Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đưa cuộc “Đồng khởi mới” giành những thắng lợi to lớn hơn
Thứ sáu: 09:54 ngày 17/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cách đây 60 năm, thực hiện Nghị quyết số 15 “về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà” và chủ trương của Hội nghị Liên Tỉnh ủy Trung Nam Bộ, ngày 17-1-1960, Đảng bộ Bến Tre đã phát động cuộc Đồng khởi và giành thắng lợi lớn ở 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày, từ đó nhanh chóng lan ra toàn tỉnh và cả miền Nam. Sau khi giành được quyền làm chủ, tỉnh đã xây dựng hai đại đội vũ trang tập trung và một lực lượng đấu tranh chính trị hùng hậu, đó chính là “Đội quân tóc dài” ra đời ngay trong những ngày đầu Đồng khởi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (hàng đầu thứ 3, trái sang) và Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi (thứ 3, phải sang) chụp ảnh với các đại biểu tại buổi gặp gỡ “Đội quân tóc dài”, Bộ đội Thu Hà. Ảnh: H.Hiệp

Sau thắng lợi vang dội ở Bến Tre, nhân dân và lực lượng vũ trang ở miền Trung Nam Bộ, Tây Nam Bộ đã vùng lên mạnh mẽ, giành được những thắng lợi to lớn. Từ thế đấu tranh chính trị là chủ yếu, ta chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, đập tan từng mảng chính quyền địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ.

Đồng khởi Bến Tre là tiếng súng hiệu mở đầu cho thời kỳ mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam; chuyển cách mạng miền Nam từ thế đấu tranh chính trị, phòng ngự, giữ gìn lực lượng sang thế kết hợp đấu tranh chính trị và tiến công vũ trang, liên tiếp tiến công và nổi dậy - nổi dậy và tiến công bằng lực lượng vũ trang giành thắng lợi.

Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre ghi đậm mốc son trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và của nhân dân Bến Tre nói riêng. Chiến công đó của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre được cả nước ghi nhận như Đại tướng Hoàng Văn Thái - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Đảng ủy Quân sự Trung ương đã khẳng định “Phong trào Đồng khởi 1960 là mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa nông thôn đồng bằng.

Nó thúc đẩy toàn Nam Bộ nổi dậy chống Mỹ cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương của Đồng khởi theo đúng nghĩa của Đồng khởi. Phong trào Đồng khởi 1960 của Bến Tre đã đi vào lịch sử như ngọn cờ đầu, có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung”.

Có thể khẳng định, thắng lợi của phong trào Đồng khởi là một minh chứng cho sự đúng đắn của Nghị quyết số 15, sự chỉ đạo của Khu ủy, Đảng bộ Bến Tre bằng tinh thần quả cảm, dám nghĩ dám làm, quyết tâm bám dân, bám đất chiến đấu. Tập hợp, động viên được mọi khả năng của quần chúng, Tỉnh ủy Bến Tre đã đưa phong trào cách mạng ngày càng phát triển.

Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra, sáng tạo phương pháp tiến công kết hợp giữa 3 mặt quân sự - chính trị - binh vận, sau này Trung ương đúc kết thành phương pháp tiến công “hai chân, ba mũi”, với  “Đội quân tóc dài” anh hùng. Những ưu điểm về chỉ đạo phong trào Đồng khởi năm 1960 của Bến Tre đã góp phần xứng đáng vào nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa của Đảng.

Từ cuộc Đồng khởi 1960 ở Bến Tre, chúng ta có thể rút ra những bài học: (1) Nghị quyết số 15 là niềm tin sắt đá của Tỉnh ủy Bến Tre; (2) Biết trân trọng kế thừa, phát huy và vận dụng linh hoạt những di sản từ quá trình chống giặc của nhân dân Bến Tre; (3) Kiên trì, xông vào cái khó, khai thác bằng được những tiềm năng tổng hợp đánh giặc trong dân; (4) Áp dụng phương pháp chỉ đạo riêng, tạo sức khởi động, rút kinh nghiệm phổ biến thúc đẩy phong trào toàn tỉnh phát triển; (5) Sớm tập trung xây dựng lực lượng vũ trang một cách hợp lý; (6) Nhận thức quan điểm quần chúng một cách toàn diện, đúng đắn là yếu tố “động” nhất khi thực hiện Đồng khởi 1960; (7) Gắn bó mật thiết với nhân dân, hiểu lòng dân, biết khả năng nhân dân, tổ chức nhân dân khởi nghĩa thắng lợi.

