BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự thảo Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh TN: Đến năm 2015, số người tham gia hoạt động kinh tế chiếm 63% dân số

Cập nhật ngày: 15/02/2011 - 05:57

(BTNO) - Mới đây, UBND tỉnh vừa có phiên họp thảo luận việc thông qua dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về phát triển nguồn nhân lực tỉnh TN giai đoạn 2011 – 2015.

Thời gian qua, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển KT- XH, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, lực lượng lao động chưa qua đào tạo còn lớn, thiếu chuyên gia kỹ thuật giỏi, thiếu lao động lành nghề. Ở khu vực nhà nước còn thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành, phần lớn cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn quy định.

Việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có khả năng thích ứng với môi trường làm việc phục vụ cho yêu cầu CNH-HĐH tỉnh nhà là một thách thức đặt ra trong phát triển KT- XH giai đoạn 2011 – 2015 và những năm tiếp theo.

Các khu, cụm công nghiệp đang thu hẹp dần diện tích đất canh tác, dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ lao động bị thiếu đất sản xuất, tình trạng thiếu việc làm, nhàn rỗi ở vùng nông thôn đang là vấn đề bức xúc.

Theo dự thảo cũa UBND tỉnh, về chỉ tiêu dân số, lao động, đào tạo, dạy nghề, đến năm 2015, dân số trung bình đạt 1.150.000 người, số người tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên là 725.000 người, chiếm 63% dân số; tỷ lệ lao động qua đào tạo dạy nghề chiếm 60% (trong đó đào tạo 15%, dạy nghề 45%).

Trong giai đoạn 2011 – 2015, tạo điều kiện giải quyết việc làm bình quân hằng năm là 20.000 lao động; đào tạo – dạy nghề cho hơn 160.000 người. Trong đó đào tạo nghề cho hơn 33.000 lao động nông thôn.

Dự thảo cũng đã đề ra giải pháp thực hiện, nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, dạy nghề; đầu tư đồng bộ cở sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ giảng viên; hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho cơ sở thụ hưởng, tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề.

Tập trung củng cố cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập, từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội; mở rộng quy mô đào tạo, nâng cấp Trường CĐSP thành trường đại học đa ngành, nâng cấp Trường Trung học Y tế thành cao đẳng vào năm 1915. Tập trung đầu tư xây dựng Trường trung cấp nghề Tây Ninh làm nồng cốt trong việc đào tạo nhân lực kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đến năm 2015 sẽ nâng cấp lên thành cao đẳng nghề. Tiếp tục đầu tư để phát huy hiệu quả, năng lực hiện có của Trường TC nghề khu vực Nam Tây Ninh để đáp ứng nhu cầu phát triển khu, cụm công nghiệp thuộc các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu…

Theo dự thảo này, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015 là 6.880 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 2.925 tỷ đồng.

PHƯƠNG LY