BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đưa “lửa” cạnh tranh về cơ sở

Cập nhật ngày: 26/01/2017 - 23:04

Việc Quảng Ninh công bố công khai Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương trực thuộc tỉnh năm 2016 (DDCI-2016) đúng dịp kết thúc năm Bính Thân đầy khó khăn, đã thật sự tạo ấn tượng mạnh trong dư luận.

So với bộ chỉ số thí điểm DDCI-2015 mới khảo sát 6 huyện, thị xã, thành phố và 7 sở, ban, ngành, DDCI-2016 đã mở rộng tới 29 cơ quan, đơn vị (14 huyện, thị xã, thành phố và 15 sở, ban, ngành).

Đặc biệt, DDCI 2016 bổ sung tiêu chí mới: Đánh giá trách nhiệm, xếp hạng người đứng đầu từng địa phương và các sở, ban, ngành trên cơ sở tích hợp số liệu độc lập. Cùng với các tiêu chí khác gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí không chính thức; Thiết chế pháp lý; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động của lãnh đạo; Chi phí thời gian; Hỗ trợ doanh nghiệp (DN); việc bổ sung tiêu chí mới nêu trên là bước đột phá khi trao quyền cho DN đánh giá vai trò của lãnh đạo địa phương, sở, ban, ngành trong cải cách hành chính.

Nói là đột phá, bởi nhiều nơi vẫn xem đó là nhạy cảm, né tránh như một thứ “kỵ húy”, và nếu nghiên cứu thì cũng thường không đưa công khai. Thứ nữa, đặt trong mối quan hệ giữa cá nhân người đứng đầu với tập thể lãnh đạo cũng phải có bước chuyển.

Nói như Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc: “Phải rõ người, rõ cơ quan, rõ trách nhiệm, rõ việc, tránh chung chung mà không lượng hóa được năng lực”. Cuối cùng, công tác đánh giá, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cũng cần tham chiếu tiêu chí này từ góc nhìn DN.

Kết quả xếp hạng cho thấy những bất ngờ: Ở khối sở, ban, ngành, Cục Thuế tỉnh đứng đầu, tiếp theo là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công thương. Ở khối huyện, thị xã, thành phố, trong tốp 3 thì huyện đảo Cô Tô dẫn đầu, tiếp theo là Hoành Bồ và TP Uông Bí.

Báo cáo DDCI-2016 của nhóm nghiên cứu VIETSURVEY Research & Analysis hợp tác với UBND tỉnh, Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh chỉ ra những lưu ý quan trọng: DN đánh giá năng lực điều hành của các địa phương khác nhau không phụ thuộc mức độ tập trung kinh tế hay thuận lợi địa lý, giao thông hay giao thương, theo đó Cô Tô “lên ngôi” là một thí dụ sinh động; khoảng cách giữa địa phương đứng đầu với địa phương còn lại là rất lớn; chỉ số tính minh bạch và hỗ trợ DN của DDCI-2016 có giá trị trung vị tương đối thấp, song bên cạnh đó vẫn còn có ý kiến về “chi phí không chính thức”, một thứ “giao dịch gầm bàn”, “không thể biết giá sàn lẫn giá trần”, mặc dù số liệu cho thấy, tuy ở Quảng Ninh không phải là một vấn đề nổi cộm, vẫn cho thấy dư địa cải cách còn nhiều; xếp hạng cao của các đơn vị có truyền thống tiếp xúc với DN như Cục Thuế, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư không chỉ đả phá sức ỳ và thói quen ngại va chạm hoặc tâm lý lo ngại “làm nhiều sai nhiều”, mà còn là bài học cho các đơn vị khác trong tự đổi mới; vai trò của người đứng đầu được DN kỳ vọng rất cao, không chỉ trong tham mưu mà còn trực tiếp tháo gỡ vướng mắc của DN.

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhận xét: “Cơ chế, chính sách chỉ là yếu tố rất nhỏ để thu hút DN, nhà đầu tư. Điều quan trọng là việc thực hiện cơ chế, chính sách đó như thế nào, thái độ phục vụ DN của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở chuyên nghiệp, tận tâm đến đâu”.

DN kỳ vọng vào những lời hứa ở trên, nhưng thất vọng khi trực tiếp làm việc với cơ sở. “Lửa” cải cách mới cháy mạnh ở trung ương, áp lực thay đổi mới về tới tỉnh, còn xuống cấp huyện, thị xã, xã, phường nhiều nơi vẫn phẳng lặng, xưa cũ y nguyên.

Có chủ trương, đường lối đúng nhưng phải có ý tưởng, mô hình và công nghệ cải cách. Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất thuê tư vấn uy tín nước ngoài xây dựng những quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (do Mc Kinsey lập), Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (do Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) lập)…; Thí điểm nhất thể hóa chức danh lãnh đạo và quản lý; Thành lập mô hình chuẩn đầu tiên về cơ quan xúc tiến đầu tư năm 2012; Xây dựng Bộ chỉ số chuyên nghiệp, bài bản về năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (DDCI-2015, 2016)… có thể nói là những sự “phá rào” quý giá ở tư duy mới, tầm vóc mới.

Sáng 3-12-2016, phát biểu tại Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn kêu gọi: Chúng ta cần tạo điều kiện thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh toàn cầu… Hiệp hội chúng ta sẽ sớm có những thành viên trở thành DN lớn như thế… Hiệp hội là cái nôi, là bệ phóng cho những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh của đất nước trong những năm tới.

Đó thật sự là những mệnh lệnh cấp bách, khi bối cảnh kinh tế khu vực và quốc tế đang có những chuyển động nhanh chóng, khó lường; khi tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng không thể nằm ngoài tiến trình cải cách thể chế; khi nhu cầu được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực quốc gia của các thành phần kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân, ngày một bức thiết.

DDCI-2016 của Quảng Ninh là câu chuyện của một tỉnh. Nhưng chuyển áp lực cải cách từ trung ương tới cơ sở; biến mục tiêu vươn lên trong tốp ASEAN 4 trở thành ý thức của đội ngũ cán bộ cơ sở, lại là câu chuyện của nhiều tỉnh, của cả quốc gia.

Hiện thực hóa mục tiêu có thêm một triệu DN vào cuối năm 2020, không chỉ là động lực mà còn là các câu hỏi về nguồn lực, giải pháp, lộ trình thực hiện. Vươn xa hơn, đó phải là kỳ vọng xuất hiện những gương mặt DN tư nhân có tầm vóc và ảnh hưởng lâu bền tầm khu vực và vươn ra toàn cầu; là kỳ vọng trong năm mới 2017 về một nền kinh tế năng động, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập.

Nguồn Báo Nhân dân