Đánh giá về phong trào này, trong “Thư vào Nam”, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Dưới ánh sáng Nghị quyết hội nghị lần thứ 15 của Trung ương, cuối năm 1959 đầu năm 1960, nhân dân ta ở miền Nam đã vùng lên khởi nghĩa đồng loạt... Đặc biệt đêm 17-1-1960, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới.

Từ đó, làn sóng “Đồng khởi” như nước vỡ bờ lan ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh Nam bộ, Tây nguyên, Trung Trung bộ... Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” đã đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công mạnh mẽ, rộng khắp liên tục... Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” là bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện cách mạng miền Nam, là thất bại lớn đầu tiên của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam nước ta”.

Với thắng lợi của phong trào Đồng khởi và thắng lợi của Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, Bến Tre đã vinh dự được Trung ương tuyên dương, phong tặng danh hiệu 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.

* * *

Để có thắng lợi của Đồng khởi 1960 và vinh dự cao quý đó, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Trong giờ phút thiêng liêng này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Cùng tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đồng chí, đồng bào đã hy sinh trong Đồng khởi 1960, tưởng nhớ cô Ba Định, đồng chí Nguyễn Thị Định - một trong những lãnh đạo và là linh hồn của cuộc Đồng khởi.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: T. Đồng

Đồng chí Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Xuất thân trong một gia đình nông dân, năm 16 tuổi tham gia cách mạng và đến năm 18 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1943, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, giặc Pháp tăng cường khủng bố, đàn áp dã man, phá rã nhiều cơ sở cách mạng, hàng loạt đảng viên bị bắt và bị tù đày; trước đó, đồng chí Nguyễn Thị Định cũng bị bắt và bị biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước).

Sau Hiệp định Geneve 1954, Bến Tre là một trọng điểm đánh phá bình định ác liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong một thời gian ngắn, kẻ địch đã triển khai những cuộc đánh phá, khủng bố khốc liệt phong trào, đẩy cách mạng vào một tình thế vô cùng khó khăn. Từ 2 ngàn đảng viên của tỉnh còn lại lúc đầu, khi ta chuyển quân tập kết, đến khi nổ ra Đồng khởi, Bến Tre chỉ còn lại 162 đảng viên, hơn 80% đồng chí đã bị giết, bị tra tấn đến tàn phế, bị tù đày. Bản thân đồng chí Nguyễn Thị Định đã bao lần chạm trán với cái chết, với bẫy giăng sẵn của địch, nhưng nhờ sự bình tĩnh và trí thông minh, nhờ sự đùm bọc, che chở của nhân dân, đồng chí đã thoát được an toàn để tiếp tục chỉ đạo cách mạng.

Năm 1960, đồng chí Nguyễn Thị Định được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, rồi Khu ủy viên Khu 8, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam.

Đến khi đế quốc Mỹ chuyển hướng chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”, đồng chí được phong quân hàm thiếu tướng, Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ngày 20-10-1966, trong cuộc mít-tinh kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác Hồ nói: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Thị Định về công tác ở thủ đô Hà Nội, đảm đương nhiều cương vị khác nhau: Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ngoài ra, đồng chí còn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại trong vai trò Phó chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Đồng chí đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý như: Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương chống Pháp và chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Gần 60 năm, kể từ năm 16 tuổi cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí Nguyễn Thị Định đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng và cho hạnh phúc nhân dân; đồng chí đã phải chịu đựng tù đày, tra tấn dã man của địch, phải trải qua thời kỳ ác liệt của cách mạng miền Nam mà có lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi, chồng hy sinh ngoài Côn Đảo, người con trai duy nhất tập kết cũng qua đời ở miền Bắc nhưng đồng chí vẫn vững vàng và luôn tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng.

