BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự thảo Luật Viên chức: 'Mở' hơn để viên chức phát huy năng lực, sáng tạo

Cập nhật ngày: 13/04/2010 - 11:40

Phiên họp thứ 30 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Sau một thời gian dài chuẩn bị, hôm 13.4, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trình Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp thứ 30 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật viên chức.

Tác động trực tiếp đến 1,6 triệu viên chức

Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, mục tiêu cơ bản của việc xây dựng Luật Viên chức là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng của các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế.

Với 8 Chương và 70 Điều, dự thảo Luật Viên chức quy định về phạm vi điều chỉnh chỉ đối với các viên chức làm việc trong các đơn vị công lập,  quyền và nghĩa vụ của viên chức, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, khen thưởng và tôn vinh viên chức, kỷ luật và xử lý viên chức vi phạm...

Viên chức theo Dự Luật này quy định là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo hợp đồng làm việc, được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý (trừ các chức vụ được quy định là công chức), làm việc trong các đơn vị sự nghiệp và hưởng lương từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật. Viên chức gồm viên chức quản lý và viên chức chuyên môn, nghiệp vụ. 

Một số nội dung mới được đề cập trong dự thảo Luật, như xác định rõ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức, hoàn thiện và bổ sung các quyền, nghĩa vụ của viên chức theo hướng “mở” hơn so với Luật Cán bộ, công chức năm 2008 để viên chức phát huy tài năng, sức sáng tạo và khả năng cống hiến trong cơ chế thị trường hiện nay.

Đặc biệt, dự thảo Luật cũng đổi mới cơ chế và nội dung quản lý viên chức trên cơ sở vị trí làm việc, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và hợp đồng làm việc. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa thôi quốc tịch Việt Nam, nếu đủ tiêu chuẩn được thi tuyển vào viên chức.

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định “chức danh nghề nghiệp” thay thế cho quy định về “ngạch” trong quản lý viên chức.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Pháp luật đánh giá dự thảo Luật được chuẩn bị nghiêm túc, có trách nhiệm. Cơ quan soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổ chức nhiều hội thảo, hội đàm và tài liệu kèm theo khá đầy đủ cho thấy sự chuẩn bị công phu.

“Đây là dự án luật khó và phức tạp, có tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho cộng đồng như giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội, khoa học và công nghệ...”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật Nguyễn Văn Thuận đánh giá.

Cơ chế đối với 1,2 triệu viên chức tuyển dụng trước ngày 1.7.2003

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, dự thảo Luật quy định đối với những viên chức tuyển dụng trước ngày 1.7.2003 (khoảng 1,2 triệu viên chức) mặc nhiên được chuyển tiếp mà không phải ký hợp đồng lại sẽ làm cho một bộ phận viên chức trì trệ, không tạo sự năng động, trách nhiệm. Do đó, tất cả đội ngũ này cần rà soát chặt chẽ, ai đáp ứng đủ năng lực, phẩm chất và phù hợp với nhu cầu công việc của đơn vị thì tiếp tục sử dụng.

Theo kết quả điều tra, hiện nay cả nước có tổng cộng 52.241 đơn vị sự nghiệp công lập.

“Không nên để một bộ phận viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2003 làm việc kém hiệu quả mà vẫn cứ hưởng các ưu đãi như những viên chức cần mẫn, năng động khác được”, ông Thuận bày tỏ quan điểm.

Phản biện với nội dung của dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh là viên chức đơn vị sự nghiệp công lập, Viện trưởng Viên nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng dự thảo Luật nên điều chỉnh cả viên chức đang làm việc tại các cơ sở ngoài công lập, bởi hiện có nhiều dịch vụ công nhưng lại do các đơn vị tư nhân đảm trách và được xã hội hóa ngày càng rộng rãi.

Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề có phải dự luật này đưa ra những nguyên tắc chung để các dự án Luật khác điều chỉnh sâu hơn về các ngành nghề căn cứ vào đó để ban hành cụ thể.

“Tôi nhận thấy khi ban hành dự Luật này, chúng ta sẽ phải sửa đổi nhiều bộ luật khác cũng như các quy định hiện hành liên quan đến viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập”, bà Mai nói.

Bày tỏ sự băn khoăn của mình, Trưởng ban Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng dẫn ví dụ, ngay như trong Văn phòng Quốc hội, lái xe cho Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là công chức nhưng lái xe cho một số đồng chí giữ các vị trí khác lại là viên chức. Trong khi, nghề nghiệp chính của họ cũng là lái xe. Giải quyết vấn đề này như thế nào?

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ, Luật này phải tạo sự an tâm, thu hút đội ngũ viên chức vào làm việc. Do đó, trước những vấn đề còn những ý kiến khác nhau, cơ quan soạn thảo cần sớm tiếp thu giải trình và có báo cáo bổ sung để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 khai mạc ngày 20.5.2010.

(Theo chinhphu.vn)