Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sắp xếp lại mạng lưới trường lớp:
Đưa cuộc sống vào nghị quyết
Thứ tư: 00:15 ngày 09/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả của việc sắp xếp, cần có một thời gian nhất định, vì việc triển khai chủ trương, chính sách mới chỉ đi được một đoạn đường. Nhưng xét toàn cục, chủ trương tổ chức lại bộ máy, cơ quan sự nghiệp là đúng.

Thầy trò một trường tiểu học ở Gò Dầu trong giờ học.

Tháng 10.2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sau Nghị quyết 19 của Trung ương, các địa phương tích cực triển khai sắp xếp, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành Giáo dục- một ngành có số lượng đơn vị nhiều nhất. 

Tại Tây Ninh, tính đến thời điểm này, các huyện, thành phố trong toàn tỉnh đã nghiêm túc triển khai chủ trương sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường lớp. Trong hơn một năm qua, hàng chục đơn vị trường học từ mầm non cho đến trung học phổ thông được sắp xếp lại. Trong các cấp, bậc học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cấp tiểu học có số lượng đơn vị trường học được sắp xếp lại nhiều nhất. Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có đợt khảo sát về vấn đề này. 

Trong những buổi làm việc với HĐND tỉnh, cán bộ lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương đều nhất trí cao rằng, chủ trương tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp là đúng. Cái gì cũng thế, sau một thời gian vận hành thì cần được nhìn lại để chấn chỉnh, điều chỉnh cho phù hợp, vì mỗi thứ hình thức chỉ phù hợp với một giai đoạn, một thời kỳ nhất định. Quy mô của nhiều trường học, đặc biệt là giáo dục phổ thông đang nhỏ dần theo chính sách dân số.

Có những đơn vị số lượng học sinh có khi còn ít hơn tổng số giáo viên, cán bộ nhân viên hiện có. Có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, do quá ít học sinh (chỉ tuyển được vỏn vẹn 6 em) trong một lớp nên đành xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho chuyển toàn bộ số học sinh nói trên về học ở trường phổ thông. Có những trường tiểu học quy mô quá nhỏ trong khi vẫn duy trì một bộ máy quản lý như những trường lớn với cả chục vị trí việc làm có chức vụ, có phụ cấp.

Thực tế đó, dù đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường nhỏ có vui lòng hay không, chuyện sáp nhập vẫn phải thực hiện. Như lời của người đứng đầu ngành Giáo dục báo cáo với đoàn khảo sát của HĐND tỉnh rằng, khi sáp nhập, không phải không có những tâm tư, nhưng vì cái chung, vì mục đích lớn hơn nên phải sáp nhập. Tiện thể cũng xin nói thêm một chút về vấn đề con người, vị trí việc làm.

Trong khi có không ít người tâm tư vì phải rời bỏ chức tước, ảnh hưởng tương lai thì vừa qua, một số cán bộ quản lý chủ động xin xuống làm giáo viên. Chỉ trong một thời gian ngắn, có 3 vị hiệu phó và 1 hiệu trưởng của 4 trường THPT đã chủ động xin rời vị trí quản lý (một vị trí nhiều đồng nghiệp của họ mơ ước) để xuống làm giáo viên.

Sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, một trong số 4 trường hợp nêu trên cho biết xin nghỉ làm lãnh đạo để có thời gian làm thêm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. “Mỗi tháng phụ cấp chức vụ được sáu trăm năm mươi tư ngàn, không đủ đóng tiền học thêm cho con một tháng”- người này cảm thán.

Chuyện “khắc nhập, khắc xuất” của bộ máy Nhà nước nói chung, ngành Giáo dục nói riêng đã từng được thực hiện trong nhiều năm qua. Có ý kiến bình luận “khi tách ra nói cũng có lý, khi nhập vào lý luận cũng hay”. Nói như thế đúng nhưng chưa đủ. Vì mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ có một đặc điểm, một yêu cầu khác nhau. Một luận cứ cho luận điểm vừa nêu là, bộ máy Nhà nước trong thời gian qua thể hiện sự cồng kềnh, hiệu quả hoạt động có vấn đề trong khi ngân sách chi cho khối đơn vị sự nghiệp công lập và cả khối quản lý hành chính không ngừng tăng. Theo dõi thông tin không khó khăn gì để thấy, nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về tình hình ngân sách. Nhìn rộng hơn, không phải Nhà nước không bảo đảm được ngân sách, song điều cần làm là làm sao để đồng tiền thuế của người dân, doanh nghiệp đóng cho Nhà nước được sử dụng hiệu quả hơn.

