Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Dự thảo Luật Người khuyết tật: Các công trình công cộng phải 'chấp nhận' người khuyết tật
2010-04-13 11:40:00

Đến năm 2020 các công trình công cộng như trụ sở làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hoá- thể thao... phải bảo đảm điều kiện tiếp cận, sử dụng của người khuyết tật.

Cầu thang "từ chối" người khuyết tật

Chiều 13.4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo cho ý kiến về Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Người khuyết tật trước khi được các đại biểu Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (khai mạc ngày 20.5) tới đây.

Các công trình công cộng phải tính tới người khuyết tật

Với 10 chương, 55 điều, dự thảo Luật Người khuyết tật quy định phạm vi và đối tượng điều chỉnh đối với người khuyết tật, quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội với người khuyết tật, dạng tật và mức độ khuyết tật, giải quyết việc làm và sử dụng lao động là người khuyết tật...

Về chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật quy định rõ hàng năm Nhà nước bố trí ngân sách thích hợp để thực hiện chính sách đối với người khuyết tật, lồng ghép chính sách đối với người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội...

Đối với việc “Bảo trợ xã hội” với người khuyết tật, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trong dự thảo Luật là đối tượng chưa được hưởng trợ cấp trong các quy định đã được ban hành để tránh trùng lắp với chính sách đã có.

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là lộ trình cải tạo công trình công cộng. Theo đó, đến năm 2020 các công trình công cộng như trụ sở làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hoá- thể thao... phải bảo đảm điều kiện tiếp cận, sử dụng của người khuyết tật.

Hiện có 11 tỉnh đã thành lập được Quỹ việc làm cho người khuyết tật gồm: Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Đồng Nai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Bình Định. (Nguồn: Bộ LĐTBXH)

Theo nhiều đại biểu, có như vậy mới bước đầu tiếp cận việc đảm bảo quyền và lợi ích của người khuyết tật, tiến tới việc hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật nhiều hơn để họ hòa nhập cộng đồng tốt nhất.

Băn khoăn chuyện thực thi

Về những khó khăn khi triển khai Luật sau này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thấy “lấn cấn” những quy định hỗ trợ tài chính đối với người khuyết tật liệu có được thực thi tốt trong thực tế cũng như khả năng tài chính có đáp ứng được hay không?

Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn khi Luật có hiệu lực, liệu có chuyện tiêu cực để được chứng nhận là người khuyết tật hay không. Một số trường hợp “chạy chọt” để được làm thương binh vừa qua là bài học đáng suy nghĩ.

“Liệu có chuyện khi triển khai Luật, con số người bị khuyết tật có bị tăng lên trên 5,3 triệu người hay không”, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện nay cả nước có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 600 ngàn người vẫn còn khả năng làm việc, 70 ngàn người được đào tạo nghề, không phải dựa vào sự hỗ trợ hoàn toàn của Nhà nước.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay đối với người khuyết tật là sự kỳ thị không nhỏ của một bộ phận nhân dân.

Hiện có 34,4% người khuyết tật từ 6 tuổi chưa biết chữ và 21,2% chưa tốt nghiệp tiểu học, 79,1% trong độ tuổi lao động không có khả năng tham gia lao động, 88,9% từ 16 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn (trong đó chỉ có 2% đang học nghề). (Nguồn: Bộ LĐTBXH)

“Có cô gái chỉ cao 80cm nhưng vẫn học xong cao đẳng, hiện nay đang đi làm kế toán cho hai công ty và vẫn có khả năng làm thêm được nữa. Họ là những người đáng được xã hội tôn vinh”, Bộ trưởng Kim Ngân nêu gương điển hình vươn lên của người khuyết tật hiện nay.

Về chính sách nhận người khuyết tật vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, cần cụ thể hoá các quy định trong luật, tránh quy định chung chung, rất khó thực thi trong thực tế.

“Dự thảo Luật chỉ quy định chung chung là Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật được ưu đãi về vốn, hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện làm việc và kinh phí dạy nghề tại doanh nghiệp theo số người khuyết tật được tuyển dụng vào làm việc... sẽ rất khó thực thi, cần phải lượng hoá cụ thể hơn”, ông Vượng kiến nghị.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Các cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần rà soát thật kỹ những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, cũng như các nội dung mà Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác đã cho ý kiến với những căn cứ xác đáng và lý lẽ chặt chẽ, thuyết phục để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.

(Theo chinhphu.vn)

Từ khóa:
Tin liên quan