Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bộ GD&ĐT vừa phát đi thông báo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, môn Tin học lần đầu tiên có thể có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo thông báo, sau khi nghe Cục Quản lý chất lượng- đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT báo cáo về việc lấy ý kiến của các đơn vị liên quan và báo cáo của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giao Cục Quản lý chất lượng chủ trì hoàn thiện dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tiếp tục xin ý kiến bằng văn bản của 63 Sở GD&ĐT để có thêm cơ sở, căn cứ hoàn thiện dự thảo.
Sau đó, Cục Quản lý chất lượng trình lãnh đạo Bộ và Bộ trình Thường trực Chính phủ xem xét, cho phép công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, gồm những nội dung chính như sau:
Giữ nguyên mục đích, ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp THPT như đã nêu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến xã hội. Thực hiện tốt sự phân cấp, trách nhiệm trong tổ chức kỳ thi, nghiên cứu để tổ chức kỳ thi hằng năm vào thời điểm sớm hơn hiện nay.
Tổ chức thi theo môn, gồm các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ, Tin học; môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, tất cả các môn học còn lại thi đề trắc nghiệm. Nội dung thi bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phương thức xét tốt nghiệp: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và điểm thi tốt nghiệp.
Thông báo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT còn yêu cầu chuẩn bị tập huấn kỹ cho việc ra đề thi, ưu tiên những giáo viên nhiều kinh nghiệm, có dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm hai yêu cầu kiến thức chuyên sâu và đại trà (cơ bản, phổ thông).
Theo kế hoạch, phương án hoàn thiện của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ công bố trong tháng 9.2023.
Nhắc lại, đầu tháng 8.2023, tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở Tây Ninh nhằm xây dựng quy chế, quy định chính thức về kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đóng góp ý kiến cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đối với môn Lịch sử, 2 ý kiến phát biểu đề nghị cho học sinh quyền lựa chọn thi hoặc không thi môn này, 1 ý kiến đề nghị Lịch sử phải thành môn thi bắt buộc.
Nhóm ý kiến đề nghị không bắt buộc thi môn Lịch sử lập luận, số lượng môn thi bắt buộc đã đủ, thêm môn Lịch sử e rằng học sinh quá tải, vì ngoài thi tốt nghiệp THPT, học sinh còn phải ôn thi theo tổ hợp môn để xét tuyển đại học.
Trong khi đó, theo ý kiến đề nghị Lịch sử phải thành môn thi bắt buộc, vì nếu không thi, học sinh không quan tâm đến việc học.
Nếu Lịch sử là môn thi bắt buộc, mỗi thí sinh phải thi tổng cộng 6 môn (4 môn bắt buộc, hai môn tự chọn); còn không phải môn thi bắt buộc, học sinh chỉ phải thi 5 môn, giảm được 1 môn. Ý kiến khác cũng chỉ ra rằng, nếu Lịch sử thành môn thi bắt buộc, học sinh đang học tổ hợp môn học xã hội có nhiều lợi thế cả trong thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh đại học.
Một vấn đề khác được giáo viên, cán bộ ở Tây Ninh quan tâm: những học sinh, vì lý do nào đó, đổi tổ hợp môn học sau năm học lớp 10 thì quy chế xét tuyển vào đại học như thế nào cho khoa học, hợp lý, công bằng. Căn cứ vào học bạ để tuyển sinh, trường đại học lấy kết quả học tập ở cả 3 năm (lớp 10, 11 và 12). Vậy, dựa trên cơ sở nào để tuyển sinh bằng học bạ, vì có môn học các em chỉ học hai năm lớp 11, 12?
Việt Đông