Trong đợt khảo sát của HĐND tỉnh vừa qua, lãnh đạo ngành Giáo dục và UBND một số huyện cũng bày tỏ băn khoăn về chất lượng dạy và học ở các điểm phụ, cơ sở 2 sau khi sáp nhập trường học. Sự lo lắng ấy là chính đáng và không phải không có cơ sở.

Vì một ban giám hiệu khó có thể quản lý tốt ở cả điểm chính lẫn điểm phụ, cả cơ sở 1 và cơ sở 2 của trường học. Thông thường, giáo viên dạy ở điểm lẻ, điểm phụ hoặc cơ sở 2 (sau sáp nhập) có tâm lý tự do, muốn dạy thế nào cũng được vì ban giám hiệu không thể thường xuyên có mặt ở đó. Bày tỏ quan điểm về điều này, một vị phó trưởng phòng giáo dục (yêu cầu không nêu tên) cho biết, câu chuyện ở đây là trình độ quản lý, ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý và giáo viên.

Theo vị này, tinh giản bộ máy là chuyện của Nhà nước, còn chuyện dạy và học  là câu chuyện chuyên môn. “Dạy ở đâu cũng vậy, điều quan trọng là thái độ, trách nhiệm của người thầy, người cô chứ không phải nơi họ dạy”- vị cán bộ quản lý bình luận. Để hạn chế sự phân biệt giữa điểm chính với điểm phụ, một số trường trung học phổ thông bố trí học sinh học theo khối.

Ví dụ, học sinh lớp 10, 12 học tại điểm chính, học sinh lớp 11 học tại cơ sở 2. Cách bố trí giáo viên cũng linh hoạt theo tinh thần đó. Điều này hạn chế được phần nào tinh thần học tập của học sinh cũng như thái độ làm việc của giáo viên. Một lần nữa cần nhắc lại, sau khi sáp nhập, yêu cầu quản lý cao hơn trước. “Để bảo đảm chất lượng đồng đều, hạn chế sự chênh lệch cũng như thái độ làm việc của giáo viên, ba người trong ban giám hiệu chúng tôi luân phiên nhau trông coi ở cả điểm chính lẫn điểm phụ”- hiệu trưởng một trường THPT vừa mới sáp nhập cho biết.

“Sáp nhập trường học như hiện nay còn nặng tính cơ học, học sinh vẫn học tại nhiều điểm trường khác nhau. Do đó, để sáp nhập đúng thực chất, về lâu dài cần tổ chức dạy và học tại một điểm trường duy nhất”- một vị lãnh đạo cơ quan dân cử nhận xét. Vấn đề đó (sáp nhập còn nặng tính cơ học) là một thực tế. Nhưng để dồn toàn bộ học sinh, giáo viên về một điểm trường duy nhất thì không đơn giản.

Đơn cử, khi sáp nhập, Trường THPT Hoàng Văn Thụ có đến 48 lớp, tổng cộng gần 2.000 học sinh. Nếu đưa toàn bộ học sinh về cơ sở chính thì không thể được, đơn giản vì số lượng phòng học không đáp ứng đủ. Đó còn chưa kể ngay cả khi có tiền để xây thêm phòng học thì với diện tích hiện tại, không trường nào có đủ đất để xây. Muốn xây, lại phải mở rộng diện tích, giải toả đền bù…

Trong khi đó, cơ sở vật chất của điểm phụ vẫn tốt thì bố trí cho học sinh học tại chỗ là một phương án hợp lý. “Trước mắt, tinh thần tổ chức lại hệ thống trường lớp chính là tổ chức lại bộ máy quản lý chứ chưa thể di dời cơ sở vật chất trường lớp”- người đứng đầu ngành Giáo dục đã giải trình với HĐND tỉnh.

Không một chủ trương, chính sách nào hoàn hảo, ưu điểm tuyệt đối. Quyết định sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước nói chung, ngành Giáo dục nói riêng không phải không có những bất cập, hạn chế và có phần nào cho thấy dấu hiệu của sự nôn nóng. Để đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả của việc sắp xếp, cần có một thời gian nhất định, vì việc triển khai chủ trương, chính sách mới chỉ đi được một đoạn đường.

Nhưng xét toàn cục, chủ trương tổ chức lại bộ máy, cơ quan sự nghiệp là đúng. Chủ trương này xuất phát từ thực tiễn cuộc sống chứ không phải một quyết định duy ý chí. Nói một cách hình ảnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang đưa cuộc sống vào nghị quyết chứ không chỉ đưa nghị quyết vào cuộc sống.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh