Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 27.7, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội về tiếp nhận, trả lời vướng mắc của người dân, doanh nghiệp chung quanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của công dân, doanh nghiệp trong quá trình triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Văn phòng Chính phủ đã thiết lập và đưa vào vận hành Đường dây nóng trực tuyến hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tại địa chỉ https://hotro.chinhphu.vn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu việc tiếp nhận, xử lý và trả lời vướng mắc của người dân, doanh nghiệp được kịp thời, nhanh chóng, chính xác, đưa chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng các Bộ, ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung như, cử đầu mối tiếp nhận thông tin của cơ quan (cung cấp số điện thoại, hòm thư công vụ) và chỉ đạo giải quyết ngay các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổng hợp, chuyển đến; kết quả xử lý gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Được biết trước đó, ngày 22.7, UBND tỉnh có Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND về việc hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày của Chính phủ, trong đó các tiêu chí người lao động tự do có đủ các điều kiện: mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/tháng đối với khu vực thành thị (mức chuẩn nghèo của quốc gia năm 2021);
Do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ 1.5.2021 đến ngày 31.12.2021; cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Quyết định của UBND tỉnh nêu rõ đối tượng áp dụng là người lao động làm một trong các công việc sau: thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hoá bằng xe 2 bánh, 3 bánh, xe tải nhỏ từ 2 tấn trở xuống tại các chợ, bến bãi; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 2 bánh; bán lẻ vé xổ số kiến thiết; bán hàng rong, sửa chữa đồ gia dụng, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;
Lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục tư thục, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập ký hợp đồng khoán việc có quyết định thôi việc; tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực: ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu), lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, nail); lĩnh vực dịch vụ (karaoke, spa, internet, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, phòng trà, phòng tập gym, thể dục thể thao), lao động tự do trong lĩnh vực xây dựng.
Về nguyên tắc hỗ trợ, Quyết định nêu rõ, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.
H.Đ