BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật còn nhiều điểm chưa rõ và chưa đầy đủ (*)

Cập nhật ngày: 30/10/2013 - 05:56

> Bất cập trong một số quy định về thi đua khen thưởng

> Hiến pháp sửa đổi cần bổ sung quy định về việc suy tôn danh hiệu danh nhân

> Việc quản lý đất công hiện nay còn quá lỏng lẻo

> Hiến pháp cần xác định rõ vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị xã hội

ĐBQH Nguyễn Hoài Phương

(BTN) - Ngày 29.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Phát biểu về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) góp ý một số vấn đề như sau:

Dự thảo Luật cần làm rõ hơn, bao quát hơn về đối tượng áp dụng. Phần giải thích từ ngữ (Điều 3 dự thảo Luật) có tới 21 từ và cụm từ được giải thích, nhưng vẫn còn có những cụm từ khó hiểu, cần được giải thích thêm. Đại biểu đề nghị nên sắp xếp lại các từ và cụm từ để đảm bảo dễ hiểu, logic hơn.

Chẳng hạn như Điều 2 của dự thảo Luật xác định: “Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam”. Như thế, nên chăng Luật cần xác định rõ hơn về đối tượng “tổ chức, cá nhân nước ngoài”.

Về việc quy định trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong dự thảo Luật, đại biểu Phương cho là chưa đầy đủ. Dự thảo Luật quy định: “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp đảm bảo quốc phòng an ninh” (điểm g, Khoản 3, Điều 7). Như vậy, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thì việc thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật chỉ với nội dung trên là chưa đầy đủ.

Thực tiễn cho thấy, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thực hiện công tác kiểm dịch thực vật bao gồm: “Kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, chuyển vào kho ngoại quan, kiểm dịch sau nhập khẩu, kiểm dịch nội địa…” và phối hợp trong “xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền” chứ không chỉ “trong trường hợp đảm bảo quốc phòng an ninh”.

Pháp luật hiện hành quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an trong xử lý vi phạm về pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Ví dụ: Điều 186 của Bộ luật Hình sự quy định về tội làm lây lan dịch bệnh cho người (với hành vi đưa ra khỏi vùng dịch bệnh thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh cho người); Điều 187 của Bộ luật Hình sự quy định về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (với hành vi đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam thực vật, sản phẩm của thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch).

Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng quy định rõ thẩm quyền của cơ quan Công an các cấp đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Đối với Bộ Quốc phòng, cụ thể là Bộ đội Biên phòng có liên quan trực tiếp đến phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong “Kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, chuyển vào kho ngoại quan, kiểm dịch sau nhập khẩu” và “phối hợp xử lý vi phạm pháp luật về kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền”.

Từ những phân tích trên cho thấy, việc xác định trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng như trong dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật là chưa đầy đủ. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hoài Phương đề nghị: Xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng riêng, không gộp chung vào 1 điểm như dự thảo Luật. Gắn trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng với trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Khoản 2, Điều 7 của dự thảo Luật.

Cụ thể, đối với Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng), cần xác định trách nhiệm theo hướng: “Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, chuyển vào kho ngoại quan, kiểm dịch sau nhập khẩu tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) quản lý; phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về kiểm dịch thực vật; xử lý vi phạm pháp luật về kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền; Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp đảm bảo quốc phòng an ninh”.

DUY BÌNH

(Lược ghi)

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt