

Nguồn VOV

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục