Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xây dựng chính quyền điện tử trong những năm qua là tiền đề để Tây Ninh hướng đến chính quyền số. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2022 nhằm hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội XI nhiệm kỳ 2020-2025 cũng như nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 02-NQ/TU). Qua đó, không ngừng hiện đại hoá nền hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, động lực quan trọng để kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển.
Trung tâm GSĐT tập trung tỉnh được xem như “bộ não số” của tỉnh
Trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 713/QĐ-UBND về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tính đến thời điểm này, Tây Ninh là một trong số ít địa phương trong cả nước sớm ban hành nghị quyết của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, vừa định hướng, vừa xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công việc chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.
Theo Nghị quyết 02-NQ/TU, chuyển đổi số giúp định hình tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, tiêu thụ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành KT-XH của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tỉnh sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn lực phục vụ chuyển đổi số tại tỉnh; thay đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông, đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số tại địa phương. Chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững của địa phương.
Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ đặt mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số trong chương trình chuyển đổi số quốc gia; cơ bản hoàn thành các nền tảng cho chính quyền số và an toàn, an ninh mạng. Đến năm 2030 hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; có tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng đô thị thông minh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu một xã hoàn thành việc chuyển đổi số và Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá của cả nước.
Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng CNTT - viễn thông, xây dựng các nền tảng công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số, ngay từ cuối năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã nghiên cứu xây dựng đề án xây dựng chính quyền số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đã được UBND tỉnh ban hành vào giữa năm 2020. Trên cơ sở đó xác định các nhiệm vụ, dự án xây dựng hạ tầng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, tỉnh đã phân bổ kinh phí để thực hiện trong năm 2021. Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Tấn Đức cho rằng, năm 2021 là năm xây dựng hạ tầng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Sở đã chủ trì triển khai thực hiện các dự án như nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống phòng, chống tấn công mạng, nền tảng chỉ đạo điều hành Egov, nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử theo quy định mới, triển khai nền tảng liên thông tích hợp dữ liệu, hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng kết nối với hệ thống giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia… Ngoài ra, Sở cũng đã thực hiện trang bị một số hệ thống khác theo hình thức thuê dịch vụ CNTT như hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức, giám sát thông tin trên môi trường mạng, hệ thống phản ánh hiện trường, hệ thống trung tâm GSĐH tập trung (IOC), hệ thống quản lý camera giám sát tập trung sử dụng công nghệ AI… Đây là những hạ tầng, nền tảng và ứng dụng quan trọng phục vụ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.
Cũng trong năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, tình hình dịch bệnh ở tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, ngành TT&TT của tỉnh đã nhanh chóng chuyển trạng thái sang tham mưu ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch, được lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đánh giá cao. Trung tâm Giám sát, điều hành KT-XH tập trung triển khai có hiệu quả các kênh giao tiếp trên nền tảng tổng đài 1022, kênh Zalo 1022, kênh Zalo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Tây Ninh… được người dân ủng hộ.
Người dân quét mã QR để truy cập cổng thông tin điện tử tỉnh
Năm 2022, theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ TT&TT, đây sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Đối với Tây Ninh, đây cũng sẽ là năm toàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ, kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sẽ sơ kết vào cuối năm 2022. Trọng tâm là đột phá trong việc liên thông, tích hợp dữ liệu các ngành trực tuyến lên Trung tâm Giám sát, điều hành KT-XH tập trung của tỉnh, nhất là dữ liệu tài chính, ngân sách, đầu tư công. Tỉnh sẽ triển khai có hiệu quả hệ thống “Giám sát quy trình tiếp nhận và xử lý yêu cầu, TTHC cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh”; quyết tâm hoàn thiện việc nâng cấp, chuẩn hoá hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công của tỉnh; rà soát, công bố lại 100% TTHC đủ điều kiện mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên 30%.
Để công cuộc chuyển đổi số của tỉnh đạt kết quả như mong đợi, cần sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Tấn Đức, người đứng đầu phải chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực mình phụ trách; trực tiếp chủ trì xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực giai đoạn 5 năm và hằng năm. Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành để tích hợp, chia sẻ với các cơ quan ở trung ương, các cơ quan ở địa phương và đặc biệt là tham mưu UBND tỉnh mở dữ liệu ngành cho người dân, doanh nghiệp cùng khai thác, chia sẻ và cập nhật. Riêng đối với các địa phương thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng phải nhanh chóng nghiên cứu xây dựng và triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh.
Phương Thuý