Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTN) - Sáng ngày 26.5, thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định:
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương
Điều 8 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền của toà án mới chỉ quy định thẩm quyền theo vụ việc, chưa quy định thẩm quyền theo lãnh thổ, đề nghị bổ sung tại Điều 8 như sau: Toà án nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết đối với yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp hợp tác xã phá sản.
Mặt khác, cũng tại Điều 8 quy định thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của toà án, đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của TAND cấp tỉnh tại Điểm đ, theo đó dự thảo Luật đã phân cấp rõ ràng vụ nào thuộc tỉnh, vụ nào thuộc huyện, nhưng quy định này mâu thuẫn và ngược với quy trình tại các quy định tại các Điều 30, 31, 32.
Các điều này quy định: người yêu cầu mở thủ tục phá sản nộp đơn ra TAND có thẩm quyền, sau đó Chánh án thụ lý đơn phân công thẩm phán, thẩm phán xem xét đơn, nếu không thuộc thẩm quyền của toà thì phải chuyển đơn cho toà án khác giải quyết. Như thế thẩm quyền đã rõ thì lý do gì toà án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết, nếu vụ việc này thuộc thẩm quyền của cấp huyện?
Về các Điều 30, 31, 32, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng quy trình thụ lý đơn mọi thủ tục phá sản rất tốn thời gian, chỉ có việc nhận đơn và xem xét toà nào giải quyết thủ tục phá sản đã mất gần 10 ngày. Theo Điều 8 đã phân cấp rõ ràng thì khi nhận đơn bộ phận cải cách hành chính của toà có thể dễ dàng hướng dẫn người yêu cầu mở thủ tục phá sản, nộp đơn đúng nơi có thẩm quyền để giải quyết thủ tục phá sản của mình
Về quản tài viên, quản tài viên là chế định mới so với Luật Phá sản năm 2004, đại biểu Phương cho rằng: Quyền và nghĩa vụ của quản tài viên tại Điều 15 của dự thảo là người giúp việc, là cầu nối với thẩm phán thực thi việc tuyên bố doanh nghiệp hợp tác xã bị phá sản, đối với cơ quan thi hành án, quản tài viên thực thi việc thi hành thanh lý tài sản là chưa rõ; đề nghị Điều 15 của dự thảo bổ sung thêm Chính phủ hoặc TAND tối cao hướng dẫn chi tiết thi hành điều này.
Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 15 có đoạn: tối đa hoá giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Quy định này theo đại biểu Phương là không phù hợp. Bởi vì giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phụ thuộc vào nhiều yếu tố, việc đánh giá giá trị tài sản không thể phụ thuộc vào quản tài viên, quản tài viên không thể tối đa hoá hay tối thiểu hoá tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Vì vậy đại biểu Phương đề nghị bỏ đoạn này.
Luật Phá sản được ban hành có hiệu lực suốt 9 năm qua nhưng số doanh nghiệp làm thủ tục rất ít với nhiều lý do, trong đó có lý do các văn bản pháp luật thực hiện còn nhiều vướng mắc, không có chế tài đối với doanh nghiệp phá sản.
Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm những vấn đề dự thảo Luật yêu cầu thực hiện theo quy định của pháp luật, vì thực tế đối với Luật Phá sản có một số vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể.
Đại biểu Phương còn đề nghị xem lại khoản 14 Điều 9 vận dụng quyết định giải quyết vụ việc phá sản trước đó đối với vụ việc tương tự, có thể xem là án lệ hay không. Nếu là án lệ thì hiện tại Luật Tổ chức TAND đang sửa đổi vấn đề này còn chưa thống nhất, như vậy đưa vào dự thảo Luật này thì chưa ổn.
Duy - Quang
(*) Tựa đề do Toà soạn đặt