Ở đồng chí, có sự hội tụ giữa đức tính can trường, dũng cảm của một anh hùng xông pha trận mạc với lòng nhân ái bao dung rất đỗi dịu dàng của phụ nữ Việt Nam. Trưởng thành từ phong trào đấu tranh máu lửa khốc liệt, đồng chí có một cuộc sống giản dị, gần gũi, gắn bó thủy chung với đồng chí, quần chúng nhân dân. Dù ở bất kỳ cương vị nào, một tướng kiên cường hay một người lãnh đạo tài năng. Đồng chí lúc nào cũng vẫn là một người chị, một người cô, người mẹ hiền Việt Nam được nhân dân, chiến sĩ trong cả nước tin yêu và kính trọng, xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu, xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Khi nhắc đến phong trào Đồng khởi 1960, chúng ta sẽ luôn nhớ đến đồng chí Nguyễn Thị Định - một trong những người lãnh đạo, là linh hồn của cuộc Đồng khởi Bến Tre và phong trào Đồng khởi ở miền Nam. Chính từ phong trào này, tên tuổi đồng chí Nguyễn Thị Định đã gắn liền với phương thức đánh địch bằng “ba mũi giáp công”, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ, của “Đội quân tóc dài”, gắn liền với phong trào chiến tranh du kích của nhân dân ta trong những năm tháng đánh Mỹ và thắng Mỹ xâm lược.

***

Bến Tre luôn rất vinh dự và tự hào là quê hương của phong trào Đồng khởi 1960 với người lãnh đạo tài ba - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nhận thức được điều đó, Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà dù trong bất cứ hoàn cảnh, thử thách khó khăn nào vẫn luôn giữ gìn, vun đắp truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng. Vận dụng và phát huy tinh thần, ý chí của cuộc Đồng khởi 1960 vào trong xây dựng và phát triển quê hương, được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, nghị quyết, các chương trình hành động cách mạng, nhất là phong trào thi đua “Đồng khởi mới”.

Đông đảo người dân tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: T. Đồng

Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã đạt 16/18 chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2015 - 2020, đời sống người dân từng bước được cải thiện, diện mạo tỉnh nhà ngày càng khởi sắc. Nổi bật là trong năm 2019, với tinh thần “Tiếp tục tăng tốc - tạo bứt phá”, có 24/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt, trong đó thu ngân sách và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất từ trước đến nay, TP. Bến Tre đạt đô thị loại II, cải cách hành chính, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Đã triển khai xây dựng Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh và Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo và nhân dân Bến Tre, tôi trân trọng cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương bạn, các tổ chức quốc tế, các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là những người con quê hương Bến Tre, những người có tình cảm đặc biệt với Bến Tre đã dành sự quan tâm, hỗ trợ chí tình cho sự phát triển của Bến Tre thời gian qua.

Bước vào năm 2020 - năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với tinh thần “bứt phá về đích”, quyết tâm giành thắng lợi trọn vẹn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2015 - 2020, tạo nên thế và lực mới cho tỉnh nhà bước vào giai đoạn phát triển mới bền vững hơn; phấn đấu đến năm 2030, đưa tỉnh nhà phát triển ngang bằng với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Tại buổi lễ trang trọng này, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân quyết tâm triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, phát huy hơn nữa truyền thống Đồng khởi 1960 trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước hôm nay. Vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt tinh thần anh dũng, ý chí tự lực tự cường, không khuất phục lùi bước trước khó khăn thử thách, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, đưa phong trào thi đua “Đồng khởi mới” ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, gắn với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong thực hiện, phải luôn chủ động, tiến công, sáng tạo, không trông chờ ỷ lại, tự lực tự cường, tạo đột phá đi lên...

