BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền cần chặt chẽ hơn

Cập nhật ngày: 15/11/2011 - 10:37

Sáng 15.10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.

Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền gồm 5 chương, 53 điều. Đa số đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền. Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) và nhiều đại biểu cho rằng nếu không có Luật Phòng, chống rửa tiền, nước ta sẽ là nơi nhắm đến của tội phạm rửa tiền quốc tế do nền kinh của chúng ta vẫn đang sử dụng nhiều tiền mặt sẽ là nơi thuận lợi để tội phạm rửa tiền tìm đến. Việc cho ra đời luật này cũng là thể hiện sự cam kết cao của nước ta đối với các tổ chức quốc tế về chống tham nhũng.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Lương Văn Thành (đoàn Hải Phòng), đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) và nhiều đại biểu nhất trí luật này chỉ nên quy định về phòng, chống rửa tiền, riêng về vấn đề tài trợ khủng bố cần được tách riêng không đưa vào luật này bởi Luật Phòng, chống rửa tiền chủ yếu quy định về phòng ngừa hành vi rửa tiền và xử lý vi phạm ở mức độ hành chính. Khi phạm tội đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ xử lý theo Điều 251 Bộ luật Hình sự, với hình phạt cao nhất là 10 năm tù.

Đối với vấn đề tài trợ khủng bố, đại biểu Lương Văn Thành cho rằng đây là vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia. Hành vi tài trợ cho khủng bố là hành vi nhằm chống chính quyền nhân dân nên cần được nghiên cứu quy định cụ thể. Ngoài ra, Quốc hội cũng đưa dự thảo luật này vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012.

Tuy nhiện, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình), đề nghị đưa cả vấn đề phòng, chống khủng bố vào Luật này. Theo đại biểu Cao Sĩ Kiêm, tất cả những việc rửa tiền hiện nay liên quan chặt chẽ đến khủng bố và ngược lại. Mặt khác, rửa tiền và khủng bố là hai vấn đề thế giới đặc biệt quan tâm cho nên Luật phòng, chống rửa tiền cần ghi thêm một nội dung phòng chống tài trợ tội phạm khủng bố liên quan đến tiền tệ.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Phải giao cơ quan độc lập giám sát hoạt động rửa tiền

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng nội dung khủng bố thể hiện trong luật này mờ nhạt, cần nhất trí xây dựng một nguyên tắc chống khủng bố trong luật này.

Về những vấn đề khác nhau của dự án luật này, đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng việc đưa ra khái niệm về rửa tiền, tài sản như thế nào để phù hợp với luật pháp quốc tế, lại không cản trở đến chủ quyền của chúng ta. Theo đại biểu Cao Sĩ Kiêm, Luật Phòng, chống rửa tiền liên quan đến hai Bộ Luật: Hình sự và Dân sự, và 6 luật khác tất cả đều liên quan đến luật quốc tế, đến rửa tiền, tài sản. Vì thế những khái niệm, nội dung trong luật này khác rất xa không phù hợp 8 luật nói trên nếu chúng ta không sửa được thì chúng ta phải sửa  hàng loạt các luật khác như vậy liệu có khả năng hiện thực không. Cùng với đó nếu không chú ý đến luật quốc tế sẽ bị phản ứng. Vì thế, việc giải thích, khẳng định các khái niệm phải phù hợp.

Đặc biệt là những vấn đề có những nội dung khác với chúng ta. Ví dụ như biện pháp áp dụng thích hợp để cung cấp thông tin theo luật quốc tế phải công khai, minh bạch… nhưng lại là vấn đề liên quan đến các vấn đề nhạy cảm trong công tác quản lý tổ chức cán bộ, về khả năng thanh toán dùng tiền mặt, khả năng quản lý dùng tài sản… Đại biểu đề nghị những khái niệm này cần được cân nhắc kỹ, căn cứ vào thực trạng tình hình của chúng khi đưa vào văn bản luật này.

Cho ý kiến thêm về nội dung của luật này, đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị nên bỏ hình thức casino vì pháp luật Việt Nam chưa quy định các hình thức cờ bạc. Tại Điều 37 dự thảo luật quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân, đại biểu đề nghị nên viết lại toàn bộ điều luật này vì không phù hợp với quy định hiện hành…

Đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) cho rằng dự án này quá dài, nhiều nội dung khó hiểu, bố cục không chặt chẽ, giải thích từ ngữ không rõ ràng.

Về mức giao dịch phải báo cáo, Điều 21 của dự thảo Luật quy định mức giao dịch phải báo cáo là có giá trị lớn và giao Ngân hàng Nhà nước quy định mức có giá trị lớn. Theo đại biểu Lương Văn Thành, quy định như dự thảo luật là rất khó thực thi, bởi giá trị lớn là bao nhiểu, tại sao lại giao Ngân hàng Nhà nước quy định mức giá trị lớn? Do vậy, quy định về mức giá trị lớn luật cần nên định lượng hóa cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, để tránh sửa nhiều lần thì mức giao dịch phải báo cáo nên quy tập hệ số tiền lương cơ bản để dễ điều chỉnh.

Về cơ quan chủ trì phòng chống rửa tiền, nhiều đại biểu đề nghị không nên giao cho Ngân hàng Nhà nước mà nên giao cho cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an để phù hợp với các quy định hiện hành về đấu tranh phòng chống tội phạm. Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ nên tham gia với tư cách thành viên phối hợp với cơ quan điều tra của Bộ Công an.

Đại biểu đề nghị thêm luật này cần phải làm rõ các loại hành vi rửa tiền đúng quy định pháp luật và quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong từng lĩnh vực liên quan đến phòng chống rửa tiền.

Theo VOV