Thứ hai, tập trung hơn nữa công tác xây dựng Đảng, quan tâm củng cố khối đoàn kết nội bộ, xây dựng hệ thống chính trị, vững mạnh toàn diện. 60 năm trước chỉ với 162 đảng viên, trong tình thế cách mạng đứng trước vô vàn khó khăn hiểm nghèo, Đảng bộ Bến Tre đã cùng dân và quân làm nên cuộc Đồng khởi hào hùng. Hôm nay, Đảng bộ với trên 50 ngàn đảng viên trong điều kiện thuận lợi về mọi mặt, thì không có lý do gì để chúng ta sa sút ý chí chiến đấu, thiếu tự tin. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng phải luôn vững vàng, tỏ rõ bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, là hạt nhân trong các phong trào hành động cách mạng, đủ sức lãnh đạo nhân dân đưa quê hương Đồng khởi ngày càng phát triển.

Thứ ba, quan tâm giữ gìn mối quan hệ gắn bó máu thịt với quần chúng, tin vào dân, dựa vào dân, xây dựng thực lực của cách mạng. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi 1960 là minh chứng thuyết phục, thể hiện rõ nét quan điểm quần chúng của Đảng và Bác Hồ. Qua đó cho thấy sức mạnh to lớn của quần chúng, chính quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử khi được sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Trong giai đoạn cách mạng mới, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tăng cường củng cố hơn nữa mối quan hệ gắn bó với nhân dân, luôn bám sát vào dân để lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của dân, tin tưởng tuyệt đối ở dân để phục vụ nhân dân tốt hơn...

Phát huy sức sáng tạo vô tận của dân đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, đồng thời giữ gìn và tạo nguồn phát triển lực lượng của Đảng. Để biểu dương, khuyến khích mọi người hành động vì Bến Tre phát triển, nhân dịp kỷ niệm 17-1 hàng năm, tỉnh sẽ chọn và tuyên dương  những “Công dân Đồng khởi”, những cá nhân có những đóng góp xuất sắc cho quê hương Bến Tre Đồng khởi.

Thứ tư, phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc tập hợp, vận động quần chúng, đưa các phong trào hành động cách mạng ngày càng đi vào đời sống trong cộng đồng dân cư. Cùng việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cần quan tâm đến nguyện vọng của dân, bảo vệ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, gia đình chính sách, người có công. Tổ chức huy động các nguồn lực xã hội, cả trong và ngoài tỉnh, đóng góp thiết thực cho quê hương, đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm để nâng cao thu nhập người dân, nhất là các chương trình, đề án về phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp...

Thứ năm, tự hào về quê hương cách mạng anh hùng, các thế hệ hôm nay cần phải suy nghĩ và hành động sao cho xứng đáng với truyền thống, xứng đáng với những thành quả mà bao thế hệ cha ông đã không tiếc mồ hôi, công sức và cả máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Quan tâm vun đắp, giữ gìn nối tiếp truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, nhất là tinh thần và ý chí của phong trào Đồng khởi 1960.

Đó chính là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ động viên, thôi thúc mỗi chúng ta vươn tới bằng quyết tâm và quyết liệt hơn nữa. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, ra sức phấn đấu rèn luyện, không ngừng học tập, lao động và sáng tạo. Không cam chịu tụt hậu, thể hiện khát vọng vươn lên, với niềm tin, ý chí và nghị lực mới, đoàn kết chung sức chung lòng, đưa công cuộc “Đồng khởi mới” giành được những thắng lợi to lớn hơn.

Nhân dịp Xuân về Tết đến, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre, tôi kính chúc đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và tỉnh, quý đại biểu khách quý và nhân dân tỉnh nhà cùng gia đình an khang, thịnh vượng! Năm mới thắng lợi mới!

Nguồn baodongkhoi

(*)Trích diễn văn của Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi và 100 năm Ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định, tối ngày 16-1-2020. Tựa đề do Ban biên tập đặt.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục